“Giá mà sách giáo khoa viết như này thì ai cũng thích học sử luôn rồi”.
“Có lẽ phải tìm hiểu lại về vua Lê Long Đĩnh”.
“Giời ơi sao hồi xưa tôi học trường Lý Thường Kiệt không ai bảo cho biết ông là một nhân vật... thế này hả”...
Có một môn sử khác trên Facebook
Đó là những phản hồi bạn có thể thấy trên trang Facebook cá nhân của Phạm Vĩnh Lộc, một bạn trẻ yêu thích sử Việt Nam chuyên viết những bài “kể chuyện lịch sử” với phong cách hài hước và ngôn ngữ của tuổi mới lớn.
Thật khó mà tìm được cuốn sách lịch sử nào kể lại một trận đánh, nơi các tướng địch được miêu tả như những “thanh niên manh động” và chủ tướng phe ta cũng “không phải dạng vừa đâu”. Chính ngôn ngữ rất “đời” và cũng rất “teen” ấy khiến cho nhiều bạn đọc trẻ tuổi, nhất là lứa tuổi học sinh thích thú.
Lẽ dĩ nhiên, với cách viết này, Lộc nhận không ít “gạch đá” khi có nhiều độc giả quan niệm viết sử cần phải nghiêm túc, chính xác và không được hư cấu.
Phạm Vĩnh Lộc tâm sự ngay từ đầu anh đã xác định, không phải anh viết sử, mà là kể những câu chuyện sử không nặng về ngày tháng hay số liệu thống kê. Nó chỉ là những “câu chuyện” đầy đủ nội dung lẫn tính giải trí.
Có lẽ đó là lý do khiến nhiều người đọc trẻ tuổi quan tâm theo dõi những bài viết hấp dẫn của anh. Hiện trang cá nhân của chàng trai sinh năm 1990 này có hơn 27.000 người theo dõi.
Không chỉ viết lại những câu chuyện lịch sử, Lộc còn tự làm một clip ngắn nói về “Vương triều nhà Trần” và được cộng đồng mạng đón nhận đông đảo. Với Lộc, bản thân những thăng trầm lịch sử hàng nghìn năm dựng và giữ nước đã là kho tư liệu quý, chỉ cần thêm chút “gia vị” là đã có thể viết nên những câu chuyện hấp dẫn.
Nếu độc giả trẻ tuổi thích lịch sử được kể qua lăng kính tươi mới, hiện đại; thì độc giả lớn tuổi quan tâm nhiều hơn đến những góc nhìn lịch sử, những thân phận, những thăng trầm. Fanpage The X file of History là một diễn đàn của những độc giả như thế.
Thật khó để liên hệ tình trạng “quay lưng với môn sử” ở Việt Nam, với những gì đang diễn ra ở fanpage này: Hơn 103.000 người theo dõi, những chủ đề với hàng nghìn lượt like, share, đặc biệt là những tranh luận kéo dài đến hàng mấy trăm phản hồi mà trong đó, hàm lượng chất xám không hề nhỏ. Hình như, người yêu lịch sử ở Việt Nam đâu có ít!
Anh Sơn Lê (sinh năm 1982), một trong những người điều hành (Admin) của The X file of History, chia sẻ: “Những ngày bắt đầu fanpage, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến một cái gì lớn lao. Khi ấy chỉ đơn giản là muốn lưu lại những bài viết hay mà mình tình cờ đọc được và chia sẻ cho mọi người.
Thế rồi dần dần, fanpage lớn mạnh đồng nghĩa với trách nhiệm chúng tôi nhiều hơn, nặng hơn. Không chỉ với các bạn trẻ yêu sử, các cô chú, bác dì lớn tuổi... vẫn thường xuyên vào đọc”.
Anh Dũng Phan (sinh năm 1988), một admin khác, lý giải về tính tương tác rất cao của độc giả trên fanpage: “Lịch sử vốn dĩ luôn hấp dẫn, chúng ta cứ nhìn sang Trung Quốc, xem các bộ phim lịch sử của họ là đủ thấy. Nếu lịch sử không hấp dẫn thì có nghĩa là những người truyền bá lịch sử đã sai trong cách kể chuyện. Và chúng tôi chỉ làm cái việc là kể bằng một giọng hấp dẫn thôi”.
Theo anh Dũng Phan, để tạo ra chủ đề hấp dẫn từ những chi tiết lịch sử khô khan, tư duy của người kể chuyện cộng với nguồn tư liệu đầy đủ đóng vai trò rất lớn.
“Viên quan Đỗ Thích mơ thấy ngôi sao rơi vào miệng cho là điềm tốt bèn ám sát Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn, đấy là điều được sử liệu ghi nhận. Nhưng nếu bạn tư duy và đặt câu hỏi rằng suy nghĩ của Đỗ Thích có bình thường không, hành động ám sát có hợp lý không, bạn sẽ nảy ra nhiều giả thuyết thú vị khác.
Hoặc, chúng ta biết chi tiết Lý Thường Kiệt là hoạn quan. Ta còn biết Lý Thường Kiệt là một “soái ca”, ông rất tuấn mỹ lại văn võ song toàn. Một người hoàn hảo như thế sao lại chịu để hoạn? Hãy tư duy và chúng ta sẽ tìm ra được một điều thú vị khác của sử”, anh nói.
Nếu người trẻ yêu thích bài viết của Lộc vì sự tươi mới trong ngôn ngữ và cách kể chuyện, thì các độc giả lớn tuổi hơn một chút quan tâm đến The X file of History vì cách tiếp cận vấn đề từ nhiều góc độ, cách đánh giá nhân vật đa chiều, thay vì chỉ có hai mặt đúng - sai, thiện - ác.
Fanpage đi sâu vào những nhân vật bị lịch sử lãng quên, những con người từng bị phán xét nặng nề. Khi chấp nhận góc nhìn đa chiều, hiển nhiên ta có thêm sự bao dung trong đánh giá lẫn trong khả năng tiếp nhận học thuật, cũng như có thêm nhiều sự ủng hộ từ độc giả.
Từ Facebook đến đời thực
Những bài viết trên trang của Phạm Vĩnh Lộc và The X file of History không chỉ mang lại cảm hứng, tình yêu lịch sử dân tộc ở thế giới ảo mà đã được chuyển biến ở đời thực.
Một người lính già từng tham gia cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ đọc các bài viết trên The X file of History mỗi ngày, dù đang nằm điều trị trong bệnh viện. Ông nghiền ngẫm, khen hay rồi bảo đứa cháu nếu có bài mới thì in cho ông đọc tiếp.
“Khi xem những bức ảnh ông đang đọc bài viết của fanpage, tôi thật sự rất cảm động. Đâu đó trên đất nước này, có một người lính đi qua hai cuộc chiến, nằm trên giường bệnh, yêu những trang sử của chúng tôi. Đó là điều đáng quý nhất rồi”, anh Dũng nói.
Còn với Lộc, anh tập hợp các bài viết của mình vào trong một album và đặt tên là “History in the bottle” (Lịch sử trong chai). Anh giải thích: “Thay vì là chính sử nghiêm túc được ghi trong sách để trên kệ trong thư viện, đây là những câu chuyện được chép lại bỏ vào chai và ném xuống biển, chờ ai đó nhặt lên và đọc”.
Chiếc chai ấy đã trôi qua hàng trăm lượt chia sẻ trên mạng ảo và đến lớp học ở đời thực với sự thay đổi nhận thức về môn sử.
“Nhiều bạn trẻ đã nhìn nhận được sự thú vị và bổ ích do môn lịch sử mang lại. Một em học sinh lớp 10 đã tập hợp nhóm bạn lại, lấy bài viết của tôi để vẽ minh họa cho bài thuyết trình trước lớp. Lăng Gia Long trước nay hẻo lánh cũng dần có nhiều bạn đến thắp nhang sau khi đọc các bài viết của tôi”, Lộc kể.
Ngoài đam mê dành cho lịch sử, chính sự khích lệ của cộng đồng là động lực khiến Phạm Vĩnh Lộc tiếp tục duy trì công việc trái với chuyên ngành anh đã học (Lộc tốt nghiệp khoa Biên phiên dịch, Đại học Hoa Sen).
Trên thực tế, hiện nay, không có nhiều những cuốn sách lịch sử Việt Nam nhỏ gọn, dễ đọc, dễ nhớ. Những bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục... hầu hết đều được viết dưới dạng biên niên, kể lại các sự kiện theo trình tự thời gian, chỉ phù hợp để tra cứu thay vì được đọc một cách hứng thú.
Với công cụ là mạng xã hội và thế mạnh là những người trẻ, Phạm Vĩnh Lộc và các admin của fanpage The X file of History đã phần nào giải được “cơn khát sử” cũng như lan tỏa lịch sử đến một bộ phận độc giả nhất định.
Dù có lời khen tiếng chê, với những phản hồi tích cực từ độc giả, Lộc vẫn tin lối giảng “không chính thống” của mình có hiệu quả. “Khi các em nhận thức được rằng lịch sử nước ta hay thế nào, các em sẽ tự động tìm hiểu kỹ hơn”, Lộc chia sẻ quan niệm.
Còn với The X file of History, từ chỗ “kể những câu chuyện lịch sử”, các admin của trang đã hướng đến việc “nghiên cứu những câu chuyện lịch sử”..., bởi lẽ các anh quan niệm tuy lịch sử không có đúng sai nhưng tuyệt nhiên không thể kể bậy.
“Chúng tôi vẫn chỉ là những kẻ nghiệp dư trên con đường ấy. Mong có sự chung vai của tất cả mọi người”, Sơn Lê tâm sự.
Trao đổi về các phương pháp tiếp cận môn sử hiện nay, ông Nguyễn Quốc Vương, hiện là nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, tác giả cuốn “Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản”, dịch giả cuốn “Lịch sử học là gì?”, cho rằng trong tiếp cận lịch sử sẽ có nhiều cách, nhiều góc độ, từ nhiều quan điểm khác nhau.
Nhận thức lịch sử, sản phẩm của quá trình tiếp cận đó có tính chủ thể, đa dạng. Vì thế, việc đòi hỏi tuyệt đối nhận thức lịch sử chỉ có một và duy nhất đúng là bất khả. Tuy nhiên, nhận thức lịch sử chỉ có ích cho cá nhân và cộng đồng khi nhận thức đó có tính khoa học, thực chứng, logic.
Nghiên cứu của nhà sử học hay giáo dục lịch sử ở trường học phải nhằm đạt được và phát triển nhận thức đó. Vì vậy, cần phân biệt rõ những cách diễn giải hay nhận thức lịch sử theo hình thức hư cấu, pha trộn yếu tố văn học.
Với cách nhận thức theo các phương pháp khoa học của sử học, cả hai đều có vai trò riêng của mình nhưng không thể lẫn lộn. Cách tiếp cận, nhận thức lịch sử thiên về cảm tính, cảm xúc có thể tạo ra mối quan tâm nhất thời nhưng sẽ có hại về lâu dài nếu như cả người viết và người đọc không phân biệt rõ đâu là sử học, đâu là văn học. Nó tương tự như sự lẫn lộn giữa huyền thoại và lịch sử .
Ông Đỗ Thái Bình, chuyên gia nghiên cứu lịch sử hàng hải, kỹ thuật đóng tàu Việt Nam; dịch giả cuốn Thuyền buồm Đông Dương: Trong bối cảnh người trẻ không mặn mà với môn sử như hiện nay thì việc hư cấu hay dùng ngôn từ hiện đại kể chuyện sử nhằm thu hút người trẻ vẫn là phương pháp đáng ghi nhận.
Từ góc độ người đọc, tôi tự hỏi liệu chúng ta có nên khắt khe không khi thực tế kết quả mang lại là đã có nhiều học sinh, sinh viên quan tâm, tò mò về lịch sử dân tộc hơn? Miễn là nhân vật, nội dung chuyện được xây dựng từ nền tảng sự thật, chứ không bịa hay hư cấu.
Khi các em thích rồi, sau đó tìm đến nhiều tài liệu khác và tiếp cận lịch sử một cách chính xác, khoa học hơn vẫn chưa muộn. Hơn nữa, từ những cách tiếp cận khác nhau như vậy, các em sẽ ý thức được là lịch sử không phải là một chiều, các bạn có quyền xét lại, tiếp cận với nhiều quan điểm, góc độ khác nhau.