Đối với nhiều sinh viên, DJ là nghề đem lại cơ hội hấp dẫn, thu nhập cao. Nhưng bạn trẻ làm nghề này thường phải đối mặt nhiều định kiến và nguy hiểm do môi trường công việc đem lại.
Đam mê vẫn chưa đủ
Từng góp mặt trong show Fun Beach Festival với các DJ hàng đầu Việt Nam và ghi dấu ấn qua những bản EDM đậm chất Progressive House, Dũng Brook là một trong những thế hệ DJ trẻ hội đủ yếu tố sáng tạo, đam mê và dám thử thách bản thân.
Về cơ duyên đến với nghề, chàng trai cho hay, biết DJ từ nhỏ qua truyền hình nhưng chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ theo đuổi. Trong lần tình cờ nghe bản DJ của người bạn, chàng trai nảy ý định theo học bộ môn này.
Dũng Brook hiện có 3 năm trong nghề DJ. Ảnh: NVCC. |
Sau một tháng tự mày mò, tìm hiểu các bài tập trên YouTube, Dũng có thể chơi được một số bản nhạc yêu thích. Từ các quán được bạn bè giới thiệu, Dũng xin vào chơi nhạc, vừa có thu nhập vừa tích lũy kinh nghiệm. Ngày mới làm, mỗi tháng anh kiếm trung bình 5 triệu đồng, đáp ứng đủ nhu cầu học tập, giải trí.
Một trong những nguyên nhân khác khiến anh quyết định theo nghiệp “quay đĩa” là muốn bản thân tự tin hơn. “Trước đây, tôi rất sợ khi phải đứng trước đám đông. Làm DJ, khi chơi nhạc, tôi thể hiện được hết cá tính và sống đúng với con người mình nhất” – anh bày tỏ.
Trong 3 năm chơi nhạc, Dũng luôn quan niệm, một DJ giỏi là phải tạo ra bản phối gây hưng phấn nhất cho khán giả thưởng thức.
“Điều này dựa vào kỹ năng, sự sáng tạo, mức lôi cuốn của bản nhạc và khả năng kết nối mọi người. Ở Việt Nam hiện nay, một DJ giỏi chưa chắc đã nổi tiếng và ngược lại. Bên cạnh đó, nếu muốn gắn bó dài lâu với DJ thì không chỉ dừng lại ở mức đam mê là đủ, bởi mỗi người cần đánh đổi nhiều lợi ích cá nhân cho công việc” – 9X nói.
Môi trường làm việc của DJ thường là các tụ điểm giải trí, bar, club... Vì vậy, không ít bạn trẻ mới theo nghề gặp các định kiến từ gia đình và xã hội.
“Tôi thường bị gắn mác chơi bời. Đi làm về khuya, bố mẹ cũng dè chừng. Tuy nhiên, dần về sau, gia đình thấy tôi sống lành mạnh nên cảm thông. Tôi tin, không ít phụ huynh đã dần cởi mở khi nhắc đến DJ”, Dũng Brook tâm sự.
Nhiều cám dỗ
Còn với DJ My Vũ (từng là Hoa khôi làng thể thao Việt trong bộ môn Wushu), khi nói đến DJ nữ, mọi người thường chỉ nghĩ đến những cô gái sexy, gợi cảm, với đường cong táo bạo mà hay quên đi những đam mê yêu nghề, luôn trăn trở và muốn mang đến cho khán giả những bài nhạc hay nhất.
Cô luôn quan niệm, DJ là nghề có tuổi, nhất là với nữ giới. "Con gái chỉ sống với nghề được đến một độ tuổi nhất định. Công việc thường xuyên thức khuya cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Do mình thường xuyên về khuya nên nhiều người đánh giá không tốt” – nữ DJ cho hay.
Trước những cám dỗ và công việc đầy áp lực, không ít nữ DJ trẻ phải bỏ cuộc giữa chừng, dù họ rất đam mê nghề. Bên cạnh đó, để các tụ điểm gọi show, các đồng nghiệp không ngần ngại bày trò hãm hại, chơi xấu.
DJ Yến Lê (21 tuổi) có 2 năm theo nghề, chia sẻ: “Đôi lúc, tôi khá chán nản và muốn bỏ nghề, song vì sự khao khát được đứng trên sàn diễn chơi nhạc đã níu chân tôi lại. Nghề DJ dễ tiếp cận thật nhưng trụ lại được không dễ dàng”.
Đối với Dũng Brook, anh cho rằng: "Việc một DJ hư hỏng hay không nằm ở bản thân mỗi người. Trước khi quyết định theo con đường này, tôi cũng bị không ít người ngăn cản”.
DJ không đơn thuần chỉ là một Disc Jockey theo đúng nghĩa đen của từ này. Việc trở thành một DJ không quá khó, nếu công việc chỉ đơn thuần là chọn và chuyển từ bài nhạc này sang bài nhạc khác.
Theo quan điểm của Dũng Brook, DJ ngày nay muốn thành công, đòi hỏi phải trau dồi rất nhiều thứ, không đơn thuần chỉ chơi những bản nhạc có sẵn, mà còn cần sáng tạo trong những bản mashup, remix...
“Với tôi, làm gì cũng cần đam mê. Đam mê giúp bạn vượt qua những rào cản để đến với nghề. Nếu không có đam mê, bạn sẽ không thể gắn bó lâu dài với nó, theo thời gian, bạn có thể sẽ thấy nó nhàm chán và muốn vứt bỏ để theo một bộ môn khác mới mẻ hơn” – anh nói thêm.
Là một trong những người tiên phong mở lớp dạy DJ cho giới trẻ, DJ Wang Trần bày tỏ quan điểm, hầu hết thế hệ DJ trước đây đều phải tự tìm hiểu và học nghề thông qua Internet hay quá trình chơi nhạc mà tích lũy kinh nghiệm. Với anh, bất cứ tham gia ngành nghề nào, mỗi người cần xây dựng vững chắc nền tảng của bản thân mới có thể phát triển lâu dài.