Trong chương trình Ơn giời, cậu đây rồi, Trường Giang gây tranh cãi khi có hành động thân mật với khách mời là Hoa hậu Hòa bình Quốc tế Thùy Tiên.
Trước đó, MC này cũng nhiều lần ôm, hôn, đụng chạm cơ thể các khách mời nữ khác như Kim Tuyến, Vân Trang, Nam Em, Kathy Uyên.
Giữa tranh cãi, Trường Giang từng giải thích: "Đó không phải là lợi dụng mà là tình huống. Tình huống xảy ra như vậy thì phải hôn thôi".
Nhiều khán giả không hài lòng vì cho rằng đây là hành vi quấy rối. Không biết trước kịch bản theo đúng luật chơi của chương trình, các khách mời thường không kịp đưa ra phản ứng và tỏ rõ sự bối rối khi bị đụng chạm.
Hành động đụng chạm các khách mời nữ của Trường Giang trong Ơn giời, cậu đây rồi. |
Việc người chơi, khách mời bị đụng chạm trong các chương trình truyền hình, đặc biệt là game show hài, không hề hiếm gặp. Nhiều chương trình thậm chí sử dụng chính những tình tiết này để câu kéo người xem.
Tuy nhiên, khi nhận thức về quấy rối tình dục ngày càng được nâng cao, phần đông khán giả đã không còn chấp nhận những trò cười rẻ tiền như vậy.
Người xem đã khác
Sự thay đổi nhận thức của khán giả truyền hình được thể hiện rõ qua vụ Just Like Mom.
Just Like Mom là một chương trình truyền hình dành cho trẻ em lên sóng vào những năm 1980 tại Canada. Cựu phát thanh viên, người dẫn chương trình Fergie Olver và vợ ông, Catherine Swing, là những MC của game show này.
Trẻ em và bố mẹ được mời đến Just Like Mom để trả lời các câu hỏi và thực hiện nhiều thử thách. Qua đó, họ được cho điểm và đánh giá về mức độ hiểu nhau cũng như sự ăn ý trên sân khấu.
Trong 5 năm phát sóng, chương trình đã rất thành công, trở thành một trong những game show dành cho trẻ em có lượt xem cao nhất thời điểm đó. Just Like Mom trải qua 5 mùa với 595 tập phát sóng và hàng trăm khách mời tham dự chương trình.
Fergie Olver bị chỉ trích vì lạm dụng trẻ em trong chương trình Just Like Mom. |
Bẵng đi gần 20 năm, đến năm 2010-2011, Just Like Mom lại được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên khác với danh tiếng tốt đẹp trước đó, chương trình bị gắn mác là "game show đáng sợ nhất mọi thời đại".
MC Fergie Olver bị gọi là "kẻ quấy rối" khi các đoạn cắt trong chương trình được chia sẻ trên mạng xã hội. Trong các tập phát sóng, Fergie luôn đụng chạm cơ thể các bé gái tham gia chương trình.
MC nhiều lần đề nghị người chơi hôn mình. Nếu bị từ chối, người này thậm chí cưỡng hôn các cô gái. Một số khách mời thừa nhận họ hoàn toàn không thoải mái với những hành động này.
Trả giá bằng sự nghiệp
Tại Hàn Quốc, nhiều diễn viên hài đánh mất sự nghiệp vì hành vi quấy rối khách mời ngay trên sóng truyền hình.
Lee Se Young, diễn viên hài của SNL Korea, đã phải xin lỗi, tạm dừng sự nghiệp từ năm 2016 sau khi bị cáo buộc quấy rối các thành viên của B1A4, Infinite và Block B.
Trong khuôn khổ chương trình, Lee đã "đụng chạm không thích hợp" vào cơ thể của các nam idol. Khách mời đều tỏ ra rất bối rối trước hành động của Lee.
Người hâm mộ của những nhóm nhạc này sau đó đã đệ đơn khiếu nại lên sở cảnh sát Mapo yêu cầu điều tra, thẩm vấn nữ diễn viên hài.
Lee Se Young tạm dừng hoạt động sau bê bối quấy rối khách mời trong game show hài. |
Tương tự, diễn viên hài Park Na Rae cũng tụt dốc vì bê bối quấy rối trong một chương trình truyền hình vào năm ngoái. Nữ thần tượng Mijoo (thành viên nhóm Lovelyz) cũng phải lên tiếng xin lỗi vì hành vi quấy rối khách mời trong chương trình MIJOO PIKCHU.
Năm 2019, Park Dong Geun, danh hài nổi tiếng ở xứ kim chi, đối mặt làn sóng tẩy chay vì gọi ca sĩ trẻ Chae Yeon là "gái mại dâm" trong chương trình Tok! Tok! Boni.
Ở Nhật Bản, hành hung, quấy rối, bắt nạt từng là chất liệu gây cười phổ biến trong các tiểu phẩm, game show hài.
Nam diễn viên bị ép mặc chiếc quần lót được bôi thuốc gây cảm giác bỏng rát ở vùng dưới, phụ nữ bị nhìn trộm cảnh thay đồ, quấy rối trên phương tiện công cộng... là những kịch bản phổ biến.
Một báo cáo được công bố giữa tháng 4/2022 của Tổ chức Cải thiện Chương trình và Đạo đức Phát thanh Truyền hình Nhật Bản (BPO) đã chỉ ra rằng những phân cảnh như trên mang xu hướng tiêu cực, nên ngừng được chiếu trên đài truyền hình hoặc chương trình cụ thể.
Ủy ban Thanh niên và Phát thanh của BPO cho rằng bạo lực và sỉ nhục để gây cười trên các chương trình truyền hình có thể dẫn đến hành vi bắt nạt, quấy rối ở những người trẻ tuổi.
Ngoài ra, tổ chức này còn kêu gọi các nhà đài, đơn vị sản xuất chương trình giải trí, hài kịch tránh những cảnh quay chế giễu nỗi đau tinh thần và thể xác của người khác. Vì nó có thể tạo nên tác động không mong muốn đối với sự phát triển về tư duy, cảm xúc của thanh thiếu niên.
"Ở một mức độ nào đó, nạn nhân có thể đã được thông báo trước. Nhưng nỗi đau là có thật và các diễn viên khác đang chế giễu họ vì điều đó", trích trong báo cáo.