Ngã rẽ nào cho American Idol sau 1 mùa thảm bại?
Mùa giải thứ 12 chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về rating. Liệu có ngã rẽ nào khả dĩ có thể lấy lại danh tiếng cho cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc có truyền thống này này?
Sau 4 tháng chật vật “chèo lái”, American Idol mùa 12 cuối cùng cũng kết thúc với chiến thắng thuộc về Candice Glover. Dù không thể phủ nhận tài năng của quán quân năm nay, cũng như sự tiến bộ của các thí sinh qua mỗi tuần luyện thanh, song quả thực, đây là mùa giải gây thất vọng nhất trong lịch sử American Idol.
“Soi” vết, tìm sạn
Không thể phủ nhận American Idol mùa giải năm nay không còn hấp dẫn, từ việc chẳng có lấy một thí sinh nào thực sự nổi trội, giám khảo thiếu chân thật trong nhận xét dành cho thí sinh và thiếu tinh tế khi thảo luận với nhau; cho tới tin đồn nhà sản xuất có chút can thiệp và “phù phép” để vớt vát thí sinh nữ cho mùa giải năm nay, để American Idol không bị coi là cuộc thi hát dành cho các đấng mày râu khi 6 năm liên tiếp phái nữ chẳng hề được vinh danh Thần tượng âm nhạc Mỹ.
Thứ nhất, tất cả các thí sinh thuộc top 10 lọt vào chung kết và trình diễn hàng tuần, đều từng ít nhất một lần bị... dìm xuống nhóm “nguy hiểm”, cho thấy sự mông lung và không nhất quán của khán giả trong việc chọn lựa giọng ca xuất sắc nhất. Hãy nhìn lại các Thần tượng nước Mỹ những năm trước như Kelly Clarkson, Carrie Underwood, Jordin Sparks, David Cook, hay Chris Allen... Tất cả đều không ít lần đứng trong top 3 được bình chọn cao nhất và chưa một lần rơi vào nhóm nguy hiểm, bởi giọng hát của họ hoàn toàn không bị lẫn giữa những đối thủ khác.
Thứ hai, đây cũng là mùa giải mà ban giám khảo chẳng thèm ngó ngàng tới chiêu “ném phao cứu hộ” (Judges Save) cho bất cứ thí sinh nào. Họ đồng lòng với quyết định gạch đúng tên, loại đúng người của toàn bộ khán thính giả nước Mỹ, hay bởi đến chính ban giám khảo cũng không đủ tự tin rằng khán giả sẽ giữ lại thí sinh mà họ cứu?
Dù việc American Idol 12 đã được soạn sẵn kịch bản chỉ là thông tin bên lề, song rõ ràng, top 5 năm nay cũng không hoàn toàn thuyết phục người hâm mộ khi các thí sinh nam có triển vọng đều dần bị loại bỏ.
Bộ tứ quyền lực có xứng đáng?!
Thú vị hơn khi kỹ thuật và những cảm xúc trong giọng hát - yếu tố quyết định khả năng “ăn khách” của một cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc - lại hoàn toàn không gây được sự chú ý bằng những lời nhận xét của ban giám khảo dành cho thí sinh cũng như màn đối thoại họ dành cho nhau. Đáng tiếc, đây lại là sự chú ý mang chiều hướng tiêu cực!
Ngay từ vòng sơ loại tại các bang và thành phố lớn trên khắp nước Mỹ, sự bất đồng đến mức gay gắt giữa hai nữ giám khảo Mariah Carey và Nicki Minaj đã tạo nên những tiền lệ không đẹp cho sân chơi Thần tượng âm nhạc Mỹ. Nhà sản xuất tưởng chừng như đã phải thay thế một trong hai người, thế nhưng, vì đã trót ký hợp đồng cộng tác với khoản phí khủng nên American Idol vẫn phải tiếp tục giữ 2 người ở lại. Chính vì vậy, tuần này qua tuần khác, khán giả phải chịu đựng sự thờ ơ, nhạt nhẽo và lãnh đạm nhưng luôn cố tỏ ra sâu sắc, cao siêu trong những nhận xét dành cho thí sinh, và sự đối đáp không mấy tinh tế, hữu nghị dành cho nhau của những chủ nhân ghế nóng.
Việc Angie Miller - ứng cử viên nặng ký cho chức quán quân - bất ngờ bị loại một phần có lẽ cũng do sự nhận xét, góp ý hời hợt của ban giám khảo |
Điều mà giám khảo nên làm là vạch ra những thiếu sót của thí sinh để họ hoàn thiện giọng hát, kể cả những nhận xét đó có mang tính chất công kích chăng nữa, giống như Simon Cowell đã từng làm, thay vì đưa ra những nhận xét rất xã giao, chủ yếu nhằm... gìn giữ hình ảnh cho bản thân. American Idol 2013 dĩ nhiên vẫn có những lời chê bai dành cho thí sinh, song nó chỉ dừng lại ở những câu cảm thán cực kỳ chung chung như “Tôi không thích cách hát của bạn trong ca khúc này”, hay “Tôi chưa hài lòng về phần trình diễn của bạn”.
Kết quả là thí sinh được khen thì chẳng rõ thế mạnh của mình ở đâu, trong khi thí sinh bị chê lại trở thành những chú nai ngơ ngác, gật đầu cười gượng trước những nhận xét của giám khảo mà vẫn chẳng biết vì đâu mình thất bại. Và rồi việc Angie Miller - ứng cử nặng ký cho chức quán quân năm nay đột ngột nhận tấm vé... về quê ở tuần chung kết top 3 chính là một hệ lụy! Phần nhận xét chân thành và giá trị nhất đối với thí sinh, có lẽ chỉ có phần góp ý của Jimmy Lovine – nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng, người đã theo sát thí sinh từ đầu đến cuối.
Cải tổ - giải pháp bắt buộc nhưng liệu có khả thi?
Vậy đâu là chìa khóa mở ra một mùa giải mới tươi tắn và sáng sủa hơn?
Format của American Idol gần như không thay đổi gì nhiều sau 12 năm phát sóng, điều đó khiến cuộc thi trở nên nhàm chán. Truyền hình cũng giống như một thế giới thu nhỏ, nếu tốc độ thay đổi và sức sáng tạo của gameshow không bắt kịp với tốc độ chuyển mình đến chóng mặt của xã hội và không tương ứng với sự thèm khát những yếu tố mới mẻ của khán giả thì show truyền hình đó cũng sẽ nhanh chóng bị khai tử.
American Idol nên lựa tìm những người “cầm cân nảy mực” thực sự xứng đáng với những chiếc ghế nóng |
Ngoài việc thay đổi format chương trình, American Idol nên lựa tìm những người “cầm cân nảy mực” thực sự xứng đáng với những chiếc ghế nóng. Nhà sản xuất American Idol không nên và không cần thiết phải tìm đến những ngôi sao “khủng” để thu hút người xem, bởi suy cho cùng, người hâm mộ chủ yếu yêu thích ca sĩ khi trình diễn trên sân khấu, chứ không phải vì những màn diễn thuyết của họ. Hơn nữa, người xem không tìm kiếm những ánh hào quang xung quanh những vị giám khảo như thế, mà chỉ tò mò liệu cách “thẩm âm” của mình có trùng hợp với những chuyên gia âm nhạc đó hay không?
Tại sao Simon Cowell dù luôn chê bai thí sinh một cách gay gắt khi ông cảm thấy không hài lòng, nhưng lại luôn được người xem yêu mến và đánh giá cao? Đó là bởi những nhận xét của ông không hề mang tính chất cá nhân, mà là những nhận xét có dẫn chứng cụ thể, xác thực và chỉ vì mục đích muốn thí sinh “vỡ” ra nhiều điều để hoàn thiện chính họ. Thực tế, một phần lý do giải thích sự thẳng thắn có phần kiêu ngạo của Simon cũng bởi ông có “uy” của một nhà sản xuất.
Simon Cowell |
Trong khi đó, các nghệ sĩ tên tuổi như Mariah Carey, Nicki Minaj hay Keith Urban, họ luôn mang tâm lý tránh làm mất lòng fan khi lên ghế nóng. Họ sợ rằng nếu chỉ trích thí sinh một cách thiếu tế nhị sẽ có thể vô tình làm ảnh hưởng tới sự yêu mến của người hâm mộ dành cho họ. Ngoài ra, những nghệ sĩ tên tuổi và vẫn chưa “hết thời” cũng sẽ không thể toàn tâm toàn ý cho chương trình, bởi họ còn vô số dự án của riêng họ cần “tranh thủ” thực hiện trước khi tên tuổi của họ đi vào dĩ vãng.
Bởi thế, nhà sản xuất American Idol nên tìm kiếm những giám khảo thực sự có cá tính, thực sự tập trung và sẵn sàng bỏ công sức cho chương trình, ngoài khả năng cảm thụ âm nhạc một cách tinh tế và chính xác. Họ phải là những người “bàng quan” trước những phản ứng của số đông, dám bảo vệ chính kiến của mình dù cho đám đông đang tích cực... ném đá.
Theo Tiin