NGÀY VÀO LỚP 1 CỦA 5 ĐỨA TRẺ SINH 5 ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM
Đã 6 năm trôi qua, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Hiếu, chị Lê Huỳnh Anh Thư vẫn cảm thấy như trải qua một giấc mơ về sự xuất hiện kỳ diệu của 5 đứa con. Hôm nay, những đứa trẻ ấy bước vào lớp 1.
Một ngày tháng 7/2012, sau nhiều lần đến Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, vợ chồng chị Thư và gia đình hai bên nội ngoại mừng rỡ khi biết tin chị đậu thai. Niềm vui chưa được bao lâu thì bác sĩ thông báo chị mang thai 3 và được khuyên nên bỏ bớt một cháu để có thể chăm sóc tốt nhất cho con nhưng chị quyết tâm giữ lại.
Một tháng sau, bác sĩ thông báo chị mang thai 4. Người mẹ choáng váng, lo lắng về sức khỏe cũng như kinh tế để đón 4 đứa trẻ chào đời.
Ngày 17/3/2013, sau gần 9 tháng mang nặng đẻ đau, cả gia đình vỡ òa chào đón những thành viên mới. Bất ngờ hơn, vợ chồng chị Thư có đến 5 người con. Đây cũng là ca sinh 5 đầu tiên của Việt Nam.
5 đứa trẻ "đủ nếp đủ tẻ" với 3 bé nam là Nguyễn Lê Quách Thế Huynh, Nguyễn Lê Quách Thế Đệ, Nguyễn Lê Quách Thế Lộc và 2 bé gái là Nguyễn Lê Quách Phượng và Nguyễn Lê Quách Muỗi.
Các bé cân nặng lần lượt 2kg, 1,8kg, 1,5 kg và 1,3 kg, có sức khỏe tốt khi chào đời. Tên gọi ở nhà của 5 bé là Cả, Hai, Ba, Tư và Út. |
Lễ khai giảng không cờ hoa, không bóng bay
Sáng nay, mấy đứa trẻ được gọi dậy sớm hơn thường lệ, làm vệ sinh cá nhân và ăn sáng. Xong xuôi, chúng được thay bộ quần áo đồng phục đã được nội là lượt kỹ càng từ tối hôm trước.
Vì nhà trường chủ trương không dùng bóng bay hay cờ hoa nên công đoạn chuẩn bị cho các con trước ngày khai giảng có phần nhẹ nhàng với gia đình.
Quần áo được nội và mẹ mặc giúp, sau đó 5 đứa nhỏ tự đeo giày. |
Hàng ngày, chị Thư phải chở 2 lượt xe máy để đưa đám trẻ đi học. Hôm nay, chúng thích thú khi không phải mang theo cặp, được nội và mẹ dắt bộ tới trường. Thời tiết Sài Gòn sáng sớm mát lạnh, đoạn đường từ nhà tới lớp chỉ vài trăm mét rộn vang tiếng cười đùa của 5 anh em.
Những đứa trẻ thích thú khi hôm nay được đi bộ tới trường. |
Trường Tiểu học Lê Văn Tám nằm khiêm tốn trong con hẻm nhỏ trên đường Trần Phú (quận 5), là nơi sẽ diễn ra 5 năm học của lũ trẻ. Chúng được chia thành 2 lớp theo sự bốc thăm ngẫu nhiên. Vì đã được làm quen với trường mới, lớp mới từ nhiều ngày trước, mấy anh em phần nào đã bớt bỡ ngỡ trong buổi sáng khai giảng này.
Phượng và Muỗi được cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Ngọc Châu dắt tay dưới sự chào đón của các anh chị lớp trên trong buổi khai trường. |
Năm nay, khối lớp 1 của trường Tiểu học Lê Văn Tám chào đón 108 học sinh. Các em được thầy cô tặng một tập vở mới thay cho lời chào, lời chúc một năm học mới với nhiều điều thú vị đang chờ đón các em phía trước.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Châu cho biết: "Hai chị em rất hòa đồng và thân thiện với bạn bè, nhận thức tốt", trong khi 3 anh trai thì có phần hiếu động hơn.
5 anh em háo hức với món quà được tặng ngày khai giảng. |
Sau khi kết thúc buổi lễ khai giảng, học sinh lên lớp để cô giáo dặn dò. Những đứa trẻ đã có thêm những người bạn mới ngoài anh chị em trong nhà. Một chặng đường mới đã mở ra trước mắt các em.
Những đứa trẻ nhanh chóng thích nghi với trường, bạn mới. |
Ngôi nhà như lớp học thu nhỏ
Nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Trần Bình Trọng (quận 5, TP.HCM), lối đi lại chỉ vừa một chiếc xe máy, đây là nơi sinh sống của 8 người, gồm bà nội, hai vợ chồng anh Hiếu và 5 đứa nhỏ.
Dù được công ty nơi anh Hiếu làm việc trợ cấp một căn chung cư ở Bình Tân nhưng vì xa trường học của tụi nhỏ nên anh chị quyết định ở lại.
Nhà nhỏ hẹp nên vợ chồng anh Hiếu tận dụng mọi chỗ để sách vở cho con. |
Trong căn nhà nhỏ, tiếng nói cười lúc nào cũng rộn rã. Những đứa trẻ thay vì gọi anh xưng em theo thứ tự, chúng gọi nhau bằng tên. "Chào đời chỉ cách nhau vài phút nên cũng không có quá nhiều chênh lệch, cậu Cả cũng không bị áp lực khi phải ra dáng một người anh", bà Nguyễn Thị Kim chia sẻ.
Nhưng trong cả 5 đứa, Huynh vẫn tỏ ra là người anh mẫu mực, luôn nhường nhịn và biết quan tâm đến các em. Đệ là cậu bé khá hoạt bát nhưng hay trêu chọc Phượng. Lộc hay pha trò còn Muỗi là cô bé biết giúp đỡ bà nội.
Huynh kiên nhẫn lắng nghe em gái đọc bài. |
Lộc (trái) khá dạn dĩ và hay cười. Đệ hay trêu chọc em. |
Cô Út biết quan tâm, giúp đỡ bà nội. |
Với mỗi gia đình, sinh ra một đứa trẻ và nuôi lớn là cả một vấn đề. Với vợ chồng chị Thư, mọi thứ đều phải nhân 5 khiến cuộc sống chưa lúc nào thôi vất vả. Chi phí lo cho lũ trẻ lên đến 20 triệu/tháng. Nhưng xen vào đó là niềm vui, niềm hạnh phúc cũng nhân lên.
"Nhìn những lúc tụi nhỏ đánh nhau chí chóe nhưng thiếu đứa nào là cả đám nhao nhao hỏi, hai vợ chồng lại động viên nhau vì con mà cố gắng", chị Thư chia sẻ.
Những đứa trẻ chơi đùa vui vẻ bên nhau, mỗi lần như vậy, ngôi nhà không khác lớp học trông giữ trẻ. |
Anh Hiếu chạy taxi buổi đêm nên đảm nhiệm chính việc chăm sóc tụi nhỏ là bà nội và mẹ. Chỉ quanh quẩn với mấy đứa nhỏ cũng khiến hai người lớn bận tối mặt. Bữa cơm được chia làm 2 để chúng tập trung ăn uống hơn.
Chị Thư chuẩn bị bữa tối cho các con, mỗi đứa 1 tô cơm và đồ ăn riêng biệt. |
Huynh, Đệ, Lộc ăn cơm dưới sự "giám sát' của mẹ, trong khi Phượng và Muỗi vui vẻ dùng bữa cùng bà nội. |
Huynh ước mơ lớn lên trở thành lính cứu hỏa, còn công an, cảnh sát là mong muốn của Đệ và Lộc, trong khi hai nàng công chúa lại thích làm bác sĩ, y tá. Những ước mơ có thể đi theo các em đến lúc trưởng thành hay cũng có thể thay đổi khi ngày mai được hỏi lại.
Nhưng 5 đứa trẻ này sẽ mãi là giấc mơ hạnh phúc nhất của bà nội, ba Hiếu, mẹ Thư; là tiếng cười, nguồn sống mỗi ngày để những người lớn có thêm động lực sống và làm việc vì những đứa con mà họ đã đánh đổi cả tính mạng để có được.