Tại Hội thảo Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) 2018-2020 và kế hoạch 2021, diễn ra sáng 3/11, ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, bày tỏ sự quan ngại khi tỷ lệ nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) nhiễm HIV đang gia tăng nhanh.
Trong những năm 2010-2012, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM chỉ khoảng 3%. Theo số liệu khảo sát mới nhất, tỷ lệ này đã vượt 10%, một số địa phương lên đến 12-15%. Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ nhiễm mới ở nhóm MSM cũng đang tăng rất cao.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. Ảnh: USAID/PATH Healthy Markets. |
“Chúng ta có nhiều biện pháp để kiểm soát tình hình bệnh nhân nhiễm HIV mới nhưng kết quả chưa đạt được như mong muốn. Do đó, giải pháp hiệu quả nhất trong điều trị dự phòng HIV là PrEP”, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhấn mạnh.
Nghiên cứu từ Đại học Y Hà Nội cho thấy trong hơn 10.000 trường hợp đang sử dụng PrEP tại Việt Nam, nếu họ không dùng thuốc sẽ có 700 người nhiễm HIV mỗi năm. Khi tuân thủ biện pháp điều trị dự phòng, số lượng bệnh nhân mới được ghi nhận đến nay là 8. Đây là những trường hợp dương tính bất khả kháng do kháng thuốc, không tuân thủ điều trị.
Bên cạnh đó, Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, Phó cục trưởng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cơ quan đã áp dụng linh hoạt các giải pháp để đảm bảo nhiều người có thể sử dụng PrEP.
Từ khi triển khai đến nay, Việt Nam có 13.265 người sử dụng PrEP ít nhất một lần và 10.000 trường hợp đang dùng thuốc. Các địa phương có số người sử dụng cao nhất là TP.HCM (7.087), Hà Nội (3.010), Cần Thơ (1.730), An Giang (1.180).