Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo đánh giá tác động của mô hình VNEN.
Nhìn chung, WB có cái nhìn tích cực đối với mô hình dạy và học gây nhiều tranh cãi này.
VNEN tác động tốt đến học sinh
Báo cáo khẳng định nghiên cứu đánh giá tác động trên diện rộng đầu tiên về VNEN cho thấy việc thực hiện VNEN có mối quan hệ mạnh mẽ với năng lực nhận thức và phi nhận thức của học sinh.
Cụ thể, mức độ tác động trung bình đối với môn Tiếng Việt là 0,16, môn Toán là 0,18 và với kỹ năng phi nhận thức là 0,41.
Mức độ tác động của VNEN đối với học sinh. |
Theo đó, VNEN cải thiện kỹ năng ứng xử và tạo lập quan hệ của học sinh.
Số liệu cho thấy lợi thế của VNEN trong việc giúp học sinh xây dựng kỹ năng ứng xử và tạo lập quan hệ. Những kỹ năng này bao gồm chịu trách nhiệm về đồ dùng cá nhân của mình, quản lý thời gian và giữ lời hứa.
Học sinh VNEN cũng có lợi thế trong kỹ năng xã hội, bao gồm sự tự tin, bảo vệ quan điểm của mình, chia sẻ, quan tâm tới anh chị em, bạn bè, quan hệ tốt với trẻ khác.
Bên cạnh đó, học sinh học theo mô hình VNEN phát triển hơn về mặt giá trị đạo đức, nhạy cảm hơn với nhu cầu tình cảm của những người khác, tôn trọng người lớn tuổi, giúp đỡ bạn bè trong các hoạt động trên lớp.
Mô hình VNEN cũng cải thiện khả năng giao tiếp và tính sáng tạo của học sinh. Điều này thể hiện qua năng lực tạo ra những tác phẩm mỹ thuật và thủ công và thể hiện ý kiến của mình một cách rõ ràng.
Học sinh VNEN một lần nữa thể hiện lợi thế, và có lẽ là lợi thế khác biệt nhất so với học sinh các trường truyền thống.
Số liệu cũng cho thấy việc phát triển kỹ năng phi nhận thức không ảnh hưởng tiêu cực tới kỹ năng nhận thức của học sinh VNEN. Học sinh VNEN có kết quả học tập bằng hoặc tốt hơn trong các bài kiểm tra Toán và Tiếng Việt theo mức độ chuẩn.
Như vậy, VNEN tạo ra lợi thế cho học sinh trong việc đạt được năng lực phi nhận thức, và duy trì hoặc cải thiện kỹ năng nhận thức của các em. Số liệu cho thấy các hoạt động của VNEN có liên quan việc cải thiện kỹ năng nhận thức của học sinh.
Khi tất cả các yếu tố của VNEN được thực hiện tốt, học sinh rất có khả năng nâng cao được cả kỹ năng tình cảm - xã hội và điểm kiểm tra về nhận thức
85% phụ huynh ủng hộ VNEN
Kết quả nghiên cứu cũng mang lại cái nhìn tổng thể về thái độ, nhận thức của giáo viên, phụ huynh đối với mô hình dạy học này.
Theo khảo sát của WB, 61% phụ huynh rất ủng hộ, 24% cha mẹ ủng hộ, 9% trung lập, 4% không ủng hộ và chỉ có 2% phản đối.
Phụ huynh ủng hộ vì cho rằng VNEN mang tới hiệu năng học tập cho các em cũng như các kỹ năng khác như giao tiếp, lãnh đạo và tổ chức.
Phụ huynh VNEN phần lớn là nông dân và chỉ rất ít trong số đó có bằng cấp 3. Tuy nhiên, họ rất tích cực tham gia vào giáo dục cho con em mình và có nhận thức tốt, chi tiết về phương pháp VNEN, ví dụ như Hội đồng tự quản học sinh.
Về phía lãnh đạo nhà trường, 75% hiệu trưởng trường áp dụng VNEN nhận thức rằng trường học truyền thống cần phải thay đổi.
Tuy nhiên, từ năm 2013 đến 2015, tỷ lệ hiệu trưởng trường không áp dụng VNEN cho rằng trường học truyền thống cần được thay đổi giảm từ 73% xuống 63%.
Báo cáo cho rằng trên thực tế, đổi mới thường bị cản trở do người tham gia không có niềm tin về sự ảnh hưởng của mình. Trong khi đó, hiệu trưởng VNEN cho thấy niềm tin vào bản thân của họ ngày càng lớn khi họ được áp dụng thử mô hình. Điều này thể hiện giá trị của việc được trải nghiệm thực tế trong nỗ lực đổi mới so với việc chỉ đọc hay nghe nói về đổi mới.
Giáo viên hiểu rõ về lý thuyết và tư duy của VNEN (ví dụ như việc khuyến khích để học sinh biết vấn đáp quan trọng hơn việc giáo viên cần thuyết giảng giỏi).
Tuy nhiên, việc thực hiện một số hoạt động còn khá khó khăn đối với giáo viên. Ví dụ, giáo viên cảm thấy khó khăn trong việc chấp nhận rằng học sinh học nên thông qua việc mắc lỗi, thay vì nói trước để tránh các em mắc lỗi.
Bản báo cáo khẳng định Việt Nam đã đầu tư vào giáo dục cơ bản một cách bền vững qua nhiều thập kỷ để có thể đạt được thành tựu đáng kể trong việc tiếp cận và nâng cao năng lực nhận thức.
Hiện tại, Việt Nam đã xác định được mục tiêu tiếp theo là cung cấp những kỹ năng của thế kỷ 21 cho trẻ em, dù là ở khu vực vùng núi cao, nông thôn hay khu vực thành thị.
"Quá trình đổi mới này chắc chắn không thể thực hiện được trong ngắn hạn mà phải đòi hỏi sự đầu tư đủ lớn và những chính sách bền vững", báo cáo nêu rõ.
Khác với đánh giá của WB, nhiều trường đã xin dừng VNEN.
Ngày 18/8/2016, Bộ trưởng GD&ĐT gửi công văn tới các địa phương về mô hình trường học mới, nêu rõ: "Kết quả 3 năm thử nghiệm cho thấy mô hình có nhiều điểm tích cực, tạo được môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; học sinh tích cực, tự lực, tự quản trong học tập; mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng được tăng cường".
Tuy nhiên, việc áp dụng chưa thực sự phù hợp điều kiện của nhiều địa phương nên đã gặp khó khăn. Do chưa nhận thức đầy đủ, chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình máy móc; việc triển khai nóng vội... dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận.
Từ đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương chủ động nghiên cứu, lựa chọn các thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào phương thức giáo dục đang áp dụng; đồng thời tự chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục ở địa phương mình.
Bộ GD&ĐT vẫn khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai mô hình trường học mới tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh.
Những cơ sở giáo dục không áp dụng mô hình trường học mới có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.