Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghề bất ngờ 'hồi sinh' giữa trung tâm TP.HCM mùa Giáng sinh

Tại địa điểm trang hoàng rực rỡ ở trung tâm quận 1, nhiều thợ chụp ảnh dạo đổ về trong mùa Giáng sinh. Dịch vụ này dường như hồi sinh sau những năm đại dịch.

Sau khi nghỉ hưu, hai năm nay, ông Quốc Khánh (62 tuổi) trở thành thợ chụp ảnh dạo toàn thời gian. Mỗi ngày, ông đều đặn đi hơn 20 km từ nhà ở Hóc Môn lên khu vực trung tâm để làm việc.

Trong tháng cao điểm Giáng sinh và giáp Tết, ông Khánh cùng hàng chục thợ ảnh tập trung trước Trung tâm thương mại Diamond Plaza (quận 1) - một trong những điểm trang hoàng rực rỡ và thu hút nhiều khách tham quan nhất của thành phố.

"Mùa nhộn nhịp nhất của thợ chụp như chúng tôi là từ cuối tháng 10, khi bắt đầu trang trí Noel đến đầu tháng 2 sát Tết Nguyên đán. Không chỉ thợ ở TP.HCM mà có rất đông thợ miền Tây như Châu Đốc (tỉnh An Giang), Vĩnh Long lên đây. Đông lắm nên chia ra thì thu nhập không phải tăng quá cao, nhưng vui vì anh em nào cũng có khách", ông Khánh chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Theo ghi nhận của phóng viên, vào khoảng chiều tối những ngày cuối tuần giữa tháng 12, khu vực mặt tiền Diamond Plaza tập trung hơn 15 thợ chụp ảnh dạo, đa số là thợ nam ở tuổi trung niên.

Khung cảnh đông đúc trái ngược với khoảng thời gian này vào năm 2021, khi dịch bệnh khiến cho đường phố ảm đạm và số thợ ảnh chụp Giáng sinh xuất hiện tại đây chỉ lác đác trên đầu ngón tay. Lúc đó, do giãn cách, thợ ở các tỉnh cũng không lên chụp và chủ yếu chỉ có số ít thợ tại TP.HCM.

chup anh dao sai gon anh 1

Ông Khánh làm nghề chụp ảnh dạo từ 2 năm nay, sau khi về hưu.

Mùa nhộn nhịp

Ông Khánh tâm sự từ năm 1991, khi còn là nhân viên nhà nước, ông đã làm thêm công việc chụp ảnh vào ngày nghỉ, thường là chụp tại các nhà hàng và khách sạn tổ chức sự kiện, tiệc cưới.

Hiện tại, với mức lương hưu không nhiều, ông chọn chụp ảnh dạo làm nghề mưu sinh.

Mỗi ngày, ông có mặt ở khu vực trung tâm từ 8h sáng, đến trưa sẽ về nhà ba mẹ ở gần cầu Thị Nghè nghỉ ngơi. Đến chiều, khoảng 15-16h ông lại ra chụp.

"Ngày nào ế khách thì tôi vẫn ráng ở lại đến 22h mới về. Giờ già rồi, chạy xe cũng chậm, có hôm 23h hoặc tới nửa đêm mới về đến nhà. Nhưng cái nghề mình thích mà, có cực chút vẫn thấy vui", ông Khánh nói.

Ông nhẩm tính vào tháng cao điểm này, trung bình mỗi ngày ông kiếm được 300.000-400.000 đồng. Những ngày đông khách, ông có thu nhập tới 800.000 đồng, nhưng cũng có ngày "ế", từ sáng đến đêm chỉ có 200.000 đồng.

Đa số khách chụp chỉ muốn lấy file ảnh để lưu giữ hoặc đăng lên mạng xã hội, nhưng cũng có nhiều người, đặc biệt là lứa tuổi trung niên, muốn in ra. Ông Khánh thường in chung máy với những thợ khác, với mức giá 30.000-50.000 đồng/tấm.

Ông Nguyễn Công Thắng (62 tuổi) cũng là một trong những thợ chụp ảnh dạo tập trung tại Diamond Plaza vào mùa cao điểm.

chup anh dao sai gon anh 2

Ông Thắng đã có hơn 40 năm làm nghề chụp ảnh.

Ông cho biết ngày thường, ông chụp ở khu Thảo Cầm Viên, nhưng đến cuối tháng 11, trung tâm thương mại này hoàn thiện trang trí Giáng sinh, ông di chuyển ra khu vực trung tâm để hành nghề.

Những năm dịch bệnh, ông Thắng cũng gặp khó khăn nhưng nhiều bạn cùng nghề. Vài năm trở lại đây, ông nhận thấy công việc cũng có dấu hiệu phục hồi.

"Nhất là năm ngoái, anh em thợ ảnh chúng tôi được người ta ủng hộ rất nhiều. Tôi cũng có khách đều đều. Khách chủ yếu là sinh viên, hộ gia đình, với mong muốn để người làm nghề này có thể tồn tại. Năm nay, tôi hy vọng từ giờ đến Tết sẽ khấm khá hơn".

Ông Thắng cho biết phải chờ đến khoảng cuối tháng 1, khi Phố ông đồ (đường Phạm Ngọc Thạch, quận 1) mở lễ hội mới có đông khách hơn nữa. Đó cũng là lúc nhóm thợ ảnh ở miền Tây tập trung lên TP.HCM đông nhất.

Đặt hết tâm huyết vào nghề

Đang ngồi nghỉ ngơi bên hông trung tâm thương mại, ông Khánh vui vẻ khi một nhóm bạn trẻ nhờ chụp giúp tấm hình bằng điện thoại của họ.

"Nào ngồi sát vào một chút, hơi ngược sáng một chút rồi. Nào, đổi kiểu khác. Để chú đứng xa ngoài này xem có sáng hơn không nha. Các con ngồi sát lại thêm, cười tươi", ông Khánh vừa chỉnh dáng, vừa lựa góc chụp.

Ông nói rằng cũng thường xuyên chụp giúp cho mọi người, dù họ không dùng dịch vụ của mình. Nhưng đôi khi vì sự nhiệt tình và họ nhìn thấy ảnh của ông chụp đẹp có thể muốn chụp thêm bằng máy cơ, với mức phí 10.000 đồng/file ảnh.

chup anh dao sai gon anh 3

Ông Khánh chụp ảnh giúp nhóm bạn trẻ.

Ông Khánh nói rằng làm nghề này cần phải kiên nhẫn và tận tâm, tử tế. Thay vì mời chào, chèo kéo liên tục khiến khách thấy phiền hà, ông thường quan sát để xem ai có tâm trạng vui vẻ sẽ đến gần, bảo họ cho ông chụp thử, nếu thấy đẹp thì dùng dịch vụ.

"Nhất là với những bạn trẻ, họ thường ngại thợ chụp lớn tuổi vì sợ phong cách 'lỗi thời' và muốn tự chụp bằng điện thoại. Tôi chụp thử trước, nếu họ ưng ý thì trả phí, nếu không thì cũng hoan hỉ với nhau".

Theo ông, thợ chụp và khách chỉ vừa gặp nhau nhưng việc tạo sự kết nối cũng rất quan trọng để có bức hình tự nhiên nhất. Có lúc, phải trò chuyện và chỉnh dáng tới 30 phút mới có được bức ảnh đẹp.

Không đánh đồng tất cả nhưng ông Khánh nói rằng có một số thợ ảnh chụp hời hợt, không biết cách tạo dáng đẹp cho khách nên người ta phàn nàn, dẫn đến "tiếng xấu" chung cho nhóm chụp ở khu vực này.

chup anh dao sai gon anh 4

Mùa Giáng sinh, thợ chụp ảnh dạo tập trung đông ở khu vực trung tâm quận 1.

"Nghề này cũng có lúc vui, khi buồn. Có lúc khách ưng, muốn chụp nhiều, tôi kiếm được vài trăm nghìn một lượt. Nhưng cũng có ngày đi mời mấy tiếng không có một khách nào. Kể cả một nhóm khách đông, họ cũng chỉ lấy một tấm kỷ niệm là chuyện thường", ông kể.

Ông Khánh tiết lộ nhờ nghề chụp ảnh dạo này, ông có thêm "job mới" khi nhiều khách yêu thích tay nghề đã xin số liên lạc để thuê ông chụp ở các sự kiện khác như đám cưới, sinh nhật, thôi nôi...

Đã làm nghề chụp ảnh gần 41 năm, ông Thắng chứng kiến những thăng trầm của nghề này.

"Ngày xưa khi tôi mới học nhiếp ảnh, một chiếc máy ảnh này có thể nuôi sống cả gia đình. Nhưng bây giờ thời thế thay đổi, người ta ưa chụp hình điện thoại hơn. Ngay mùa cao điểm, tôi cũng chỉ kiếm tạm đủ sống, phải nhờ con phụ giúp thêm cho hai vợ chồng", ông nói.

Cả ông Khánh và ông Thắng đều nói rằng công việc này không đơn thuần là mưu sinh mà còn là "sợi dây" kết nối họ với đam mê cầm máy. Niềm vui của họ là được đi ra ngoài, vận động và gặp gỡ những anh em có niềm yêu thích chung.

"Yêu nghề nên chúng tôi mới trụ lại tới bây giờ. Đôi khi được ra đây, nói chuyện với những người bạn già là vui rồi. Bây giờ nghề cũng thoái trào, khó khăn nhưng dù không có khách, tôi vẫn sẽ bám trụ tới lúc nào không đi được nữa mới thôi", ông Thắng bày tỏ.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Ở TP.HCM nhiều năm, lần nào mua vé Tết cũng căng thẳng

Thay vì bay thẳng từ TP.HCM về quê Nghệ An, Hoàng Hạnh sẽ ra Hà Nội, ở nhờ nhà bạn thân và đi chơi trong hai ngày cuối tuần rồi mới về nhà để tiết kiệm chi phí.

Đào Phương

Bạn có thể quan tâm