Hôm 26/4, nhiều trang, hội nhóm trên Facebook như Hội Khẩu Nghiệp (270.000 người theo dõi), Bí Mật Showbiz (hơn 2 triệu lượt theo dõi), Chim Lợn Showbiz (465.000 người theo dõi), Soi Star (hơn 600.000 lượt thích) đồng loạt chia sẻ bài đăng "bóc phốt" Trấn Thành đi bar và thiếu nợ 187 triệu đồng.
Zing đã liên hệ nhưng phía Trấn Thành giữ im lặng về vụ việc. Còn Lê Dương Bảo Lâm, người cũng được nhắc đến trong bài đăng, khẳng định anh không đi bar.
Bài đăng có nhiều tình tiết đáng nghi vấn, không hợp lý, chung chung là "một cô gái tố Trấn Thành" hay "tài khoản IG có 83.000 lượt theo dõi tố Trấn Thành".
Người "bóc phốt" chỉ cung cấp những bức ảnh rất mờ, ảnh chụp màn hình không rõ ràng, thiếu tính xác thực.
Tuy nhiên, bất chấp những điểm đáng ngờ kể trên, hàng loạt trang mạng xã hội, trang tin với hàng triệu người theo dõi đã dẫn lại bài đăng này. Trên TikTok, các từ khóa như "Trấn Thành bị phốt", "Trấn Thành phủ nhận đi bar nợ 187 triệu" đều lên xu hướng vào ngày 26, 27/4.
Trong cùng thời gian, thống kê của Google Trends cho thấy lượng tìm kiếm các cụm từ liên quan đến vụ việc như "Trấn Thành quỵt tiền", "Trấn Thành đi bar", "phot tran thanh" đều gia tăng "đột phá" (có nghĩa là những cụm từ này đã tăng hơn 5.000% về số lượt tìm kiếm trên Google).
Ngành kinh doanh
Mạng xã hội là một trong những kênh truyền tải thông tin nhanh chóng, nhưng cũng là nơi nhan nhản các tin đồn, đặc biệt là thông tin chưa kiểm chứng trong giới giải trí.
Năm 2018, ca sĩ Nhật Kim Anh đã phải nhờ công an vào cuộc điều tra người tung tin đồn thất thiệt rằng cô "ngủ với mọi đàn ông trong showbiz".
Diễn viên Tú Vi và Văn Anh bức xúc, mệt mỏi vì bị đồn ly hôn sau khi kết thúc hợp đồng hôn nhân.
Còn diễn viên Phương Oanh, người thường xuyên bị quay chụp lén và tung lên mạng, nói với Zing: "Họ thậm chí vẽ nên những câu chuyện không phải của tôi. Tôi đã hạn chế dùng mạng xã hội nhưng bởi tính chất công việc nên không tránh khỏi hoàn toàn. Họ thậm chí bình luận tiêu cực dưới bài viết. Tôi chặn được trang này thì lại có kênh khác lập nên".
Theo báo cáo "Mức độ tin tưởng truyền thông & bảo mật dữ liệu" dựa trên hai cuộc khảo sát do Indochina Research thực hiện vào tháng 11/2021 và tháng 5/2022 tại 55 tỉnh thành, 30% dân số Việt Nam nhận ra việc phải đối mặt với tin tức giả mạo hoặc thông tin sai lệch ít nhất một lần một tuần. Tỷ lệ này là 40% nếu chỉ tính riêng Gen Y và Gen Z.
Năm 2022 được cho là năm của những tin đồn trong giới giải trí. |
"Nếu các phương tiện truyền thống (TV, radio, báo giấy) vẫn là nguồn thông tin đáng tin nhất thì mạng xã hội là nguồn tin tức kém tin cậy nhất. Cứ 3 người thì chỉ có 1 người tin tưởng vào tin tức trên mạng xã hội, mặc dù hầu hết trong số họ đều phụ thuộc vào nó hàng ngày", báo cáo cho biết.
Sự phát triển của mạng xã hội trong những năm gần đây khiến các tin đồn về những ngôi sao cũng bùng nổ theo. TIME có bài phân tích How 2022 Became the Year of Gossip.
Trong một podcast trên NPR, Constance Grady, phóng viên văn hóa của Vox, có chung nhận định: "Năm 2022 chứng kiến những câu chuyện phiếm về người nổi tiếng trở thành tin tức chính thống".
Còn nhà phê bình truyền hình của của NPR Eric Deggans cho rằng chúng ta đang ở trong một môi trường tin tức mà rất khó để thu hút sự chú ý của mọi người. Nhưng những câu chuyện phiếm về người nổi tiếng vẫn cho thấy được sức hút khó cưỡng.
"Những câu chuyện đó sẽ giúp thu hút rất nhiều lượt xem trang. Khán giả lớn đồng nghĩa với lượt xem cao và cơ hội kiếm tiền tốt hơn cho các hội nhóm, trang tin. Bạn biết đấy, đó là động lực thực sự mạnh mẽ để các trang này thường xuyên đăng tải tin đồn nhảm nhí, thất thiệt về các ngôi sao. Chúng ta không thể bỏ qua sự thật rằng đây là lý do khiến ngồi lê đôi mách trở thành một ngành kinh doanh lớn đến như vậy", Deggans giải thích.
Theo NoxInfluencer, trang web thống kê và phân tích dành cho người dùng YouTube, một kênh YouTube chuyên tung tin đồn về các ngôi sao Kpop với khoảng 100.000 người đăng ký có thể kiếm được lợi nhuận ổn định hàng tháng trong khoảng từ 27,7 triệu won đến 48,3 triệu won (20.600-36.000 USD).
Deuxmoi, trang Instagram đứng sau vô số tin đồn trong Hollywood, cũng kiếm khoản lợi nhuận khổng lồ từ 2 triệu người theo dõi, các hợp đồng quảng cáo, sản xuất podcast, ra mắt sách, hợp tác với HBO cho phim truyện đầu tay...
Ai chịu trách nhiệm?
Khi ngành kinh doanh tin đồn tiếp tục phát triển, mục tiêu nhắm đến không chỉ là giới nghệ sĩ. Các cá nhân bình thường cũng có thể trở thành nạn nhân của những kẻ buôn chuyện trên không gian mạng.
Kim In-hyeok, vận động viên bóng chuyền thuộc CLB Daejeon Samsung Bluefags, được tìm thấy đã tử vong tại nhà riêng hồi tháng 2/2022. Trước đó, anh thường bị tung tin đồn ác ý, nhắm đến chủ yếu về ngoại hình và giới tính.
Tháng 8/2021, Kim đã viết trong một bài đăng trên Instagram rằng thật khó để "chịu đựng những bình luận ác ý nữa sau khi gánh chịu điều đó trong một thập kỷ".
Hai ngày sau cái chết của Kim, Jo Jang-mi, streamer kiêm mukbanger, được phát hiện đã qua đời. Jo, người được biết đến với cái tên BJ Jammi, đã bị trầm cảm sau một sự cố vào năm 2019, trong đó cô trở thành đối tượng bị tấn công trực tuyến.
Kênh YouTube kiếm tiền từ những tin đồn thất thiệt về idol Kpop. |
Jo có khoảng 160.000 người đăng ký trên Twitch và 130.000 người đăng ký trên YouTube.
Trong một chương trình phát sóng vào năm 2019, Jo đã thực hiện cử chỉ tay mà một số người xem hiểu là tín hiệu của chủ nghĩa căm ghét đàn ông tại xứ kim chi.
Tháng 5/2020, Jo nói rằng cô đang uống thuốc điều trị chứng trầm cảm do những bình luận ghét bỏ trên mạng. Cô cũng tiết lộ rằng mẹ cô đã tự kết liễu đời mình do hoàn cảnh tương tự.
Sau cái chết của Kim và Jo, sự chú ý của công chúng đã chuyển sang hướng trừng phạt những kẻ tung tin thất thiệt và kêu gọi các nền tảng truyền thông xã hội như YouTube có lập trường mạnh mẽ hơn khi đánh giá và kiểm duyệt nội dung mà người dùng tải lên.
Ở Hàn Quốc, hình thức trừng phạt hình sự mạnh nhất dành cho hành vi này là bị kết tội phỉ báng theo Đạo luật Thúc đẩy Sử dụng và Bảo vệ Thông tin, Mạng Thông tin Truyền thông, trong đó người phạm tội có thể bị phạt tù 5 năm hoặc phạt tiền tối đa là 50 triệu won.
Theo luật sư Lee Seung-ki, hệ thống pháp luật hiện hành khiến việc trừng phạt hình sự trở nên khó khăn vì cần phải có "dấu hiệu rõ ràng về ác ý" liên quan đến thông tin - dù đúng hay sai - được lan truyền. Đặc biệt nếu nạn nhân là người của công chúng, thì càng khó chứng minh rằng thông tin sai lệch được lan truyền với ác ý.
Tại Trung Quốc, việc xử lý các trang tung tin đồn, buôn chuyện về người nổi tiếng đã bắt đầu từ năm 2017.
Theo Reuters, Cục Quản lý không gian mạng nước này đã yêu cầu các trang web trong nước "áp dụng các biện pháp hiệu quả để kiểm tra vấn đề thêu dệt những vụ bê bối tình dục riêng tư của người nổi tiếng, sự thổi phồng của chi tiêu hoang phí của người nổi tiếng và phục vụ cho nhu cầu giải trí, thị hiếu kém lành mạnh của công chúng".
Ngay sau đó, những nền tảng thuộc Tencent và Baidu đã xóa sổ 60 tài khoản tập trung vào tin đồn đời tư của các ngôi sao Hoa ngữ.
Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.