Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghệ thuật giữ gìn đẳng cấp: Nhìn từ bài học của Volkswagen

Trường hợp của Volkswagen đã phản ánh tính khắc nghiệt của cơ chế thị trường khi một hãng xe hơi có đẳng cấp cũng gục ngã chỉ vì vấn đề lợi nhuận.

Hẳn không ít người tiếc cho hình ảnh của một tập đoàn sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới Volkswagen (VW) sau khi hãng này dính vào vụ bê bối gian lận lượng khí thải trong hàng triệu sản phẩm chạy bằng động cơ diesel xảy ra mới đây.

Ở góc độ nào đó, trường hợp VW đã phản ánh tính khắc nghiệt của cơ chế thị trường khi một hãng xe hơi có đẳng cấp cũng gục ngã chỉ vì vấn đề lợi nhuận. 

Mới đây thôi, báo chí thế giới còn tung hê VW là một ngôi sao mới của ngành công nghiệp xe hơi thế giới khi vượt qua Toyota để trở thành nhà sản xuất ôtô lớn nhất toàn cầu xét về doanh số trong 6 tháng đầu năm 2015 (đạt 5,02 triệu xe). 

Nếu phong độ này được duy trì đến cuối năm, VW sẽ giành vị trí đầu bảng trước ba năm so với dự kiến. Chưa hết, trong tài khóa 2014, VW đã lần đầu tiên vượt qua Toyota để trở thành nhà chế tạo xe hơi có mức tiêu thụ sản phẩm nhiều nhất thế giới. Đó là nhờ chiến lược đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Trung Quốc của VW.

Tuy nhiên, Mỹ và sau đó là rất nhiều nước khác đã phát hiện tổng cộng khoảng 11 triệu xe ôtô chạy bằng động cơ diesel của VW có sử dụng phần mềm báo sai lượng khí thải, kích hoạt chế độ hoạt động sạch hơn khi bị kiểm tra và tắt đi khi không còn bị giám sát, dẫn tới thực trạng các loại xe này của VW thải ra lượng khí thải cao gấp 40 lần so với quy định nhưng không bị bắt lỗi.

Ảnh minh họa. (Nguồn: BBC).

Ảnh minh họa. (Nguồn: BBC).

Vậy vấn đề nằm ở đâu? Thiết nghĩ ở vấn đề giữ gìn đẳng cấp. Thực tế, chiến lược kinh doanh góp phần không nhỏ trong việc định hình và duy trì đẳng cấp. Làm phép so sánh với Toyota, có thể thấy sự khác biệt. Hiện tại, Toyota vẫn trung thành với chính sách tăng cường đầu tư xây dựng các nhà máy mới để nâng cao doanh số. Trong khi đó, VW lại chú trọng vào thị trường ôtô đang có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới là Trung Quốc nhằm giành thị phần tiêu thụ ôtô hàng đầu thế giới. Đó là bài toán chạy theo lợi nhuận. 

Trong thời gian qua, VW đã đưa vào hoạt động ba nhà máy tại Trung Quốc, với tổng công suất lên tới 650.000 xe/năm, giúp lượng bán xe của VW tăng mạnh tại thị trường đông dân nhất thế giới này. Nhưng...

Cú sốc gian lận khí thải không chỉ làm suy giảm hình ảnh của tập đoàn sản xuất xe hơi lớn nhất nước Đức này mà còn cướp đi lòng tin của hàng triệu triệu người tiêu dùng trên thế giới, bởi lỗi này chẳng phải lỗi kỹ thuật. Làm gì để kinh doanh tốt, đó là vấn đề tạo phong độ. Nhưng làm sao để giữ được chữ tín và tính nhân văn, đó mới là đẳng cấp.

Tất nhiên, dư luận vẫn hy vọng hình ảnh của VW sẽ được vực dậy khi theo dõi cách ban lãnh đạo tập đoàn này xử lý vấn đề: nhận lỗi, xin lỗi, từ chức, chấp nhận bị phạt và bồi thường, quyết tâm tái cơ cấu tập đoàn. Suy cho cùng, cách đứng dậy sau khi vấp ngã cũng là một nghệ thuật.

http://www.vietnamplus.vn/nghe-thuat-giu-gin-dang-cap-nhin-tu-bai-hoc-cua-volkswagen/346062.vnp

Theo Đỗ Vân/Vietnamplus

Bạn có thể quan tâm