Một nghiên cứu mới ở Mỹ cho thấy việc ngáy to có thể khiến xương sọ mỏng và yếu hơn. Vì lý do chưa xác định, những người mắc chứng ngừng thở khi ngủ - biểu hiện chính là ngáy to - có xương sọ mỏng hơn 1,23 mm so với người bình thường.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng khi sọ bị bào mỏng 1 mm, bệnh nhân có nguy cơ bị rò rỉ dịch não tủy. Điều này có thể dẫn tới các triệu chứng như mất trí nhớ, bất tỉnh, đau tim hay thậm chí là tử vong.
Chứng ngừng thở khi ngủ xảy ra khi thành họng giãn ra và hẹp lại trong lúc ngủ, gây rối loạn nhịp thở và là một nguyên nhân chủ chốt gây ngáy. Chứng bệnh này ảnh hưởng tới 18 triệu người trưởng thành ở Mỹ.
Ngáy to không chỉ khiến người bên cạnh bạn khó chịu mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bạn. Ảnh: Daily Mail. |
Tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ Rick Nelson của Đại học Indiana, cho biết: “Chứng ngừng thở khi ngủ có thể góp phần gây ra những rối loạn liên quan tới xương sọ bị bào mòn, như rò rỉ dịch não tủy (CSF-L). CSF-L có mối liên hệ với béo phì. Khi số người béo phì tăng lên ở Mỹ, tỉ lệ mắc CSF-L đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua”.
Theo ông, họ cần thực hiện thêm các nghiên cứu để xác định cơ chế chứng ngừng thở khi ngủ có thể dẫn tới bào mòn xương sọ và bằng cách nào điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc CSF-L.
Các nhà nghiên cứu đã quét chụp hộp sọ của 114 người trong độ tuổi từ 40 đến 60, trong đó 56 người mắc chứng ngừng thở khi ngủ từ nhẹ tới nặng. Kết quả được xuất bản trên tạp chí JAMA Otolaryngology - Head & Neck Surgery.
Một nghiên cứu trước đó được công bố vào tháng 7/2017 cho thấy có mối liên hệ giữa ngáy và bệnh Alzheimer.
Chứng ngừng thở khi ngủ thường biểu hiện qua triệu chứng ngáy to, há miệng hay lẩm bẩm khi ngủ. Ngáy là triệu chứng của ngừng thở khi ngủ, nhưng không phải mọi người ngủ ngáy đều mắc chứng rối loạn trên.
Chứng bệnh này ảnh hưởng tới sức khỏe của bệnh nhân, tăng nguy cơ bị đau tim. Một số trường hợp nặng phải đeo mặt nạ oxy hay dùng một thiết bị giữ đường thở mở trong lúc ngủ.