Đang xếp hàng tại quán trà sữa yêu thích, Zhang Xin (30 tuổi, kế toán) xem xét kỹ menu. Trên đó, phần khiến cô tò mò không phải là danh sách dài các loại topping hay hương vị của quán mà là một thứ mới: các bảng mã màu xếp hạng dinh dưỡng được gắn trước mỗi loại đồ uống.
Zhang cho biết cô thích tự thưởng một ly trà sữa có đường và caffein bất cứ khi nào công việc trở nên quá căng thẳng. Không chỉ Zhang như vậy: các chuỗi trà sữa trung và cao cấp trở nên bùng nổ ở Trung Quốc trong những năm gần đây, một phần đến từ những nhân viên văn phòng tìm kiếm thức uống giúp tỉnh táo vào buổi chiều, theo Sixth Tone.
Tuy nhiên, lượng đường trong món đồ uống này đang gây lo ngại. Trong bối cảnh tỷ lệ béo phì tăng cao, nhiều người trẻ Trung Quốc ý thức về sức khỏe đang đổ xô đến các thức uống lành mạnh hơn như yangsheng - hay đồ uống "chữa lành cơ thể" - hứa hẹn giúp tăng cường năng lượng mà không có calo.
Vào tháng 3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Thượng Hải còn triển khai chương trình thí điểm thêm nhãn dinh dưỡng vào đồ uống, kéo dài 1 năm.
Xếp hạng đồ uống
Hệ thống đánh giá đồ uống theo thang điểm từ A đến D, trong đó D biểu thị mức đường và chất béo bão hòa cao nhất. Các bao bì đồ uống, menu trong cửa hàng và hệ thống đặt hàng online đều phải hiển thị bảng phân loại này.
Không giống như các hệ thống đánh giá dinh dưỡng khác, cho thấy cái nhìn toàn diện về thành phần của đồ uống, hệ thống đang được thử nghiệm tại Thượng Hải đánh giá đồ uống dựa trên 4 tiêu chí: đường trong sữa, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và chất tạo ngọt không phải đường.
Sau đó, hệ thống sẽ dán nhãn món đồ uống dựa trên xếp hạng thấp nhất đạt được của bất kỳ hạng mục nào trong 4 hạng mục. Nghĩa là miễn một trong bốn hạng mục là D, đồ uống sẽ nhận được xếp hạng D, ngay cả khi các hạng mục khác đều là A.
Trà sữa là món đồ uống yêu thích của giới trẻ Trung Quốc. Ảnh: Eater. |
Tại Chagee, thương hiệu mới nổi trên thị trường và là chuỗi trà được Zhang lựa chọn, menu online cập nhật điểm theo thời gian thực, tùy thuộc vào các loại thành phần bổ sung mà cô chọn. Đơn hàng của cô bắt đầu từ B, nhưng nếu cô chọn thêm đường, điểm sẽ giảm xuống C.
“Tôi thường thích đồ uống ngọt hơn. Nhưng với nhãn dinh dưỡng, tôi đoán là mình phải cân nhắc hơn”, Zhang nói.
Hệ thống này dường như đã thay đổi thói quen mua đồ uống của nhiều khách hàng. Một phát ngôn viên của chuỗi trà sữa Nayuki cho biết doanh số bán các sản phẩm được xếp hạng A và B đã tăng 23% trong vài tuần đầu sau khi áp dụng dán nhãn.
Một số thương hiệu trà sữa khác thậm chí tích hợp thêm tính năng tính toán dinh dưỡng cụ thể vào menu online. Tính năng này hiển thị hàm lượng đường, carbohydrate, chất béo và protein của mỗi loại đồ uống - thông tin trước đây không có sẵn cho đồ uống mới pha.
Chang Yue, 24 tuổi, bị tiểu đường tuýp 1, đánh giá cao các tính năng mới: "Số liệu dinh dưỡng giúp tôi quyết định lượng insulin sẽ dùng".
Thúc đẩy đồ uống lành mạnh
Tiêu thụ quá nhiều đường có thể dẫn đến nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch, tiểu đường và các bệnh chuyển hóa khác. Theo hướng dẫn chế độ ăn uống chính thức của Trung Quốc, người lớn không nên tiêu thụ quá 50 gam đường bổ sung mỗi ngày. Lượng đường khuyến nghị đã giảm từ 30 gam xuống còn 25 gam vào năm 2019.
Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến việc tiêu thụ đường vẫn tiếp tục gia tăng, một phần do sự phổ biến của trà sữa trong giới trẻ Trung Quốc. Một nghiên cứu cho thấy số ca tử vong liên quan đến việc tiêu thụ đồ uống có đường đã lên tới 46.600 vào năm 2019, tăng 95% kể từ năm 1990.
Một nghiên cứu khác về chỉ số khối cơ thể (BMI) của 15,8 triệu người lớn ở Trung Quốc cho thấy 34,8% đáp ứng tiêu chí để được phân loại là "thừa cân"; 14,1% bị béo phì.
Việc xếp hạng đồ uống được kỳ vọng thúc đẩy người tiêu dùng lựa chọn đồ uống lành mạnh hơn. Ảnh: Li Xin/Sixth Tone. |
Theo CDC Thượng Hải, gần một nửa số trà sữa được thử nghiệm sẽ nhận điểm C, ngay cả khi người tiêu dùng chọn loại có lượng đường thấp thứ hai.
Zhang Yi, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn iiMedia, hy vọng hệ thống mới sẽ tạo ra một "bước ngoặt" cho các hãng đồ uống muốn xây dựng hình ảnh thương hiệu quan tâm đến sức khỏe, nhấn mạnh vào các yếu tố khác ngoài hương vị.
“Chương trình thí điểm có thể được coi là sự phản ánh nhu cầu của người tiêu dùng. Nó sẽ thúc đẩy các thương hiệu phát triển nhiều sản phẩm lành mạnh hơn”, ông nói.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.