Chiều 24/5, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT về việc tổ chức kiểm tra định kỳ lớp 5 cuối năm học 2016-2017 của TP Vinh.
Theo đó, Sở GD&ĐT khẳng định việc ra đề kiểm tra khối lớp 5 của của Phòng GD&ĐT chưa đúng với quy định của Thông tư 22/2016/TT - BGDĐT.
Đề thi môn Toán của Phòng GD&ĐT Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An. |
Cụ thể, đề kiểm tra môn Toán dài, quá tải so với chuẩn kiến thức, kỹ năng quy định của chương trình, nhất là câu 9b và câu 10.
Trước thực tế này, Sở GD&ĐT yêu cầu Phòng GD&ĐT thành phố rà soát, xem xét và quyết định phê duyệt kết quả chấm kiểm tra định kỳ lớp 5. Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT cần phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc ra đề kiểm tra định kỳ cho học sinh tiểu học.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai việc ra đề, Phòng GD&ĐT thành phố Vinh đã không thực hiện đúng theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT.
Cụ thể, theo Thông tư 22, việc ra đề cho học sinh lớp 5 là do tổ chuyên môn của các trường, hiệu trưởng chịu trách nhiệm thẩm định.
Tuy nhiên, Sở GD&ĐT đã ra một đề chung cho toàn thành phố. Đây là đơn vị duy nhất trong toàn tỉnh không thực hiện đúng theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT.
Trong kỳ thi cuối năm, toàn thành phố có 332 học sinh dưới 5 điểm của cả 2 môn Toán, Tiếng Việt (trong đó, môn Toán có 248 học sinh, môn Tiếng Việt có 94 học sinh). Theo quy định, các học sinh này chưa hoàn thành chương trình.
Theo chỉ đạo của phòng Tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh, nếu có kết quả "bất thường", trong dịp hè học sinh có thể ôn tập và tiếp tục làm một bài kiểm tra đánh giá lại chất lượng trước khi học sinh bước vào năm học mới.
Thầy Quốc Anh - giáo viên dạy Toán - nhận định câu 9B và câu 10 đòi hỏi nhiều phép biến đổi trung gian phức tạp (đặc biệt câu 10 nặng về kiến thức lớp 6, nếu ép về kiến thức lớp 5 thì quá dài).
Theo giáo viên này, đề thi mang đậm màu sắc cá nhân của nhóm ra đề hơn là tính thiết thực trong việc kiểm tra kiến thức. Bởi lẽ, đề dài, một số câu hỏi lắt léo, khó phân loại học sinh.
Thời gian 40 phút không đủ để học sinh suy nghĩ và trình bày cẩn thận. Những học sinh giải nhất cuộc thi Toán thành phố cũng có thể bỏ cả hai ý này. Ngoài ra, một điều chưa hợp lý là 2 ý khó trong bài lại chiếm đến 1,5 điểm.
Theo thầy Đỗ Duy Hiếu (từng là thủ khoa đầu ra của Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội), đề thi quá khó với học sinh lớp 5, nếu dành cho học sinh lớp 6 thì phù hợp.
"Những học sinh giỏi lớp 5 không làm được câu 9b và câu 10 trong đề này, những học sinh giỏi luyện tập nhiều thi vào hệ chuyên mới có thể làm được", thầy Hiếu nhận định.
Nam giáo viên đặt câu hỏi: "Ai là người kiểm duyệt để đề thi này?". Người đó có thể chưa bao giờ dạy học hoặc không nắm được chương trình của học sinh?