Khi Thượng Hải thoát khỏi tình trạng phong tỏa hồi cuối tháng 5, nhiều cư dân giàu có đều chung điểm đến là cửa hàng Hermès tại trung tâm thương mại Plaza 66. Hàng dài người chờ đợi ở lối vào, sẵn sàng cho lần mua sắm trực tiếp đầu tiên sau 2 tháng giãn cách xã hội.
Nhưng Mary Men (34 tuổi) lại không có trải nghiệm hào hứng tương tự, theo Sixth Tone.
Chuyến mua sắm đầu tiên của cô lại diễn ở một siêu thị địa phương. Lần đầu tiên trong cuộc đời, cô phải cẩn thận đọc từng tem giá sản phẩm trước khi cho vào giỏ hàng.
Cuối cùng, cô rời khỏi siêu thị chỉ với một hộp việt quất giá 15 NDT (2,25 USD). Trong khi đó, trước đây cô thường thích mua nhiều loại trái cây khác nhau.
Nhiều người Thượng Hải xếp hàng chờ mua đồ hiệu ngày 1/6, sau nhiều tháng giãn cách xã hội. Ảnh: Chen Xia/Global Times. |
Tương tự phần lớn tầng lớp trung lưu ở Thượng Hải, Mary gặp khó khăn về tài chính trong thời gian thành phố đóng cửa hồi tháng 4 và 5.
Là chuyên viên marketing tại một công ty xuất nhập khẩu, mức lương 6.000 NDT hàng tháng của Mary vốn chỉ đủ để trang trải các khoản thanh toán thế chấp và những hóa đơn khác. Sau đó, lệnh phong tỏa khiến giá thực phẩm tăng chóng mặt, đẩy cô vào cảnh khốn khó.
Tình cảnh khiến cô phải cắt giảm chi tiêu. Cô không còn sử dụng thẻ tín dụng để mua sắm trực tuyến. Thay vào đó, cô tập trung tích lũy khoản tiết kiệm, phòng trường hợp làn sóng Covid-19 bùng phát trở lại.
Không có "mua sắm trả thù"
Trong bối cảnh Trung Quốc cố gắng gượng dậy sau cuộc phong tỏa, người tiêu dùng từng được kỳ vọng rằng sẽ tái khởi động nền kinh tế bằng cách “mua sắm trả thù” như những gì diễn ra ở cửa hàng Hermès.
Thế nhưng, thực tế lại trái ngược hoàn toàn.
Hai người sống bên trong một nhà hàng trong thời gian Thượng Hải phong tỏa, ngày 29/5 Ảnh: Zhou Pinglang/Sixth Tone. |
Do lo lắng tài chính cá nhân, cùng với tình trạng bấp bênh của nền kinh tế và nguy cơ tiếp tục đóng cửa thành phố, nhiều người tiêu dùng đang noi gương Mary. Họ cắt giảm ngân sách chi tiêu gia đình và tiết kiệm nhiều nhất có thể.
Đó là bởi tác động của lệnh phong tỏa tới mỗi người không giống nhau. Trong khi những người Trung Quốc giàu có vượt qua đại dịch tương đối dễ dàng, số lượng lớn các gia đình lao động và trung lưu phải đối mặt với tình trạng mất việc làm, giảm mạnh thu nhập.
Cụ thể, kể từ khi Covid-19 xuất hiện, tài sản của những hộ gia đình nghèo nhất xứ tỷ dân giảm theo từng quý, theo báo cáo hồi tháng 4 của Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam kết hợp Ant Group Research. Trong khi đó, các hộ gia đình giàu có nhất nước này lại càng trở nên giàu có hơn.
Dữ liệu tiêu dùng của Trung Quốc phản ánh xu hướng này. Theo các chuyên gia tư vấn Bain & Company, hàng năm, doanh số bán sản phẩm xa xỉ đều tăng ở mức 2 chữ số kể từ năm 2020, đưa Trung Quốc trở thành thị trường hàng hiệu lớn nhất thế giới vào năm 2025.
Tuy nhiên, đứng từ góc nhìn rộng hơn, mọi chuyện lại rất khác. Trong 5 tháng đầu năm nay, người tiêu dùng đã mua sắm nhu yếu phẩm hàng ngày, như thực phẩm và đồ uống, nhiều hơn so với năm 2021, theo số liệu chính thức.
Hành khách đi phà qua sông Hoàng Phố đến Bến Thượng Hải vào ngày thành phố chính thức dỡ phong tỏa. Ảnh: Shi Yangkun/Sixth Tone. |
Đồng thời, họ cắt giảm chi tiêu ở nhiều hạng mục khác, bao gồm mỹ phẩm, trang sức, quần áo, đồ nội thất, xe hơi và ăn uống. Tổng mức bán lẻ giảm 1,5%.
Đây là vấn đề đau đầu đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, bởi nó đe dọa giảm tăng trưởng kinh tế và gây ra tình trạng thất nghiệp. Song song với đó, thật khó để giải quyết vấn đề này, nhất là khi một số ca nhiễm biến chủng Omicron BA.5 đã xuất hiện ở một số thành phố, mang đến nguy cơ phong tỏa.
Giảm mua, tăng tiết kiệm
Kể từ cuối tháng 3, thu nhập hàng tháng của Mu Công (22 tuổi), gia sư dạy piano ở Thượng Hải, giảm 70% do lệnh phong tỏa. Ngoài mức lương cơ bản 4.000 NDT, anh gần như không kiếm được nguồn thu nào khác.
“Vào thời điểm có thu nhập ổn định, tôi thường nuông chiều bản thân. Nhưng trong thời gian giãn cách xã hội, tôi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được. Tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng và cần phải tiết kiệm”, anh chia sẻ.
Hiện chàng trai cắt giảm mua sắm các khoản không cần thiết như cà phê, nội thất hay quần áo. Nếu muốn mua thứ gì online, trước tiên anh sẽ cho vào giỏ hàng một thời gian để suy nghĩ kỹ trước khi bấm nút “Thanh toán”.
Cơn sốt "mua sắm trả thù" thực chất không quá phổ biển để đủ vực dậy nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Global Times. |
Chuyên viên marketing Mary cũng thực hiện “chiến thuật” tương tự. Giờ đây, cô hiếm khi đi ăn ngoài hoặc gọi đồ mang về, hạn chế mua hàng trực tuyến, và đi làm bằng tàu điện ngầm thay vì lái xe đến văn phòng. Cô thừa nhận thích ứng với lối sống mới không hề dễ dàng.
“Thời gian đầu, việc kiểm soát bản thân để không tiêu số tiền đang có trong tài khoản khiến tôi thấy bức bối”, cô nói.
Người lao động nhập cư Trung Quốc, đại diện khoảng 1/3 lực lượng lao động nước này, thậm chí còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn do nhiều người nằm ngoài hệ thống phúc lợi quốc gia.
Theo cuộc khảo sát đối với các hộ gia đình công nhân nhập cư của tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Phát triển Công tác Xã hội Bắc Kinh hồi tháng 4, 73% đã bị cắt giảm lương do các đợt bùng phát dịch bệnh gần đây.
Khoảng 45% cho biết công việc của họ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên vào năm 2020.
Tương lai bất định
Mo Na, chuyên viên tuyển dụng tự do, nói rằng việc Thượng Hải đóng cửa hàng tháng trời không chỉ gây thiệt hại nặng nề tới công việc kinh doanh, mà còn cả sức khỏe tâm thần của cô.
Cô từng chi hàng nghìn NDT mỗi năm để sắm mỹ phẩm, nhưng giờ cô đã ngừng mua chúng hoàn toàn.
Đợt phong tỏa ở Thượng Hải lần này khiến cả tầng lớp trung lưu cũng gặp khốn đốn. Ảnh: Sixth Tone. |
“Bị giam giữ trong nhà nhiều tháng trời khiến tôi bị tổn thương tâm lý, không còn hứng thú với các món mỹ phẩm. Chúng đều là thứ tiêu dùng vô nghĩa. Thà để tiền để tiết kiệm và đầu tư sẽ có ý nghĩa hơn”, cô nói.
Vì lo sợ một đợt phong tỏa khác, Mo dự định đóng cửa doanh nghiệp của mình và xin việc vào vị trí nhân sự tại một công ty lớn. Dù mức lương sẽ thấp hơn nhiều so với công việc tự kinh doanh, Mo cảm thấy cần chút ổn định.
Gu Yue, một biên tập viên truyền thông tại Thượng Hải, từng dự định mua một căn hộ vào năm ngoái. Thế nhưng, hiện cô đã từ bỏ kế hoạch này do nỗi sợ chi trả khoản thế chấp.
“Mua nhà không cần thiết bằng việc có tiền trong tay lúc này. Trong 2 tháng giãn cách, mỗi ngày bạn có thể tiêu tới 1.000 NDT cho những thứ lặt vặt. Nó giống như vứt tiền qua cửa sổ hàng ngày vậy”, cô chia sẻ.
Các nhà kinh tế nhấn mạnh rằng sự phục hồi phụ thuộc phần lớn vào các chính sách Covid-19 của chính phủ.
Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng, cho biết tiêu dùng ở Thượng Hải có khả năng phục hồi mức tương tự năm 2021 vào cuối năm nay - miễn là thành phố không bị phong tỏa trong tương lai.
Tommy Xie, trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại Ngân hàng OCBC, cũng chung quan điểm.
“Sự phục hồi của lĩnh vực tiêu dùng phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh… và kỳ vọng của người dân về an ninh việc làm, thu nhập và di chuyển thuận lợi trong tương lai”, ông nói.