Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày hội mua sắm vắng lặng chưa từng có tại Trung Quốc

Năm nay, đại hội mua sắm 18/6 tại Trung Quốc vắng bóng cả người bán và người mua.

Năm ngoái, Irene Ge (30 tuổi) tiêu tốn 20.000 nhân dân tệ (hơn 69 triệu đồng) trong lễ hội giảm giá 618 kéo dài 22 ngày.

Đối với cô, đây là dịp tốt để sắm sửa vật dụng cho gia đình. Ngoài ra, cô cũng mua thêm bộ tai nghe, đồ trang điểm và mỹ phẩm. Suốt nhiều tuần lễ, con phố quanh căn hộ của cô tràn ngập vỏ hộp bìa carton của các đơn vị giao hàng.

Người mua quay lưng

Theo Sixth Tone, tại Trung Quốc, Lễ Độc thân 11/11 và 18/6 (ngày sinh nhật của sàn thương mại điện tử JD.com) là hai lễ hội mua sắm online lớn nhất trong năm. Thậm chí, đây còn là hai dịp săn sale lớn nhất trên thế giới với hàng tỷ người tham gia mua bán suốt 3 tuần lễ.

Le hoi mua sam 18/6 anh 1

Nhân viên phân loại hàng tại một trung tâm hậu cần ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Hình ảnh ghi lại vào ngày 16/6. Ảnh: VCG.

Trong suốt lễ hội, khách hàng không ngần ngại tốn thời gian để săn lùng mã giảm giá và mua hàng điên cuồng. Hầu hết nền tảng đều đạt doanh thu đỉnh cao nhờ những dịp như vậy.

Tuy nhiên, lễ hội mua sắm 618 khép lại vào ngày 18/6 năm nay tại Trung Quốc lại vắng lặng chưa từng có.

Irene Ge chính là một ví dụ cho điều này. Khác hẳn với năm ngoái, dịp 18/6 vừa qua, cô chỉ mua hai món hàng giảm giá gồm một nồi chiên không dầu giá 500 nhân dân tệ và một chai nước tẩy trang. Cả hai đều là món quà cô tặng mẹ nhân dịp sinh nhật.

"Không có lễ hội này, tôi cũng sẽ mua chúng rồi mà thôi. Ngày nay, mọi người đã hết hứng thú với việc mua sắm thả phanh", Ge nói.

Theo Ge, thời gian giãn cách xã hội khiến mình mất đi hứng thú đối với quần áo và mỹ phẩm.

Lễ hội mua sắm 618 ban đầu có tên gọi là "Ngày JD", bữa tiệc sinh nhật của sàn thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Trung Quốc JD.com. Khi Alibaba và các đối thủ khác cùng tham gia, ngày lễ này trở thành đợt giảm giá lớn thứ 2 Trung Quốc. Đây cũng như thước đo khả năng chi trả của người tiêu dùng, tương tự những dịp lễ mua sắm như Giáng sinh tại Mỹ và các nước châu Âu.

"Giai đoạn đó, tôi quen với việc chỉ sử dụng những thứ mình cần và không còn mong sở hữu quá nhiều đồ nữa".

Từ 1/6 đến 18/6, JD.com, sàn thương mại điện tử lớn thứ 2 trong nước, ghi nhận mức tăng doanh số bán hàng chỉ 10,3%, con số thấp nhất trong 5 năm qua.

Alibaba, trang bán hàng lớn nhất Trung Quốc, thậm chí không công bố doanh số bán hàng trong hai năm liên tiếp.

Theo Công ty tư vấn thị trường Syntun, tổng doanh thu của các sàn thương mại điện tử lớn như Tmall, JD.com và Pindoudou chỉ đạt 582,6 triệu nhân dân tệ, mức tăng rất nhỏ so với con số của năm ngoái (578,5 triệu nhân dân tệ).

Người bán gặp khó

Theo Sixth Tone, nguyên nhân của vấn đề nêu trên là do nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn trong quá trình phục hồi sau giãn cách xã hội.

Lệnh phong tỏa khiến các chủ gian hàng rơi vào thế khó ngay thời điểm bắt đầu của mùa giảm giá. Theo thường lệ, họ cần doanh thu ổn định trong các tháng trước đó để đạt thứ hạng cao theo thuật toán nền tảng. Vì dịch bệnh, họ chắc chắn không thể bán hàng thuận lợi như trước đây.

Ju Yi, nhà sáng lập thương hiệu sản phẩm dành cho thú cưng Mollybox, chia sẻ 80% khách hàng trong tháng 4 yêu cầu hoàn tiền do công ty anh không thể vận chuyển hàng hóa. Kho hàng tại Thượng Hải bị phong tỏa, công ty của anh không có cách nào giao hàng.

Anh cho biết nhiều doanh nghiệp còn chọn rút lui khỏi lễ hội 618 do lo sợ thua lỗ từ chi phí quảng cáo.

Le hoi mua sam 18/6 anh 2

Đại dịch là lý do khiến nhiều người không còn mặn mà với mua sắm. Ảnh: Reuters.

Để tăng lượng sản phẩm được bán ra trong dịp lễ 618, các sàn thương mại lớn đã đơn giản hóa thuật toán, đồng thời tung nhiều ưu đãi hơn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về thương mại, những biện pháp này không chỉ "vắt cạn" lợi nhuận mà còn làm gia tăng rủi ro cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi chính họ phải chịu bù phần lớn giá trị cho các đơn hàng được giảm giá.

Một chuyên gia về thương mại điện tử phân tích: "Đối với các công ty và cả những sàn thương mại điện tử, việc theo đuổi con số tăng trưởng không còn khả thi nữa, đặc biệt trong thời điểm nhu cầu tiêu thụ thấp như hiện tại. Thay vào đó, củng cố hệ thống và nâng cao dịch vụ sẽ là phương án thiết thực và quan trọng hơn".

Giới trẻ mắc kẹt giữa sống hết mình và tiết kiệm

Ngọc Anh muốn có khoản tiết kiệm trước tuổi 30, nhưng luôn tìm được lý do để mua sắm.

Việt Hà

Bạn có thể quan tâm