Bội thực… kỹ năng
Con gái chưa nghỉ hè nhưng hàng ngày chị Nguyễn Thu Phương (Hà Đông, Hà Nội) đã nhận được hàng chục tin nhắn rác qua điện thoại quảng cáo, giới thiệu về những khóa học kỹ năng sống, học kỳ quân đội cho trẻ em…
Chị Phương cho biết: “Con gái chị học lớp 3 rồi nhưng rất nhút nhát, suốt ngày chỉ biết đến sách vở và quanh quẩn ở nhà với ông bà, nên hè này chị nhất định phải 'cải tạo' con”.
Trẻ em ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa và nhiều nơi khác vẫn rất "khát" những sân chơi bổ ích dịp hè. Ảnh: Dân Việt. |
Nhằm rèn luyện sự mạnh dạn cho con, chị Phương đăng ký một loạt các khóa học hè cho con gái 8 tuổi của mình: Học làm MC để rèn luyện kỹ năng nói, học kỹ năng tự phục vụ để mạnh dạn, ngoài ra còn học nhạc, học bơi…, đến tháng 7 sẽ học cả Văn, Toán, Ngoại ngữ.
Muốn cho con có 1 kỳ nghỉ hè… không sách vở, chị Hoàng Lan Anh (Xuân Đỉnh, Nam Từ Liêm, Hà Nội) tìm đến trung tâm đào tạo kỹ năng trên đường Nguyễn Chí Thanh.
Chị Lan Anh cho biết: “Nghe quảng cáo có vẻ hấp dẫn với các khóa học như kỹ năng hợp tác, giao tiếp, giải quyết vấn đề, tự nhận thức bản thân…, mỗi khóa học 10 buổi có giá từ 2,4 triệu trở lên + tiền đồng phục 120.000 đồng. Tuy nhiên, học được vài buổi thì con về kêu chán, toàn xem ti vi, video và xử lý những tình huống tưởng tượng”.
Không chỉ có các khóa học kỹ năng trong phòng kín, các chương trình trại hè được quảng cáo là ngoại khóa, dã ngoại, ngoài trời cũng nở rộ, được phát tờ rơi tận khu chung cư, trường học, chợ. Mức giá các khóa học tương đối đắt đỏ, ví dụ, trại hè quân đội: Từ 4 – 6 triệu đồng/2 tuần; các chương trình trại hè Anh ngữ trong nước có giá từ 10 – 15 triệu đồng/2 tuần, trại hè quốc tế kết hợp du lịch như Trại hè Singapore 2015 có giá từ 29,9 – 79,9 triệu đồng/tuần đến 1 tháng. Tuy vậy, không ít phụ huynh vẫn chạy đua để tìm một chỗ gửi gắm con trong dịp hè.
Thừa sách vở
"Thực tế, nhiều gia đình biện minh cho việc bố mẹ quá bận không thể quan tâm tới con, hoặc ở nhà không có sân chơi mà nhồi nhét cho con tới các lớp học kỹ năng, bắt con tham gia các khóa học hè thay vì sinh hoạt đoàn, đội... Như vậy là đang không tôn trọng quyền của con”.
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh Xã hội).
Còn Trần Văn Hòa, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Phương Hưng (Gia Lộc, Hải Dương) chia sẻ: “Nghỉ hè, thời gian chính của em là đi học thêm mấy môn tiếng Anh, Toán, Tin học, bơi... Ngoài thời gian đi học thêm, về nhà em vẫn phải học”.
Nói vậy, nhưng ngay cả khi có những sân chơi lành mạnh cho trẻ, phụ huynh cũng từ chối cho con tham gia. Một cán bộ Đoàn xã An Hiệp (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết, mấy năm gần đây, rất khó kêu gọi các em tham gia hoạt động hè, phần lớn do bố mẹ bắt ở nhà học hè mặc dù các em rất muốn.
Tương tự, anh Đỗ Văn Hùng – Bí thư Chi đoàn thôn 5 (Hoằng Đồng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết: “Hiện nay trong thôn có đến hơn 400 trẻ, đa phần đều là con em nông dân, lao động. Vì không có kinh phí nên phải 2 năm 1 lần, xã mới tổ chức trại hè cho các em. Việc tổ chức đầy khó khăn, đoàn thanh niên phối hợp với các đơn vị khác phải vào từng nhà, vừa để quyên góp tiền tổ chức hoạt động cho các em, vừa để thuyết phục bố mẹ các em cho con tham gia, nhưng phần lớn các gia đình đều từ chối với lý do: “Cháu học yếu, để ở nhà ôn tập hè”...