Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghề lồng tiếng hoạt hình: Nổi tiếng chiếm chỗ vô danh

Khi phim hoạt hình được sản xuất nhiều hơn, thị trường đầy cạnh tranh của nghề lồng tiếng cũng bùng nổ.

Diễn viên lồng tiếng Spencer Lacey Ganus nhận thù lao vỏn vẹn 1.000 USD cho nhân vật Elsa thời niên thiếu trong phim Nữ hoàng băng giá (Frozen - 2013), bất chấp việc tác phẩm này có doanh thu hơn 1 tỷ USD. Nguyên nhân cũng chỉ bởi cô là một kẻ “vô danh”.

Dại gì không mời ngôi sao?

Xu hướng đang dần rõ ràng hơn trong một thập kỷ qua, khi các phim hoạt hình thôi không sử dụng diễn viên lồng tiếng ít tên tuổi. Thay vào đó, người ta sử dụng ngày càng nhiều ngôi sao điện ảnh.

Những người có được vai diễn lại lâm vào hoàn cảnh giống Spencer Lacey Ganus, nữ diễn viên 15 tuổi lồng tiếng cho nhân vật Elsa thời niên thiếu trong Frozen. Cô nhận thù lao rất bèo bọt so với tổng doanh thu của phim.

Bị những phim hoạt hình bom tấn như Frozen bỏ rơi nhưng diễn viên lồng tiếng vô danh vẫn còn cơ hội ở những ngành nghề khác.

Trường hợp của Ganus là một ví dụ tiêu biểu cho xu hướng nêu trên: Cơ hội cho một diễn viên không nổi tiếng giành được vai diễn chính trong dự án phim hoạt hình lớn càng ngày càng thu hẹp. Sandie Schnarr, người đồng sở hữu hãng tìm kiếm diễn viên AVO Talent, cho rằng xu hướng này không biết còn tồn tại đến bao giờ.

“Những người nổi tiếng có khả năng quảng bá cho phim hoạt hình giống cách họ quảng bá phim do người đóng” – Schnarr nói – “Các hãng phim muốn lợi nhuận. Và khi có trong tay diễn viên nổi tiếng sẵn sàng quảng bá cho phim, họ chắc chắn sẽ sử dụng diễn viên nổi tiếng ấy”.

Xu hướng mới thể hiện rõ qua 5 phim hoạt hình ăn khách nhất mọi thời đại (bao gồm Câu chuyện đồ chơi 3, Vua Sư Tử Kẻ cắp mặt trăng). Các phim này thu về tổng cộng hơn 5 tỷ USD. Chúng đều có một điểm chung, đó là các vai chính đều được những ngôi sao đảm nhận.

Điều này hiển nhiên sẽ tạo ra thách thức đối với những diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp, khi phim hoạt hình đang ngày càng thu được siêu lợi nhuận.

Schnarr cũng chỉ ra rằng do hầu hết vai chính đều về tay diễn viên nổi tiếng nên phim hoạt hình hiện đại thường có ngân sách phồng to hơn so với trước đây (để trả thù lao cho những người này).

Vẫn nhiều việc cần người lồng tiếng


Với những diễn viên lồng tiếng mới vào nghề, cơ hội không hẳn là khép lại. Trên thực tế, họ lại có nhiều cơ hội kiếm tiền hậu hĩnh ở các lĩnh vực khác ngoài phim ảnh, như ngành kinh doanh và những mảng hợp tác liên quan.

Theo Voices.com, lương của một người lồng tiếng làm việc cho các doanh nghiệp tại Mỹ hiện đã lên đến 2.000 USD một giờ.

Bruce Kronenberg, một kỹ sư âm thanh tại hãng Abacus Entertaiment, cho biết sự bùng nổ của hoạt động kinh doanh trên Internet và truyền hình cáp đã khiến làn sóng quảng cáo trên các phương tiện truyền thông này tăng mạnh. Những người tham gia lồng tiếng cho các đoạn video, phát thanh, nội dung quảng cáo sẽ có thể nhận về khoản thù lao hậu hĩnh.

Sự cạnh tranh vì thế cũng tăng lên mạnh hơn. “Giờ đây, các bà nội trợ ở Minneapolis cũng hoàn toàn có thể đăng ký làm việc cho một kênh truyền hình quốc gia hoặc một đài phát thanh, chỉ cần họ có hệ thống thu âm đúng chuẩn” -  Kronenberg nói.

Theo Kronenberg, các công việc lồng tiếng đơn giản, như thuyết minh cho một đoạn video quảng cáo hay đoạn ghi âm hướng dẫn tập huấn nhân viên mới, cũng có thể mang lại thù lao từ 300 – 600 USD/giờ.

Ngoài ra lĩnh vực cần người lồng tiếng chuyên nghiệp còn có cả trò chơi điện tử. Người tham gia lồng tiếng cho các trò chơi có thể nhận thù lao tới 800 USD/giờ. Thị trường sách nói phát triển cũng khiến nhu cầu sử dụng người lồng tiếng của các nhà xuất bản tăng lên.

Những điều này có nghĩa thị trường dành cho diễn viên lồng tiếng không chỉ gói gọn trong những bộ phim như Frozen. “Vẫn còn rất nhiều những công việc khác cần tới họ” – Kronenberg nói – “Thi thoảng một công ty hay một sản phẩm muốn có sự góp mặt của người nổi tiếng. Nhưng về cơ bản, người ta chỉ muốn tìm ai đó có khả năng hoàn thành công việc”.

http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nghe-long-tieng-hoat-hinh-khi-nguoi-noi-tieng-chiem-cho-ke-vo-danh-n20150318102643861.htm

Theo Thục Anh/ Thể thao văn hóa

Bạn có thể quan tâm