Hơn một tuần nay, cứ đều đặn 6h sáng, Lê Thị Tường Vi (sinh năm 1998) và em trai lại theo cha chạy xe máy từ nhà ra ruộng thanh long ở Đồng Nai.
Ba cha con làm việc cho đến khi trời tắt nắng. Những hôm thu hoạch, để kịp chuyến hàng, họ còn làm xuyên trưa, ăn nghỉ ngay tại vườn.
Chủ yếu học tập, làm việc xa nhà, đây là lần hiếm hoi Tường Vi cùng em trai được theo cha đi làm thuê. Những ngày dầm mưa, phơi nắng trên đồng ruộng để bón phân, cắt tỉa, chăm bẵm từng chồi cây, nụ hoa đã giúp hai chị em cảm nhận được phần nào nỗi vất vả của cha mẹ trong nhiều năm qua.
Chị em Tường Vi về Đồng Nai, đi làm thuê cùng bố. |
Thương và xót xa
Đầu năm nay, Tường Vi tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM. Sau khi kết thúc kỳ thực tập vào tháng 4, Vi phải trở về quê ở Đồng Nai để chăm sóc mẹ vừa bị tai nạn giao thông.
Trong những tháng tiếp theo, dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở các tỉnh phía nam khiến Vi không thể trở lại thành phố tìm việc như dự định ban đầu.
Trong khi đó, em trai Vi, đang theo học năm nhất tại ĐH Sư phạm Kỹ Thuật TP.HCM, cũng trở về quê sau khi ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM được trưng dụng làm khu cách ly phòng chống dịch.
Cha mẹ Vi ở quê đều là người làm thuê. Trong nhiều năm qua, họ tích góp từng đồng để gửi lên thành phố nuôi con ăn học. Ngay khi vào đại học, chị em Vi cũng xác định sẽ vừa học, vừa kiếm việc làm thêm để đỡ đành phần nào cho gia đình.
Thế nhưng, đại dịch bùng phát khiến hai chị em gặp nhiều khó khăn và phải trở về quê. Từ ngày mẹ Vi gặp tai nạn, cha cô trở thành lao động chính duy nhất trong nhà.
Sau những ngày làm thuê, Tường Vi mới thực sự hiểu được sự vất vả của cha mẹ. |
"Cha mình năm nay 49 tuổi. Trước đây, cha từng gặp tai nạn khiến sức khỏe không còn được tốt nhưng mình chưa bao giờ thấy cha than khổ, than mệt".
Cha Vi được thuê chăm sóc 3.400 gốc thanh long với tiền công 200.000-350.000 đồng/ngày. Đợt thu hoạch năm nay trúng mùa dịch, không kiếm được người phụ giúp nên công việc càng vất vả hơn.
"Thấy vậy, chị em mình xin theo cha ra ruộng. Lúc đầu, cha không đồng ý vì sợ tụi mình không quen việc nên vất vả, nhưng thấy cả hai năn nỉ dữ quá nên cuối cùng cũng cho theo", Vi nói với Zing.
Những ngày đầu, hai chị em Vi mỏi nhừ người. Vết cháy nắng hằn đỏ lên mặt, cổ, tay. Người cũng đầy vết xước vì bị gai thanh long cứa vào.
"Lúc đi làm thuê, mồ hôi thấm đẫm áo để đổi lấy từng đồng tiền, mình thực sự thương và xót xa khi nghĩ về cha mẹ".
Mong sớm được trở lại thành phố tìm việc
"Con gái lớn rồi nên chọn tung bay giữa bầu trời rộng lớn, ít ở bên phụ giúp bố mẹ. Nên mỗi lần mình về nhà là bố mẹ vui lắm. Mặc dù, chẳng giúp được nhiều nhưng đây có lẽ là quãng thời gian hạnh phúc nhất của gia đình", Trần Thị Ái Nhi viết trên trang cá nhân.
Chia sẻ với Zing, Nhi cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cô thất nghiệp, mất thu nhập hơn một tháng nay. Sau nhiều lần đắn đo, cô gái sinh năm 2000 quyết định tự chạy xe máy từ Sài Gòn về nhà ở tỉnh Bình Phước vào tháng 7.
Trong thời gian này, Nhi được theo bố ra vườn phụ làm cỏ, bón phân, chăm sóc vườn cây ăn trái của gia đình.
Ái Nhi theo bố học cách làm vườn trong những ngày về quê tránh dịch. |
"Lúc đi học, đi làm xa nhà, về lại có trái cây chín trong vườn bố mẹ để dành cho. Nhưng bây giờ mình mới biết để có được quả ngon, bố mẹ đã phải vất vả như thế nào".
Những ngày về nhà nhìn bố mẹ tóc ngày càng bạc đi, có những hôm làm mệt về đau lưng, nhức mỏi, Nhi lại thấy thương nhiều hơn. "Những lúc như vậy, lại hứa với bản thân phải cố gắng thật nhiều để cho bố mẹ đỡ khổ", Nhi nói.
Còn đối với chị em Tường Vi, quãng thời gian tránh dịch ở nhà nhiều vất vả, mệt nhọc nhưng bù lại họ được sống trong tình yêu thương, sự quan tâm của cha mẹ.
Chứng kiến sự vất vả của bố trên đồng ruộng mỗi ngày, cả hai đều mong muốn sớm tự lập và san sẻ gánh nặng tài chính cho gia đình. "Giờ mình mong Sài Gòn nhanh hết dịch, hai chị em được sớm trở lại thành phố, tìm được việc để cha mẹ đỡ lo, đỡ khổ", Tường Vi nói.