Tôi là Đặng Văn Mỹ (sinh năm 1985), giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội và là huấn luyện viên, phi công dù lượn có hơn 800 giờ bay. |
May mắn là thời điểm Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội cũng là lúc bắt đầu thời gian lý tưởng để chơi môn thể thao này (tháng 10-12 trong năm). Hôm nay thời tiết cũng được dự báo rất đẹp, tôi lên kế hoạch hướng dẫn học viên và bay cùng hai bạn trẻ có nhu cầu được trải nghiệm bay dù lượn. |
Khoảng 7h, tôi cùng mọi người tập trung rồi di chuyển đến địa điểm bay ở đồi Bù, xóm Núi Bé, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, có độ cao khoảng 650 m. Ngoài điểm check-in nổi tiếng trong giới trẻ nhờ có vùng cỏ lau thơ mộng, đây cũng là điểm chơi dù lượn của nhiều phi công, du khách những năm gần đây vì chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 35 km. |
Từ điểm tập kết cách đỉnh đồi Bù khoảng 6 km, chúng tôi phải đổi sang loại xe chuyên đi đường đồi núi để tiếp tục di chuyển. Con đường dẫn lên điểm bay nhỏ, hẹp, dốc và yêu cầu tài xế phải có tay lái cứng. |
Hơn 9h, tất cả có mặt ở điểm bay. Hôm nay thời tiết có thể nói là đạt 8/10 điểm, gió rất thuận lợi để cất cánh. Tôi và mọi người đều hào hứng. |
Đầu tiên, tôi tiến hành hướng dẫn 2 học viên, một người Singapore đang làm việc tại Việt Nam và một nữ phi công. Để tiếp cận môn thể thao này, ngoài kiến thức, huấn luyện viên, người chơi cần chuẩn bị bộ dù lượn có giá từ 40 triệu đến hàng trăm triệu đồng tùy mẫu mã. |
Năm 2016, tôi học bay dù lượn và bắt đầu có thể bay từ năm 2017. Trong 2 năm sau đó, tôi liên tục thi lấy các chứng chỉ phi công dù lượn. Tôi có chứng chỉ P5 do Hiệp Hội Dù & Diều Lượn Nhật Bản (JHF) cấp - hệ thống chấm thi khắt khe bậc nhất châu Á. Số phi công đạt tiêu chuẩn này ở Việt Nam chưa đến 5 người. |
Trước khi bay, tôi luôn phải kiểm tra cẩn thận các thiết bị, tình trạng dù và bật ứng dụng ghi lại số giờ bay của phi công. Chỉ cần dù vướng dị vật hay một dây dù bị rối cũng có thể gây nguy hiểm. |
Đối với môn thể thao này, yếu tố quan trọng nhất vẫn là thời tiết, gió, thứ 2 là thiết bị và thứ 3 là chính bản thân người bay. Trước khi "cất cánh", phi công phải đánh giá điều kiện bao gồm: tốc độ, hướng gió, khả năng mưa, mường tượng kế hoạch bay và các phương án dự phòng. |
Sự an toàn của phi công luôn được đặt lên hàng đầu bởi đây vẫn là một môn thể thao mạo hiểm. Dù là phi công dày dặn kinh nghiệm hay học viên mới, chúng tôi luôn lưu ý điều này. Chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể gây ra tình huống rất nguy hiểm. |
Hiện do dịch bệnh, chúng tôi chỉ nhận khách trải nghiệm đặt trước với số lượng hạn chế để đảm bảo an toàn. Mỗi chuyến bay sẽ kéo dài 10-20 phút, có giá 1,2 triệu đồng/người, thêm 300.000 đồng nếu hỗ trợ di chuyển từ trung tâm Hà Nội. |
Để bay với khách trải nghiệm, phi công phải có tối thiểu 200 giờ bay, 200 ngày bay, ít nhất 500 chuyến bay, làm chủ được những kỹ thuật yêu cầu bắt buộc đối với bay dù đôi theo tiêu chuẩn của Liên đoàn Thể thao Hàng không Thế giới.
Huấn luyện viên bay cùng học viên để trực tiếp đánh giá trình độ kỹ thuật, đưa ra lời khuyên và bài tập để họ tập luyện. Khi đạt tới trình độ nhất định, học viên sẽ trải qua bài thi sát hạch để lấy chứng chỉ. |
Vì đáp với học viên tại bãi hạ gần điểm tập kết, tôi phải đi xe trở lại đỉnh đồi. Giờ là lúc tôi bay với hai vị khách trong sáng nay, Minh Phúc và Mai San. |
Trước khi bay, khách sẽ được cung cấp đầy đủ phương tiện, đồ bảo hộ và chụp ảnh, quay phim lại bằng GoPro. Sau khoảng 30 phút chuẩn bị, tôi lần lượt bay cùng hai vị khách. |
Là con gái, lại nhút nhát, Mai San phải mất 3 lần chạy đà mới cất cánh được. |
Mai San nói sợ độ cao nhưng vẫn quyết tâm chơi. Trong khi bay, tôi thường xuyên hỏi cảm giác của cô để nắm được tình hình. "Ôi", "'Tuyệt thật anh ạ", cô liên tục thốt lên. Nhiều vị khách muốn thử cảm giác mạnh hơn, tôi có thể thực hiện một số động tác như lượn, nhào lộn thay vì chỉ bay như bình thường. |
Tôi từng bay cùng một cô gái người Nga đem rượu uống hay người đàn ông Ukraine muốn mang cả trống theo. Để những vị khách có được trải nghiệm thú vị và đáng nhớ, tôi sẽ cố gắng hỗ trợ họ trong khả năng và sự an toàn cho phép.
Mai San trượt chân trong lúc hạ cánh nhưng may mắn không gặp chấn thương gì. Cô nói rất vui và ấn tượng khi được ngắm núi rừng ở độ cao như vậy và sẽ quay lại trải nghiệm lần nữa. Mai San cũng nhận xét bộ môn này dễ “gây nghiện”, lần sau có kinh nghiệm có lẽ sẽ “phiêu” hơn rất nhiều. |
Vì hôm nay trời đẹp nên về trưa, có thêm một số người chơi dù lượn đến giải trí. Đây cũng là thời điểm bay dù lượn đẹp nhất trong ngày. Có người chơi đã nhiều năm, có người mới làm quen, quyết định theo học sau khi được trải nghiệm cùng phi công. |
Chiều, tôi có hẹn bay với một số bạn bè cũng yêu thích dù lượn. Thời điểm bay tốt nhất trong ngày thường rơi vào giờ trưa nên tôi thường bỏ qua luôn bữa này và thu xếp ăn nhẹ trước đó để đảm bảo sức khỏe, bay được tốt nhất. Có lúc, tôi thực hiện những chuyến bay hàng trăm km, kéo dài 6-7 tiếng nên việc ăn ít như vậy là bình thường. |
Đối với tôi, môn thể thao nào cũng có những cái hay, thú vị riêng và dù lượn cũng vậy. Vợ tôi cũng yêu thích cảm giác bay lượn trên bầu trời này, chúng tôi cùng nhau học bay từ những ngày đầu tiên và từng cùng bay song song hơn 70 km trên bầu trời Tam Đường - Lai Châu vào năm ngoái. |
Thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi và những người bạn chung đam mê từng đến nhiều điểm bay dù lượn nổi tiếng ở Việt Nam và cả nước ngoài để thỏa sức vẫy vùng. Hơn một năm nay, vì dịch bệnh, những hoạt động như vậy đành gác lại. |
17h, tôi kết thúc chuyến bay cuối và bắt đầu gửi hình ảnh trong chuyến đi cho khách, bạn bè rồi bắt đầu ra về. Bữa ăn thứ 2 của tôi trong ngày là quả trứng luộc, không hiểu sao, tôi không hề cảm thấy đói, luôn hào hứng khi chơi môn thể thao này. |
Cộng đồng chơi dù lượn ngày càng phát triển, nhiều người cũng bắt đầu biết đến và yêu thích môn thể thao này. Tôi hy vọng hoạt động này sẽ được địa phương quản lý bài bản, chuyên nghiệp, kết hợp với phát triển du lịch để lan tỏa rộng rãi hơn. |