Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lon trà sữa trân châu gây tranh cãi ở ‘Shark Tank phiên bản Canada’

Thương hiệu trà sữa đóng lon Bobba bị cáo buộc chiếm dụng văn hóa khi “cải tiến” món trà sữa châu Á trở thành thức uống có cồn và tự nhận là “lành mạnh hơn”.

chiem dung van hoa anh 1

Diễn viên Simu Liu gây chú ý khi cho rằng sản phẩm trà sữa của Bobba là "chiếm dụng văn hóa". Ảnh: Pedestrian.

Trong tập mới nhất phát sóng ngày 10/10 của Dragon’s Den (Shark Tank phiên bản Canada), diễn viên Simu Liu đã chỉ trích cặp doanh nhân người Canada vì “cải tiến” món trà sữa trân châu nổi tiếng của châu Á.

Phiên bản “lành mạnh hơn” của trà sữa trân châu?

Sébastien Fiset và Jess Frenette là hai nhà sáng lập Bobba - thương hiệu trà sữa đóng chai có cồn. Cả hai xuất hiện ở Dragon’s Den để kêu gọi đầu tư 1 triệu USD cho 18% cổ phần công ty.

Những chai trà sữa của Bobba gây tranh luận khi có dấu hiệu “chiếm đoạt văn hóa”. Phần trình bày của hai nhà sáng lập Bobba cũng bị chỉ trích trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng cả hai đã xem thường văn hóa châu Á khi cố ý thương mại hóa trà sữa trân châu.

Fiset thừa nhận họ đã “cải tiến món trà sữa trân châu được yêu thích thành một chai nước tiện lợi và lành mạnh hơn”. Lon trà sữa của Bobba có các thành phần như: trà chất lượng cao, nước ép trái cây và “trân châu dẻo nổi tiếng của Bobba”. Sản phẩm của công ty bao gồm trà sữa có cồn và gói trà dùng một lần.

“Bobba có thể trị giá 1 tỷ USD vào 5 năm tới nhờ sản phẩm độc nhất vô nhị”, Fiset nói. Anh cho biết công ty vừa kết thúc năm kinh doanh thứ hai với doanh thu 4,6 triệu USD và có kế hoạch đạt 7 triệu USD trong năm tiếp theo.

chiem dung van hoa anh 2

Diễn viên Simu Liu là nhà đầu tư khách mời trong tập mới nhất của Dragon's Den. Ảnh: CBS.

Sau khi nhấp một ngụm trà sữa Bobba, diễn viên Simu Liu, người đại diện quỹ đầu tư mạo hiểm Markham Valley Ventures, nhận xét trà sữa có vị “ổn”. Tuy nhiên, anh lo ngại về “ý tưởng của Bobba sẽ ‘hủy hoại’ món trà sữa trân châu”. Diễn viên người Canada gốc Hoa nhắc đến khái niệm “chiếm dụng văn hóa” và cho rằng Bobba “đang lấy thứ gì đó rất châu Á rồi tự nhận là làm cho nó tốt hơn”.

Ngay từ đầu, Fiset và Frenette đã không gây ấn tượng với Liu. “Các nhà đầu tư, có lẽ mọi người đã nghe nhiều về trà sữa trân châu”, Frenette mở đầu. “Tôi chưa, ở đây có ai từng nghe về trà sữa trâu châu chưa? Trà sữa trân châu là gì? Tôi chưa từng nghe”, Liu xen vào với giọng mỉa mai.

Hai nhà sáng lập Bobba nhanh chóng mô tả trà sữa trân châu là thức uống “thời thượng, nhiều đường và thu hút hàng dài người xếp hàng để mua mặc dù không ai biết rõ thành phần của nó”. Họ nói thêm “những ngày đó sắp kết thúc khi Bobba xuất hiện”.

Câu nói của Frenette làm Liu bất bình và nói chen vào: “Đợi đã nào, tôi hiểu rõ về thành phần của trà sữa trân châu đấy”.

“Không phải truyền thống lúc nào cũng tốt”

Bất chấp lo ngại về chiếm dụng văn hóa của Liu, nhà đầu tư Manjit Minhas lên tiếng ủng hộ Bobba: “Luôn có cách tiếp cận mới với một vấn đề. Không phải truyền thống lúc nào cũng tốt”.

chiem dung van hoa anh 3

Theo nhà sáng lập Bobba, thương hiệu trà sữa này có doanh thu 4,6 triệu USD trong năm kinh doanh thứ hai. Ảnh: @bobbaofficiel/Instagram.

Fiset nói thêm Bobba sẽ làm món trà sữa trân châu không còn là “một sản phẩm truyền thống”. Minhas đồng ý với quan điểm cải tiến trà sữa dù cho biết bản thân chưa bao giờ nếm thử.

Bobba, theo Fiset, “tạo ra một phiên bản mới của trà sữa trân châu với nước ép trái cây”. Thực tế, nhiều loại trà sữa trân châu đã được uống kèm nước ép trái cây trong nhiều năm.

Trả lời câu hỏi của Liu về cách thương hiệu dành sự tôn trọng đối với “loại thức uống rất châu Á”, nhà sáng lập Bobba cho biết công ty có một đối tác Đài Loan (Trung Quốc) để sản xuất trà sữa và trân châu. “Đó là phần tuyệt vời nhất, khía cạnh văn hóa trong sản phẩm của Bobba”, Fiset nói.

“Tôi đang nghiên cứu lon nước của các anh, đang tìm dòng chữ trên sản phẩm cho biết xuất xứ của món nước”, Liu nói. “Tôi thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm vì nhiều lý do nhưng chủ yếu là để nâng cao vị thế của doanh nhân thiểu số”.

chiem dung van hoa anh 4

Simu Liu đăng video TikTok vào ngày 12/10 để phản hồi ý kiến ủng hộ trên Internet. Ảnh: @simuliu/TikTok.

“Tôi cảm thấy yếu tố chiếm dụng văn hóa ở đây”, anh nói thêm. “Tôi muốn góp phần đưa trà sữa trân châu vươn tầm quốc tế nhưng không phải theo cách này. Do đó, tôi không đầu tư”.

Cuối cùng, Fiset và Frenette chấp nhận lời đề nghị đầu tư của Minhas. Bà đầu tư 1 triệu USD cho 18% cổ phần công ty. Người đại diện của Bobba và Dragon’s Den chưa trả lời yêu cầu bình luận của NBC News.

Tập mới nhất của Dragon’s Den gây tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều người ủng hộ cáo buộc chiếm dụng văn hóa của Liu và chỉ trích Bobba cùng Minhas - người phớt lờ Liu và đầu tư vào Bobba.

Phản hồi ủng hộ trên Internet, Liu đăng một video TikTok vào ngày 12/10 và cho biết anh trân trọng quan điểm của cộng đồng mạng. Tuy nhiên, anh cũng lên án hành vi quấy rối của người dùng Internet đối với hai nhà sáng lập Bobba.

“Chúng ta có thể phê bình hành vi chiếm dụng văn hóa nhưng đừng đe dọa an toàn của ai đó”, anh nói. “Thành thật mà nói, họ (người sáng lập Bobba - PV) không đáng phải chịu đựng điều này. Họ đã cố gắng quảng bá doanh nghiệp một cách tích cực”.

Dân văn phòng TP.HCM cắt trà sữa, bớt chốt đơn vì thu nhập 'teo tóp'

Giữa bối cảnh thu nhập giảm, giá cả sinh hoạt tăng cao, dân văn phòng ở nhiều đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội chọn cắt bớt các khoản chi không thiết yếu và xây dựng quỹ tiết kiệm.

Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới

Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.

Đông Tùng

Bạn có thể quan tâm