Mỗi ngày, hàng chục lao động nghèo đến các ao rau ở xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) ngâm mình làm thuê nhiều giờ trong nước để mưu sinh.
Nghề hái rau cần thuê có từ 10 năm trước ở xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất, Đồng Nai). Công việc vất vả này là nguồn mưu sinh của hàng chục hộ gia đình nghèo trong vùng, thậm chí trở thành nguồn thu nhập chính của các lao động ngoại tỉnh.
Chủ ao Đặng Bá Lộc chia sẻ canh tác ở khu vực trũng, nước lớn nên người ta thường gọi là ao rau. Diện tích lớn, lượng rau thành phẩm nhiều nên các anh không thể tự thu hoạch và cần thuê lượng lớn nhân công.
Gia đình eo hẹp về kinh tế nên Kim Mai (16 tuổi) phải nghỉ học sớm để cùng cha, mẹ đi hái rau thuê. Khi hoàn thành công việc, thiếu nữ này xuống ao nhặt nhạnh những cọng trôi dạt, làm thành bó nhỏ rồi bán cho thương lái với giá 2.000 đồng.
Khi thu hoạch, những người ngâm mình dưới nước, trực tiếp nhổ rau sẽ được chủ ao trả công 180.000 đồng mỗi ngày. Họ được gia chủ bao cấp cơm trưa, nước uống hay cà phê.
Anh Kim Dương (48 tuổi, ngụ xã Gia Kiệm) chia sẻ gia đình có một ít diện tích đất nông nghiệp nhưng sản phẩm làm ra không bao nhiêu, thu nhập thấp. "10 năm trước, nghe bạn giới thiệu, tôi gặp chủ ao rau xin làm thử và gắn bó với nghề cho đến nay. Công việc cho thu nhập nên vợ và các con tôi cũng tham gia", anh Dương nói.
Ngâm mình dưới nước suốt nhiều giờ nên da tay của anh Dương trở nên nhăn nheo, các kẽ ngón bị lở loét. Ở ao cần, mực nước khoảng 1 m, khi thu hoạch phải trầm mình, nước dâng tận cổ nên khó sử dụng găng tay, ủng hay quần áo cao su lội nước.
Trong nhóm làm thuê, những người rửa và bó rau ở bờ ao ít chịu bẩn hơn. Anh Nguyễn Văn Hòa cho biết khi rửa sạch, mỗi bó nhỏ (khoảng 0,4 kg) sẽ được chủ trả công 500 đồng. Mỗi ngày, một người phải hoàn thành 400 bó mới có thu nhập tương đương 200.000 đồng.
Theo người làm thuê, việc thu hoạch rau diễn ra quanh năm nên lao động không lo thiếu việc. Tuy nhiên, thời gian thu hoạch trong ngày không cố định. Một lao động cho hay: "Có hôm xuống ao buổi sáng nhưng cũng có lúc hái nửa đêm hoặc thu hoạch thâu đêm. Thương lái cần rau lúc nào, chủ ao sẽ gọi mình làm việc lúc ấy. Khoảng thời gian rạng sáng là thời điểm khổ cực do người hái phải ngâm mình trong nước lạnh".
Chị Nguyễn Thị Kim Oanh đang chấm công cho người làm. Theo người phụ nữ, chị canh tác 4.000 m2 rau nên cần ít nhất 20 người làm việc. Để đảm bảo nguồn lao động, gia đình chị xây dựng căn nhà nhỏ gần ao và cho nhân công ở miễn phí.
Những bó cần sạch sẽ, tươi non được thương lái tiếp nhận và đưa ra chợ bán. Mỗi lao động được chủ nhà bao cấp cơm trưa, nước uống nhưng họ thường tự túc rồi bỏ vào những làn nhựa mang đến nơi làm việc. Chị Nguyễn Thị Thu (34 tuổi) nói rằng nếu tự túc ăn, uống thì chủ nhà sẽ trả tiền suất cơm, tiền nước uống cho chị. "Chỉ cần chai nước chè, cơm nấu sẵn từ sáng sớm cùng một ít thức ăn nguội là đảm bảo sức khỏe làm việc rồi", chị Thu nói.
Ngâm mình hái rau từ sáng sớm đến khi trời đứng bóng, anh Phạm Hùng (40 tuổi) vẫn vui vẻ chuyện trò cùng đồng nghiệp.
Cuối ngày, việc thu hoạch rau cho chủ kết thúc và cũng là lúc chị Thảo nhận lương. Chị nói rằng công việc tuy vất vả nhưng thu nhập đều, được chủ nhà quan tâm nên cuộc sống trở nên vui vẻ, hạnh phúc. Người phụ nữ nhận gần 700.000 đồng tiền công cho một ngày làm việc của cả hai vợ chồng.
Trong khi đó, chồng chị Thảo là anh Ka Thia (dân tộc Khmer) lên bể nước sạch tắm gội, vui đùa cùng cậu con trai 5 tuổi. Anh nói sẽ cố gắng lao động để nuôi con ăn học thành tài, tích góp tiền để ngày nào đó mua đất sản xuất rau, thoát cuộc sống làm thuê nhọc nhằn.
Ông Phạm Quang Công, cán bộ nông nghiệp UBND xã Gia Kiệm (Thống Nhất, Đồng Nai), cho biết xã có khoảng 100 hộ dân trồng rau cần với tổng diện tích 25 ha. Rau thu hoạch quanh năm nên kinh tế nông hộ phát triển, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.
Người ngoại tỉnh đến làm thuê ở các ao rau được chủ tạo điều kiện ăn ở. Họ sống hiền lành, không bao giờ gây mất an ninh trật tự ở địa phương.
Ba anh em anh Viên sinh ra trong gia đình có sáu người mù bẩm sinh, ba người đã mất. Hàng ngày, anh Viên và em trai dắt nhau ra bờ sông mò ốc trang trải cuộc sống.