Pikachu, Naruto hay Kitty là tên gọi của nhiều em bé Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
Trước đây, khi đặt tên con, các bậc cha mẹ Nhật Bản thường hướng đến những lựa chọn truyền thống, an toàn. Họ sợ cái tên độc đáo sẽ khiến con mình bị chú ý, săm soi khi đến trường, đi làm hay tham gia bất kỳ hoạt động cộng đồng nào.
Tuy nhiên, theo Yuji Ogihara, trợ lý giáo sư tại Đại học Khoa học Tokyo, nỗi lo này đã thuộc về quá khứ. Người dân xứ mặt trời mọc đang dần thay đổi.
Một nghiên cứu được ông thực hiện trong giai đoạn 1979-2018 cho thấy người dân xứ mặt trời mọc đã dành nhiều sự ưu ái hơn cho những tên gọi ấn tượng, “độc nhất vô nhị”, SCMP đưa tin.
Muốn con là tâm điểm chú ý
Trong năm đầu tiên thu thập dữ liệu, Ogihara nhận thấy tên bé trai phổ biến nhất là Daisuke, và các bé gái thường được gọi là Tomoko. Đến năm 2018, những cái tên truyền thống này gần như biến mất, nhường chỗ cho các ký tự kanji như Ren (cho con trai) và Yuzuki (cho con gái).
Theo trợ lý giáo sư, tên gọi khác thường dễ được chấp nhận hơn trong bối cảnh đô thị hóa và kinh tế phát triển. Ông cũng cho rằng người có tên gọi khác thường có nhiều lợi thế. Cộng đồng sẽ quan tâm, dễ ghi nhớ và cho rằng họ có tính độc lập cao.
“Nhu cầu đặt tên mới lạ liên tục gia tăng mạnh mẽ trong suốt 4 thập kỷ. Nó cho thấy văn hóa Nhật Bản đang hướng đến chủ nghĩa cá nhân hơn, thay vì quan trọng tính phù hợp và phụ thuộc lẫn nhau. Ai cũng muốn con mình trở thành cá thể độc đáo duy nhất”, Ogihara nói với This Week in Asia.
Những năm gần đây, truyền thông Nhật Bản thường đưa tin về hiện tượng “tên Kira-Kira”, nghĩa là cha mẹ đặt cho con những cái tên “không giống ai”.
Nhiều cha mẹ Nhật muốn con trở thành tâm điểm chú ý. Ảnh: iStock. |
Chúng bao gồm Nsaiki (phát âm tiếng Nhật tên thương hiệu thể thao Nike), Purin (pudding), thậm chí là Pikachu hay Naruto. Bên cạnh đó, một số người còn đặt tên con theo phong cách Tây hóa, như Masshyu, Makkusu và Errin (thay cho Matthew, Max, Ellen).
Dù tạo ấn tượng mạnh, “tên Kira-Kira” vẫn gây ra nhiều tranh cãi gay gắt trong cộng đồng phụ huynh Nhật Bản. Năm 1994, vợ chồng Shigeru Sato đăng ký tên Akuma cho con trai.
Quyết định này khiến người dân phẫn nộ vì từ này có nghĩa là ác quỷ. Họ cho rằng gia đình Sato đang lạm dụng quyền cha mẹ, dễ khiến đứa trẻ bị cô lập trong tương lai. Dưới sức ép của chính quyền và dư luận, Sato quyết định thay đổi ký tự trong tên con, nhưng vẫn giữ cách đọc phiên âm như cũ.
“Cả nước Nhật sẽ nhớ đến con trai tôi, vì chẳng còn ai khác có cái tên này. Vợ chồng tôi hài lòng với quyết định của mình, và đứa trẻ cũng sẽ luôn là tâm điểm chú ý khi lớn lên”, người bố khẳng định.
Hướng tới chủ nghĩa cá nhân
Ogihara dự đoán xu hướng “tên Kira-Kira” sẽ tồn tại lâu dài, đặc biệt khi nhiều người nổi tiếng như Elon Musk hay Woody Allen cũng có sở thích đặt tên độc đáo cho con.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng khẳng định xã hội Nhật Bản đang dần mất đi tính đồng nhất, hướng đến sự riêng biệt. Số người sống một mình hoặc ly hôn tăng cao, trong khi số tỷ lệ hộ gia đình hạt nhân giảm sút đáng kể.
Chủ nghĩa cá nhân cũng dần được thể hiện rõ trong văn hóa làm việc tại xứ sở hoa anh đào. Ngày trước, đa phần người lao động mong gắn bó với các công ty lớn nhằm hạn chế rủi ro tài chính, thất nghiệp. Đổi lại, họ phải làm việc đến suốt đời vì thâm niên là cơ sở duy nhất để thăng tiến.
Ở thời điểm hiện tại, nghiên cứu của Yuji Ogihara cho thấy doanh nghiệp tập trung trả lương, đánh giá nhân công dựa trên hiệu suất lao động. Người dân Nhật Bản cũng trở nên linh hoạt, không còn ngại nhảy việc như trước.
“Thay đổi trong cách đặt tên là bước đầu của sự phát triển xã hội. Mọi người đang dần vượt lên trên các rào cản xưa cũ để hướng tới nhiều giá trị mới. Trong tương lai, khi môi trường kinh tế và xã hội tiếp tục biến chuyển, con người và văn hóa Nhật Bản sẽ đậm chất chủ nghĩa cá nhân hơn”, trợ lý giáo sư nói thêm