Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngậm ngùi... cử nhân

Trong những ngày diễn ra sàn giao dịch việc làm 2014 tại nhà văn hóa Thanh niên, chúng tôi gặp không ít những cử nhân loay hoay đi tìm việc làm.

Tất cả cậu cử, cô cử tìm đến sàn giao dịch việc làm đều quên đi những giấc mộng đẹp của tuổi trẻ, đó là học hành xong có được một việc làm đúng sở trường, đúng ngành nghề được đào tạo để vừa cống hiến cho xã hội, vừa trả ơn cơm cha, áo mẹ, công thầy. Hầu hết đều chấp nhận làm những công việc không liên quan gì đến ngành học, như bán quần áo, giày dép, phục vụ bàn, làm bảo vệ, làm công nhân... để tự nuôi sống bản thân.

Minh Thùy - cử nhân cao đẳng ngành quản trị kinh doanh - không tìm được việc đúng ngành nghề đào tạo nên phải làm nhân viên tiếp thị bia để kiếm sống.
Minh Thùy - cử nhân cao đẳng ngành quản trị kinh doanh - không tìm được việc đúng ngành nghề đào tạo nên phải làm nhân viên tiếp thị bia để kiếm sống.

Câu chuyện những cậu cử, cô cử không có việc làm đúng ngành nghề đào tạo, phải chấp nhận đi làm đủ thứ việc là chuyện không mới, đã được báo chí nói nhiều trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, chẳng mấy ai chịu xuất đầu lộ diện trên báo, vì nhiều lý do khác nhau. Người thì mặc cảm. Người thì không muốn gia đình ở quê biết nỗi ngậm ngùi của mình... Vì vậy, để thực hiện được phóng sự ảnh này, chúng tôi đã rất vất vả để thuyết phục các nhân vật cho phép tiếp cận với đời thật của mình.

Tại một quán ăn ở Q.9, sau nhiều lần tiếp xúc, chúng tôi mới biết Huỳnh Thị Thúy Hằng, nhân viên tiếp thị cho một hãng bia, đã tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng. Hằng cho biết sau khi tốt nghiệp năm 2013, Hằng gửi hồ sơ ở nhiều nơi nhưng không xin được việc. Hằng đành làm tạm nhân viên tiếp thị bia một thời gian. Tương tự như Hằng, Nguyễn Thị Minh Thùy tốt nghiệp CĐ ngành quản trị kinh doanh, không xin được việc làm đúng chuyên ngành, hằng đêm Thùy cũng đi làm tiếp thị bia.

Trong khi đó, khu chợ đêm ở khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM được mọi người nói với nhau là khu chợ của bậc trí thức. Bởi lẽ ở chợ này có khá nhiều cử nhân mở sạp bán quần áo, giày dép... Nguyễn Như Cẩm tốt nghiệp ngành quản lý đô thị ĐH quốc tế Hồng Bàng bán quần áo ở đây e dè cho biết: “Em tốt nghiệp năm 2012, không tìm được việc đúng chuyên ngành, em xin làm nhân viên văn phòng cho một công ty nhưng lương thấp quá nên em nghỉ, chuyển ra đây bán quần áo. Không biết đến bao giờ mới xin được việc đúng chuyên ngành học, giờ tìm việc khó quá”.

Tiếp xúc với các cậu cử, cô cử đang vất vả mưu sinh bằng những việc trái với ngành nghề được đào tạo, sao mà thấy ngậm ngùi cho hai chữ cử nhân.

Nguyễn Như Cẩm tốt nghiệp ngành quản lý đô thị Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng. Sau khi tốt nghiệp gần hai năm nhưng không xin được việc làm đúng chuyên ngành, Cẩm đành đi bán quần áo tại khu chợ đêm của khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM
Nguyễn Như Cẩm tốt nghiệp ngành quản lý đô thị Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng. Sau khi tốt nghiệp gần hai năm nhưng không xin được việc làm đúng chuyên ngành, Cẩm đành đi bán quần áo tại khu chợ đêm của khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM.

Ở đây, họ chẳng có lỗi. Các doanh nghiệp cũng chẳng có lỗi. Thậm chí các trường cũng chẳng có lỗi. Nếu có chăng thì đó là chuyện tính toán yếu kém, dẫn đến việc đào tạo tràn lan của những nhà làm chính sách về giáo dục, lao động.

http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/605628/ngam-ngui--cu-nhan.html

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm