TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Mở TP HCM, cho biết tính đến trưa 10/8, lượng hồ sơ nộp vào trường khoảng 4.500, tập trung nhiều ở các ngành quản trị kinh doanh, kế toán - tài chính, ngôn ngữ Anh, luật, luật kinh tế...
Các ngành nhận được ít hồ sơ hơn là công tác xã hội, xã hội học, ngôn ngữ Trung Quốc, hệ thống thông tin quản lý, quản lý xây dựng. Theo TS Hà, điểm chuẩn có khả năng giảm từ 1 - 1,5 so với năm ngoái, tùy ngành.
Nhiều hồ sơ vào ngành “hot” của năm trước
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng Phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế TP HCM, cho biết tính đến sáng 10/8, trường nhận được tổng cộng 7.000 hồ sơ ở tất cả các ngành.
Trong khi đó, dựa vào số hồ sơ nhận được, TS Nguyễn Tấn Hạ, Trưởng Phòng đào tạo ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, dự đoán điểm chuẩn các ngành sẽ giảm nhẹ.
Theo ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Đào tạo, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, tổng hồ sơ nộp vào trường bằng cả 3 phương thức cho đến chiều 10/8 là 6.300, ở cả bậc ĐH và CĐ. Trong đó, nhóm ngành thực phẩm, công nghệ sinh học thu hút nhiều hồ sơ nhất. Các nhóm ngành: công nghệ vật liệu, khoa học dinh dưỡng, công nghệ may... nhận được ít hồ sơ hơn.
“Thí sinh có điểm trên sàn đăng ký vào các ngành ít hồ sơ trên có khả năng trúng tuyển” - ông Sơn nhận định.
Thạc sĩ Trần Văn Châu, Phó trưởng Phòng Đào tạo, ĐH Sư phạm TP HCM, cho hay, đến ngày 10/8, trường nhận hơn 4.000 hồ sơ. Theo thạc sĩ Châu, thí sinh vẫn còn nhiều cơ hội vào các ngành của trường có ngưỡng điểm nhận hồ sơ từ 16-23 điểm.
Phân loại hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH Công nghiệp TP HCM. Ảnh: Người Lao Động. |
“Dự đoán, độ chênh giữa điểm chuẩn và điểm sàn xét tuyển không quá lớn” - thạc sĩ Châu nói. Vị này cũng cho biết tỷ lệ chọi giữa các ngành có sự khác biệt lớn, đặc biệt những ngành “hot” các năm trước, năm nay thu hút càng nhiều hồ sơ.
ĐH Ngân hàng TP HCM, tính đến ngày 10/8, nhận được 5.000 hồ sơ. Trong đó, khối kinh tế - kinh doanh - quản lý có gần 4.000 hồ sơ, ngôn ngữ Anh hơn 350 hồ sơ, luật kinh tế hơn 250 hồ sơ và liên thông ĐH chính quy 100 hồ sơ.
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông Lâm TP HCM, tiết lộ nhóm ngành thu hút thí sinh những năm trước tiếp tục nhận được nhiều hồ sơ. Trường đã nhận được hơn 7.000 hồ sơ thí sinh chất lượng tốt do điểm sàn xét tuyển của trường cao (18).
“Dự kiến điểm chuẩn năm nay sẽ dao động từ 18 - 23 tùy ngành, tương đương hoặc giảm nhẹ so với năm ngoái” - TS Lý cho biết. Theo ông, trường có khả năng chỉ xét đợt bổ sung ở 2 phân hiệu: Gia Lai và Ninh Thuận.
Chớ hoảng hốt vì hết hạn nộp online
Các chuyên gia lưu ý đến 17h ngày 11/8 đã hết hạn nộp hồ sơ online. Tuy nhiên, ngày 12/8 mới hết hạn nộp trực tiếp và qua bưu điện. Do đó, thí sinh không nên quá hốt hoảng, vội vã mà điền sai thông tin. “Tuy nhiên, cũng đừng để sát giờ hết hạn mới nộp, khả năng cả bưu điện và trường đều đông người, dễ dẫn đến sai sót” - TS Nguyễn Minh Hà lưu ý.
Ông Hà cho biết, những ngày qua, tình trạng thí sinh ghi sai mã ngành rất nhiều. Mỗi phiếu xét tuyển có 2 nguyện vọng, thí sinh nên điền đầy đủ để tăng cơ hội.
Theo đại diện ĐH Công nghiệp Thực phẩm, nhiều thí sinh vừa đăng ký xét tuyển trực tuyến nhưng vẫn nộp thêm phiếu đăng ký qua đường bưu điện. Ngoài ra, thạc sĩ Nguyễn Văn Đương cho hay, nhiều thí sinh điểm dưới sàn vẫn nộp hồ sơ qua online.
TS Trần Đình Lý cho rằng những thí sinh đến các ngày cuối vẫn chưa nộp hồ sơ đa phần có điểm ở ngưỡng không an toàn, muốn nộp vào ngành mình yêu thích nhưng còn chần chừ, sợ rớt.
“Thí sinh cần tham khảo điểm chuẩn tương ứng các năm để xác định và nộp hồ sơ. Dù thế nào thì việc chọn ngành nghề phải lấy sở trường làm gốc, đừng nên chọn đại một ngành để đậu ĐH” - TS Lý khuyên.
Đăng ký online gặp khó
Anh T.S, một phụ huynh, cho biết khoảng 9h ngày 9/8, anh tiến hành đăng ký xét tuyển ĐH bằng phương thức nộp qua mạng Internet cho đứa cháu nhưng loay hoay hơn 1 giờ vẫn không thành.
“Khi thực hiện tới bước cuối cùng là nhắn tin để lấy mã xác nhận (1.000 đồng) và nhập vào thì màn hình báo chờ rồi “đứng” luôn”- anh S. kể.
Sau 2 lần đăng ký xét tuyển không xong, anh S. mang 2 bộ hồ sơ đến nộp trực tiếp tại ĐH Sài Gòn và ĐH Ngân hàng TP HCM. “Tôi nghĩ do tất cả thí sinh dồn về một cổng tiếp nhận hồ sơ của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xảy ra tình trạng quá tải” - anh S. nói.
Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH ở TP HCM tiết lộ, những ngày qua, ông không vào được hệ thống đăng ký xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng chưa in được giấy chứng nhận kết quả phúc khảo, việc cập nhật dữ liệu gặp khó khăn. Ông nhận định có lẽ do đứt cáp quang biển nên ảnh hưởng đến các hoạt động này.