Hua Shao đứng trên bờ biển, phía trước là một chiếc bàn chất đầy những con cua lớn. Người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc ướt đẫm mồ hôi, rám nắng và cười nói với bạn đồng dẫn. Phía sau họ là những chiếc thuyền đánh cá đang neo đậu, theo The Guardian.
Hua Shao livestream bán hải sản trên bờ biển. Ảnh: Hua Shao. |
"Những con bào ngư ngon như thế này chắc chắn được đánh bắt từ vùng biển trong xanh", Hua nói với 100.000 người theo dõi online.
Đoạn livestream của Hua được phát hôm 17/6, ngay trước lễ hội bán lẻ 618 của Trung Quốc.
Giữa những lo lắng về kinh tế và chính sách Zero Covid-19, 618 cho thấy sự hồi phục sức mua ở thị trường tỷ dân.
Giảm giá, mua bán có mặt ở khắp mọi nơi, được quảng cáo bởi "đoàn quân livestream" hùng hậu và đầy tham vọng. Hua chỉ là một trong số đó.
Thời hoàng kim
Các buổi phát trực tiếp, được lan truyền trên Internet và mạng xã hội của Trung Quốc, nắm giữ khoảng trống giữa những người có ảnh hưởng trên Instagram và các kênh mua sắm trên TV phổ biến những năm 1980 và 1990.
Trên các nền tảng như Taobao và Douyin, người dùng đã chi hàng tỷ USD thông qua các trang mua sắm tương tác.
Nhiều người dẫn chương trình giỏi ăn nói nay đã trở thành những ngôi sao hạng A được săn đón. Một số kênh sản xuất khéo léo, bao quanh bởi các sản phẩm, thương hiệu, khách mời, chuông, còi và đồng hồ đếm ngược để tạo ra cảm giác cấp bách, khiến người xem không thể không vung tiền.
Người livestream thành công có hàng chục triệu khán giả trung thành và bán được hàng trăm triệu mặt hàng. Lý Giai Kỳ (Li Jiaqi) nổi tiếng với câu cửa miệng: "Trời ơi, mua đi! mua đi".
Lý có được biệt danh "ông hoàng son môi" sau khi phá kỷ lục Guinness "bôi thử nhiều loại son môi nhất trong 30 giây".
Lý Giai Kỳ (mặc đồ đen) và trợ lý quảng cáo mặt nạ trong một buổi phát trực tiếp ở Thượng Hải. Ảnh: Ning Jing/VCG. |
Năm 2020, người này thực hiện 389 chương trình phát sóng trong 365 ngày, thường làm việc từ giữa trưa đến 4h sáng.
Theo công ty tư vấn quản lý McKinsey, phát trực tiếp chiếm 10% doanh thu thương mại điện tử Trung Quốc. Giờ đây, livestream bán hàng chính là nền tảng cho lễ hội mua sắm lớn nhất thế giới là Ngày Độc thân (11/11).
Vào năm 2020, ngành công nghiệp này có giá trị hàng hóa ước tính là 171 tỷ USD. Năm nay, McKinsey dự đoán con số sẽ vượt qua 420 tỷ USD.
Hơn một phần ba các sản phẩm liên quan đến thời trang, tiếp theo là các mặt hàng làm đẹp, thực phẩm tươi sống và công nghệ.
Các nhà phân tích ước tính rằng gần nửa tỷ người đã mua hàng thông qua livestream vào năm 2021, tăng 20% so với năm trước. Xu hướng được thúc đẩy bởi đại dịch đã giữ chân nhiều người ở nhà.
Các ngôi sao dần biến mất
Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp livestream bán hàng đã thu hút sự chú ý của các nhà quản lý.
Tháng 12 năm ngoái, một trong những ngôi sao lớn nhất của ngành, Vi Á (Huang Wei) đã bị phạt hơn 210 triệu USD vì tội trốn thuế.
Sau khi án phạt được công bố, Vi Á đã xin lỗi trên tài khoản mạng xã hội của mình. Cô nói với những người theo dõi rằng bản thân cảm thấy "vô cùng tội lỗi" và chấp nhận hình phạt.
Vi Á và Lý Giai Kỳ, hai người nổi tiếng nhất trong giới livestream bán hàng Trung Quốc, đều đã biến mất khỏi mạng xã hội. Ảnh: Florence Lo/Reuters. |
Một số khán giả cho biết các bài đăng của họ về "nữ hoàng livestream" đã bị chặn trên mạng xã hội. Cái tên Vi Á biến mất và dần bị thay thế bởi các ngôi sao mới nổi.
Một người dùng Weibo cho biết: "Tôi cũng rất tức giận Vi Á vì trốn thuế, nhưng sự lựa chọn của cô ấy phù hợp với sở thích của tôi, đặc biệt là đồ gia dụng, nội thất, nhu yếu phẩm hàng ngày".
Nhiều ngôi sao livestream khác cũng bị xóa sổ sau tội trốn thuế như Xu Guohao, Ping Rong, Zhu Chenhui (tên trên mạng là Xueli Cherie) và Lin Shanshan...
Vụ bê bối mới nhất liên quan đến Lý Giai Kỳ phức tạp hơn.
Mọi chuyện bắt nguồn từ buổi phát sóng tối 3/6, khi anh đưa hình ảnh khiến người xem liên tưởng đến sự kiện Thiên An Môn. Buổi phát sóng sau đó kết thúc đột ngột, Lý Giai Kỳ giải thích là do trục trặc kỹ thuật.
Tuy tài khoản vẫn hiển thị hoạt động, “ông hoàng son môi” đã biến mất hoàn toàn trên mạng xã hội hay sàn thương mại điện tử suốt nhiều ngày qua. Nhiều người cho rằng anh đã bị “phong sát” do nhắc đến vấn đề chính trị nhạy cảm.