Bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn phải lọc máu định kỳ. Ảnh: Việt Linh. |
Bệnh thận là một trong những căn bệnh mạn tính phổ biến hàng đầu hiện nay với tỷ lệ mắc gia tăng nhanh. Một thống kê năm 2017 cho thấy trên toàn thế giới, bệnh thận mạn đã gây ra 4,6% trường hợp không qua khỏi. Tại Việt Nam, có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số.
Thông tin được TS.BS Nguyễn Hữu Tú, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam, chia sẻ tại chương trình tầm soát bệnh thận diễn ra ngày 15/9 ở Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM).
Căn bệnh đứng đầu danh sách chi trả bảo hiểm y tế
Bác sĩ Tú cho hay Việt Nam hiện có hơn 400 đơn vị chạy thận nhân tạo, điều trị cho khoảng 30.000 người mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Tuy nhiên, tính chung trên cả nước, con số này mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của bệnh nhân.
Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam năm 2022, chi phí thanh toán cho chạy thận nhân tạo đứng đầu danh sách chi trả, ước tính lên tới hơn 4.000 tỷ. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh thận mạn tính, cũng như làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận, điều trị thay thế thận sẽ đem đến đến những lợi ích đáng kể và lâu dài về kinh tế, đồng thời làm giảm gánh nặng cho ngành y tế.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, PGS.TS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất, cho hay tình hình bệnh suy thận tại Việt Nam hiện nay đang có 2 xu hướng.
Xu hướng đầu tiên là số người bệnh suy thận giai đoạn cuối thuộc nhóm 60-65 tuổi đang gia tăng. Nhóm bệnh nhân này chiếm phần lớn trên tổng số người mắc suy thận. Điều này là do hệ quả của bệnh tiểu đường, cao huyết áp lâu năm. Xu hướng này cũng thường bắt gặp ở nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Trung Quốc...
Một xu hướng đáng quan ngại khác là Việt Nam cũng có rất nhiều bệnh nhân suy thận ở độ tuổi trẻ hơn.
"Nhiều đồng nghiệp của tôi là người nước ngoài đã kinh ngạc khi chứng kiến nhiều bệnh nhân tại Việt Nam suy thận khi ở độ tuổi còn rất trẻ", PGS Bách chia sẻ.
Những người thuộc nhóm này không có bệnh nền đái tháo đường, cao huyết áp như nhưng có các bệnh lý về cầu thận. Bệnh lý cầu thận thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm và chỉ phát dấu hiệu cảnh báo khi bệnh đã nặng.
Khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất, luôn trong tình tạng quá tải người bệnh. Ảnh: D.T.H. |
"Khuynh hướng về bệnh thận ở Việt Nam diễn biến theo 2 hướng rất đáng lo ngại, đó là số bệnh nhân suy thận tăng đều ở người lớn tuổi và cả người trẻ. Điều này gây ra gánh nặng về y tế cũng như kinh tế", PGS Bách nhận định.
PGS Bách cũng cho hay khoa Nội thận - Lọc máu của Bệnh viện Thống Nhất hiện trong tình trạng quá tải vì chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho các bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, chờ ghép thận...
Cách duy nhất phát hiện bệnh thận sớm
Thông tin thêm, PGS.TS Nguyễn Bách cũng cho hay hiện nay khoảng 6-8% người Việt có khả năng mắc các vấn đề về thận. Hầu hết trong số đó biết mình mắc bệnh khi đã ở giai đoạn muộn.
"Rất nhiều người bệnh của tôi biết mình bị suy thận cũng là lúc họ phải cấp cứu chạy thận", ông nói.
Việc phát hiện bệnh lý thận ở giai đoạn sớm không thể dựa trên dấu hiệu lâm sàng. Người bệnh khi xuất hiện dấu hiệu lâm sàng đồng nghĩa với việc bệnh đã tiến triển nặng.
Người dân đi tầm soát bệnh thận tại Bệnh viện Thống Nhất. Ảnh: Linh Thùy. |
PGS Bách cho hay cách duy nhất phát hiện bệnh thận sớm là xét nghiệm định kỳ 1 lần/năm. Hiện nay, chi phí này rơi vào khoảng 150.000 đồng.
"Đây là khoản đầu tư có lợi cho sức khỏe, giúp phát hiện và điều trị bệnh sớm nếu không may mắc phải. Thông thường, nhiều người chỉ phát hiện mắc bệnh thận khi đã ở giai đoạn muộn, phải chạy thận. Một lần chạy thận, người bệnh tốn trung bình 600.000 đồng/lần, tổng cộng khoảng 1,8 triệu đồng/tuần. Trong khi đó, chi phí tầm soát chỉ khoảng 150.000 đồng/năm", PGS Bách so sánh.
Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo mọi người nên thực hiện các biện pháp sau để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh thận:
- Ăn giảm mặn
- Uống nhiều nước
- Hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu bia, đặc biệt là hút thuốc lá
- Tập thể dục đều đặn hàng ngày
- Không tự ý dùng lâu dài các loại thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ
- Phòng bệnh béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp
Ngoài ra, mọi người nên rèn thói quen quan sát nước tiểu ngay sau khi đi vệ sinh để phòng ngừa và phát hiện sớm các dấu hiệu thận bất thường.
Nếu nước tiểu có màu bất thường như đỏ máu, có bọt nhiều bất thường, mọi người nên đi tầm soát ngay để được chẩn đoán sớm bệnh thận. Trong trường hợp nước tiểu có màu vàng, người dân nên uống thêm nước để đảm bảo sức khỏe thận.
Không có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y
Nghề bác sĩ vất vả về mặt thời gian, tổn hao nhiều năng lượng và cảm xúc. Thế nhưng, trên thế gian này, không có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y. Chạy trời không khỏi đau là tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.