Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày dọn dẹp cuối cùng của tình nguyện viên tại KTX ĐHQG TP.HCM

"Hôm nay là ngày cuối rồi. Nếu các cô chú, anh chị tới ở cách ly thấy còn chỗ bẩn, dọn giùm tụi con nữa nha. Tụi con cố gắng nhưng thời gian gấp quá".

Đúng 7h, sau khi hoàn tất thủ tục vào cổng, Vĩnh Định (sinh năm 1999, sinh viên ngành Điện - Điện tử trường ĐH Bách Khoa) đi thẳng đến tòa nhà D5-6 thuộc khu B ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM để nhận nhiệm vụ cho một ngày làm việc.

Công việc chính của nhóm Định là phụ giúp bộ đội, lực lượng dân quân tự vệ dọn dẹp, kiểm kê tài sản, đóng gói vật dụng cá nhân trong các dãy phòng và chuyển đến kho chứa đồ theo sự phân công của ban quản lý.

Nắng Sài Gòn lên sớm. Cơn nóng không quá gay gắt, nhưng cũng làm hoa mắt những người đứng ở nền xi măng liên tục nhiều giờ.

tinh nguyen vien tai ky tuc xa Dai hoc Quoc gia TP.HCM anh 1

Sau khi xem thông báo từ trường, nhiều sinh viên đã đăng ký vào đội dọn dẹp ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM.

Nhanh tay để người cách ly vào ở

Đầu mỗi ca làm việc, ban quản lý sẽ chia các tình nguyện viên thành những nhóm nhỏ, khoảng 3-4 người, và phân công công việc cụ thể.

Sau khi nhận được găng tay vệ sinh, khẩu trang, nước rửa tay, các nhóm tỏa nhau đi làm nhiệm vụ.

Sau gần 3 tháng bị bỏ trống, nhiều căn phòng đã bắt đầu ám bụi, cộng với cái nóng rực của tiết trời sắp vào hè khiến không khí trở nên ngột ngạt. Những ngày đầu, khi chưa quen công việc, cả nhóm gặp không ít khó khăn.

“Có một số đồ vật dễ vỡ, phải thật cẩn thận khi sắp xếp. Có phòng có màn hình cong, tụi mình không biết phải xếp sao để không bể. Còn có một phòng, bạn sinh viên đó gắn hẳn laptop vào bàn luôn rồi khóa lại, nhóm phải đem nguyên cái bàn đi cất vô kho”, Vĩnh Định nói với Zing.vn.

Trước khi niêm phong đồ đạc, các tình nguyện viên đều tỉ mỉ ghi lại số phòng của từng món đồ để đảm bảo không bị thất lạc. Sau đó, tất cả đều được mang vào kho chung để cất giữ.

Mỗi ca làm việc như vậy, một nhóm dọn được từ 6-8 phòng, tùy vào số lượng đồ đạc. Thông thường, để hoàn tất khâu đóng gói đã tốn ít nhất 30 phút.

“Còn có nhiều phòng 8 người, tụi mình xếp riêng giày dép thôi là đã hết một thùng lớn. Những đồ vệ sinh cá nhân thì mình đều xếp riêng, chẳng hạn như bàn chải thì mình tìm túi nylon sạch hoặc bình nước của các bạn để bỏ vào, mình cũng cố gắng là đồ đạc một giường thì mình xếp vào chung một thùng”, Như Mỹ (20 tuổi, sinh viên Đại học Quốc tế) kể thêm.

Cứ như vậy, mọi người làm việc tới khoảng 11h30 mới nghỉ để ăn trưa. Những ngày trời mát, mọi việc sẽ nhanh hơn. Nhưng phần lớn nhiệt độ đều 34-36 độ, cộng với việc phải đeo khẩu trang liên tục, ai nấy đều mệt mỏi.

"Sáng đi phải chọn đồ thấm mồ hôi, thủ thêm chiếc nón che ánh nắng. Nhưng mệt mà vui, mọi người cố gắng trò chuyện trong lúc làm để đỡ nhàm chán. Mỗi người nhanh một chút thì việc sớm kết thúc, sớm có phòng cho người tới ở cách ly".

KTX quen thuộc mà nay thật khác

Vẫn là con đường quen thuộc, khu ký túc xá thân thương, từng hàng cây, ghế đá gắn bó với cuộc sống hàng ngày, nhưng Yến Ngọc (sinh năm 1998) - sinh viên năm cuối trường ĐH Khoa học Tự nhiên - hôm nay ở đây không phải để đi học. Cô cũng là một trong những tình nguyện viên đang dọn dẹp.

Lau vội mồ hôi chảy trên trán, nữ sinh kể hôm nay cô dậy rất sớm, chạy xe hơn 20 cây số để tới tham gia dọn dẹp.

“Trước đây mình ở ký túc xá khu A, khi nghe nói phòng mình sắp được trưng dụng làm nơi cách ly, mình cũng khá giận. Mấy nay lướt mạng thấy mọi người dọn dẹp rất vất vả, nhất là hình ảnh những anh bộ đội, dân quân phải nằm ngủ tạm ngoài trời, mình thấy thương lắm nên quyết định đăng ký tham gia”.

Mỗi người đến từ một trường khác nhau, mặc một màu áo khác nhau nhưng nhóm tình nguyện viên đã nhanh chóng làm quen và nhiệt tình giúp đỡ nhau trong công việc. Với Ngọc, cô được các bạn hướng dẫn tận tình và ưu ái dọn những vật dụng đơn giản, không quá cồng kềnh.

“Mình lén mẹ xuống đây để làm cùng nhóm bạn, bảo là đi làm đồ án. Ở đây ai cũng nhiệt tình cả, không phải đi vì điểm rèn luyện gì hết mà là vì thật sự muốn giúp đỡ mọi người. Nghỉ ở nhà nhiều ngày tay chân mình cũng bủn rủn ra, làm cái này vừa khỏe người lại vừa vui, dù hơi mệt một chút”, Thiên Ân (21 tuổi) cho hay.

‘Nhiều người nói tụi mình rỗi việc, không biết sợ'

Từ khi tham gia công tác chuẩn bị cho việc cách ly ở ký túc xá, Bảo Như (sinh năm 2000) bị nhiều người nói là “tưng tửng” và khuyên cô nên ở nhà vì “ở đó là ổ dịch đó, đi làm gì”. Một số người còn hạn chế gặp Như vì lo sẽ bị nhiễm bệnh.

Dù cố giải thích khu mình dọn mới chỉ trong giai đoạn chuẩn bị, chưa có người cách ly vào ở nên rất an toàn, mọi người vẫn nhìn Như với ánh mắt ái ngại.

Nhiều phụ huynh lo lắng khi biết con mình đăng ký làm tình nguyện viên trong thời điểm nhạy cảm nên chỉ cho con làm một buổi rồi thôi. “Lúc mới thông báo cho mẹ, mẹ mình phản đối ngay với lý do ‘khu đó bệnh dịch như vậy, đi nguy hiểm lắm’. Nhưng khi nói rõ tình hình với mẹ, mẹ mình cũng tạm yên tâm và dặn mình phải cẩn thận”, Yến Ngọc nói thêm.

Đại diện ban hậu cần, Tuấn Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM - cho biết để đảm bảo an toàn cho tình nguyện viên, mỗi ca ban đều phát găng tay, khẩu trang y tế cho từng người và cố gắng hỗ trợ các bạn hoàn thành công việc.

"Mong người vào cách ly dọn giùm tụi con nữa, tụi con phải về mất rồi"

Một tầng lầu có khoảng 10 bộ đội, dân quân làm công tác chính, phụ trách khiêng vác vật nặng và chuyển đồ vào kho. Khi có sinh viên đến làm cùng, công việc của các anh được đẩy nhanh tiến độ.

“Nhờ những lúc tâm sự, mình mới biết thật ra sự vất vả của các anh nhiều như thế nào. Nhiều anh đáng lý sẽ được về nhà cuối tháng 3 này, nhưng do từ lúc có dịch, anh phải ở lại thêm 1,2 tháng để hỗ trợ đơn vị. Có một anh lâu rồi chưa được gọi điện về nhà, khi nghe tin gần nhà có dịch, anh rất lo cho gia đình”, Vĩnh Định kể lại.

tinh nguyen vien tai ky tuc xa Dai hoc Quoc gia TP.HCM anh 2

Việc dọn dẹp, sắp xếp phòng sẽ được hoàn tất để giao lại cho UBND TP.HCM. Trong ảnh, các bạn tình nguyện viên tranh thủ chợp mắt giờ nghỉ trưa.

5 giờ chiều, công việc của các tình nguyện viên kết thúc. Lúc này, găng tay của ai cũng bám đầy bụi bặm sau nhiều giờ “vật lộn” với đồ đạc. Ai nấy đều thấm mệt, áo ướt đẫm mồ hôi. Nhiều bạn thở phào nhẹ nhõm vì có thêm nhiều tầng được dọn xong.

Sự mệt mỏi nhanh chóng được xua tan khi mọi người vỗ tay khích lệ nhau sau một ngày cố gắng. Buổi cuối cùng của ngày tình nguyện, sau hôm nay, các bạn sinh viên không cần tới phụ giúp dọn dẹp nữa. Những ngày đầu xuân này sẽ trở thành kỷ niệm đáng nhớ của cuộc đời sinh viên.

"Hôm nay là ngày cuối cùng rồi, từ mai sẽ có nhiều cô chú, anh chị tới ở các phòng này. Bọn mình đã dọn dẹp bằng tất cả tấm lòng và sự cố gắng. Nếu vẫn còn chỗ bẩn, chưa được sạch, mong mọi người dọn giùm tụi con nữa. Cảm ơn mọi người rất nhiều. Mong người người khỏe mạnh. Quyết thắng đại dịch", Vĩnh Định nhắn nhủ.

Nam sinh viết tâm thư khi KTX ĐH Quốc gia TP.HCM dùng làm nơi cách ly

Cảm thấy nhiều bạn bè hoang mang về việc khu ký túc xá chuyển thành nơi cách ly của thành phố, Thái Bão đã viết tâm thư mong mọi người hiểu cho hoàn cảnh hiện tại.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm