Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội, cho biết Bộ Y tế vừa ký quyết định cấp giấy phép hoạt động Ngân hàng mô Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Ngân hàng này có nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển mô, cung ứng cho các cơ sở y tế, nghiên cứu, đào tạo y học, trao đổi mô với ngân hàng khác và hợp tác với cơ quan tổ chức, cá nhân nước ngoài nhằm mục đích khám bệnh, chữa bệnh...
Hiện nay, nhu cầu sử dụng mô và tổ chức cơ thể trong điều trị là rất lớn. Theo GS Giang, từ năm 2011 đến nay, Viện Chấn thương Chỉnh hình ghép xương đồng loại cho 120 bệnh nhân, mổ nội soi tái tạo dây chằng khớp gối bằng móng, gân đồng loại cho 263 người. Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh hàng năm thực hiện hàng nghìn ca ghép mảnh xương sọ.
Hệ thống bình Nitơ lưu trữ và bảo quản mô tại Ngân hàng mô của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: T.N. |
Thế giới có hơn 300.000 ngân hàng mô ở 46 quốc gia, trong khi đó, Việt Nam chưa có một ngân hàng mô nào được thành lập để thực hiện các hoạt động chuyên môn phục vụ điều trị cho người bệnh. Trước đây, nước ta chỉ có hai phòng thí nghiệm nghiên cứu bảo quản mô tại Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Phạm Ngọc Thạch.
GS Giang cho biết những nguồn mô, tạng từ người cho chết não, phần chi thể của người hiến tặng, nếu được thu nhận và qua quá trình xử lý, bảo quản đúng tiêu chuẩn quốc tế sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân có nhu cầu ghép. Vì vậy, ngân hàng mô là một nhu cầu cấp bách và thực sự cần thiết.
Từ năm 2016, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã có ý tưởng thành lập một trung tâm lưu trữ và bảo quản mô. Lãnh đạo bệnh viện cùng với khoa đã tập trung chuẩn bị các điều kiện để tiến hành xây dựng và thành lập khoa.
Sau hơn một năm chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị với căn cứ cơ sở pháp lý, nơi đây chính thức được công nhận là ngân hàng mô đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép và đi vào hoạt động.