Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Nghệ sĩ bị ghét bậc nhất thế giới

Damien Hirst là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng toàn cầu, sở hữu khối tài sản khổng lồ nhưng bị gọi là "đứa bé hư của giới nghệ thuật". 

bi ghet nhat the gioi,  Damien Hirst, The Physical Impossibility of Death anh 1

Tác phẩm Sự bất khả thi về thể chất của cái chết trong tâm trí người đang sống (The Physical Impossibility of Death in the Mind of Someone Living) của Damien Hirst. Ảnh: PA.

Trong danh sách các nghệ sĩ bị ghét nhất thế giới do trang The Collector đưa ra, Damien Hirst nằm ở vị trí đầu tiên. Ông bị chỉ trích thương mại hóa nghệ thuật, chú trọng nhiều vào tiền bạc hơn nghệ thuật.

Các chủ đề chính hiện diện trong sáng tác của Hirst là cái chết và sự vô thường gây không ít phẫn nộ do cách thức thể hiện. Nghệ sĩ người Anh bắt đầu nổi lên từ những năm 1990 khi sáng tạo dựa trên động vật chết ngâm trong formol. Bất chấp đủ lời chê bai, dè bỉu, các tác phẩm của Hirst bán rất chạy với giá cao khó tin, giúp ông trở thành một trong những nghệ sĩ giàu nhất thế giới.

Niềm đam mê khác thường

Damien Hirst sinh ra tại Bristol năm 1965, theo học nghệ thuật tại Trường Goldsmith (London). Khi còn là một thiếu niên, Hirst đã không thể rời mắt khỏi những cuốn sách về bệnh lý học, thôi thúc ông thực tập tại một nhà xác. Ở đây, ông đã chụp bức chân dung Với cái đầu chết.

Bước ngoặt sự nghiệp tới với Hirst sau tác phẩm sắp đặt Một ngàn năm (1990) trưng bày đầu bò thối rữa trong tủ kính lớn chứa đầy giòi, thu hút sự chú ý của ông bầu nghệ thuật Charles Saatchi. Người này đã mua tác phẩm đó, đưa Hirst lên vị trí nổi tiếng và giàu có. Với sự hậu thuẫn của Saatchi, Hirst bắt đầu loạt tác phẩm Lịch sử tự nhiên, trong đó các động vật chết được treo trong tủ kính.

Tác phẩm gây chú ý nhất của Hirst là Sự bất khả thi về thể chất của cái chết trong tâm trí người đang sống với một con cá mập chết được bảo quản trong bể chứa formol. Nhiều nhà phê bình và khách tham quan chỉ trích sáng tác này ghê tởm và vô nghĩa. Họ cho rằng Hirst cố tình gây sốc thay vì biểu đạt nghệ thuật chất lượng. Ngoài ra, con cá mập của Hirst còn khiến các nhà hoạt động vì quyền động vật khó chịu.

bi ghet nhat the gioi,  Damien Hirst, The Physical Impossibility of Death anh 2

Damien Hirst có nhiều sáng tác gây tranh cãi. Ảnh: Dope Gallery.

Ban đầu, Hirst đặt mua một con cá mập từ Australia và vận chuyển đến London. Mặc dù sử dụng rất nhiều formol, con cá mập vẫn hư hại nhanh chóng. Nhân viên phòng trưng bày đã lột da con cá mập để căng trên khung kim loại nhưng Hirst không hài lòng nên đặt mua một con khác.

Trong sự nghiệp của mình, nghệ sĩ người Anh sử dụng gần 1 triệu sinh vật đã chết, bao gồm bò, ngựa, bướm, để tạo ra các tác phẩm.

Suốt những năm 1990, Hirst tiếp tục gây chia rẽ các nhà phê bình và công chúng bằng những sáng tác của mình. Năm 1995, ông giành Giải thưởng Turner danh giá của Anh cho tác phẩm Mẹ và Con chia ly gồm 1 con bò và 1 con bê được xẻ đôi trưng bày trong 4 tủ kính.

Giàu có và tai tiếng

Tác phẩm Rời xa bầy đàn (1994) của Hirst, một con cừu bảo quản trong formol, bị nghệ sĩ Mark Bridger phá hoại bằng cách đổ mực đen vào bể và đổi tên thành Cừu đen. Hirst lập tức khởi kiện khiến Bridger bị kết án 2 năm tù treo.

Một trưng bày khác của Hirst có 2 con bò đang thối rữa bị y tế công cộng ở New York (Mỹ) cấm vì lo ngại "khách tham quan sẽ nôn mửa".

Năm 2007, Hirst chi ra 20 triệu USD để đúc hộp sọ bằng bạch kim đính 8.601 viên kim cương. Sau đó, tác phẩm được bán với giá 100 triệu USD cho một nhóm nhà đầu tư giấu tên nhưng có tin đồn Hirst cũng nằm trong nhóm này.

Nghệ sĩ tuổi teen Cartrain đưa hình ảnh hộp sọ nạm kim cương trên vào các sáng tác của mình. Hirst phát hiện và tố cáo Cartrain vi phạm bản quyền, tịch thu các tác phẩm và lợi nhuận. Để đáp trả, Cartrain lấy trộm một số bút chì từ tác phẩm trưng bày của Hirst. Sau đó, cả nghệ sĩ trẻ và cha của mình bị bắt vì che giấu những cây bút ước tính tổng trị giá 666.000 USD.

Cho dù được yêu thích hay ghét bỏ, Hirst vẫn là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng và giàu có nhất thế giới. Năm 2008, Hirst tự bán đấu giá các tác phẩm của mình thu về gần 150 triệu USD. Theo SCMP, hiện tài sản của nghệ sĩ này khoảng 700 triệu USD.

Hơn nửa thế kỷ 'ăn ngủ' với tranh của cố họa sĩ Trần Tuấn

Triển lãm "Sắc và Không" là bản tóm tắt hơn 50 năm thực hành nghệ thuật của cố hoạ sĩ Trần Tuấn. Thế mạnh tranh trừu tượng của ông được thể hiện rõ ở buổi trưng bày này.

Giá trị của việc đọc kỹ

Nhà giáo dục và hùng biện người La Mã Quintilian từng nói rằng: "Chúng ta phải xây dựng tâm trí của mình thông qua đọc sâu hơn là đọc rộng". Thực hành đọc sâu là một quá trình rèn luyện có chủ đích. Mục Lifestyle giới thiệu với độc giả 6 nguyên tắc phát triển thói quen đọc sâu để không chỉ khám phá thế giới và kiến ​​thức mà còn khám phá về chính bản thân mình.

https://vietnamnet.vn/nghe-si-voi-dam-me-ky-quac-bi-ghet-bac-nhat-the-gioi-2325772.html

Theo An Yên/Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm