Học sinh nghỉ kéo dài do dịch Covid-19 khiến trường học gặp nhiều khó khăn, đặc biệt các trường tư thục. Dù không có nguồn thu song các trường vẫn phải chi trả lương, tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội. Do đó, có trường đã phải tạm ngưng hoạt động nhưng cũng có trường tìm mọi cách cầm cự.
Bán xe, bán trái cây để cầm cự
Trường Mầm non V.M, phường Hiệp Thành, quận 12 đã thông báo tạm ngưng hoạt động từ đầu tháng 3. Trường sẽ hoàn trả hồ sơ, học phẩm của các con trong các buổi sáng từ 8 giờ 30 đến 11 giờ, bắt đầu từ ngày 9 đến 14/3.
Giáo viên trường Mầm non Mỹ Đức, quận 12 bán cam để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: N.D. |
Để có thể cầm cự chờ dịch đi qua, chị Nguyễn Thị Thùy Linh, chủ trường Mầm non Cho Con ở Đồng Nai, đã quyết định bán chiếc ô tô của mình để lấy tiền trang trải mọi chi phí.
Chị Linh bày tỏ: “Trước khi làm công việc này, tôi đã lường trước rủi ro và chấp nhận thiệt hại, đầu tư bù lỗ. Tôi chỉ mong các con có sân chơi bổ ích, chăm sóc và giáo dục các con phát triển toàn diện. Vì thế, đối diện với hiện trạng bây giờ, tôi cũng cố gắng tiếp tục bù lỗ và đầu tư”.
Theo chị Linh, tận dụng thời gian nghỉ học, cán bộ nhân viên trường chỉnh sửa đồ dùng, đồ chơi, mua sắm trang thiết bị phòng dịch bệnh cho trẻ khi đi học lại, bồi dưỡng chuyên môn.
Bên cạnh đó, để có thêm thu nhập, giáo viên trong trường tổ chức nấu cháo dinh dưỡng, cam ép và các loại nước khác. Công việc này giúp các cô khuây khỏa, rèn thêm kỹ năng giao tiếp.
“Hầu hết cô giáo đều có chứng chỉ cấp dưỡng và đã học qua lớp đầu bếp. Cháo cũng chủ yếu bán cho phụ huynh trong trường. Trong quá trình đi giao, các cô cũng có thể gặp học trò của mình. Còn máy ép cam trường đầu tư sau này khi đi học trở lại mỗi sáng sẽ ép cam cho các con uống. Nhờ vậy, phụ huynh cũng được dịp thử tay nghề của các cô, từ đó yên tâm hơn khi gửi con ở trường”, chị Linh nói thêm.
Chị VA, chủ trường của ba cơ sở mầm non tư thục B.O.S.G, trong mùa dịch Covid-19 đang là giai đoạn này thật sự khó khăn với chị.
“Để vượt qua giai đoạn này, tôi đang vay ngân hàng trả lương cho giáo viên cũng như thương thảo với chủ nhà để giảm bớt tiền thuê trong mùa dịch. Ngoài vai trò là một chủ trường, tôi còn là nhân viên kiểm toán nên thời điểm này tôi làm việc nhiều hơn để có thêm thu nhập.
Trước nhu cầu của phụ huynh nên các cô cũng đến tận nhà chăm sóc, trông coi các bé. Công việc tuy cực nhưng được phụ huynh thông cảm và thương yêu nên các con cũng vui”, chị VA nói.
Chị VA cho biết thêm, trong thời gian nghỉ, các giáo viên của trường vẫn dành thời gian đã thực hiện những video Bé ong vui học với những bài học, thí nghiệm trò chơi bổ ích gửi cho phụ huynh. Để qua đó, các bậc cha mẹ có thể học tại nhà cùng con.
“Đây là thời điểm thật sự khó khăn đối với chúng tôi. Nhưng nó là tình trạng chung mọi người sẽ cố gắng vượt qua”, chị Nguyễn Hoàng Lăng Viên, Hiệu trưởng trường mầm non Mỹ Đức, quận 12, nói.
Chị Viên cho hay trường vừa xây xong cơ sở 2 với quy mô hiện đại nhưng mới hoạt động được hai hôm thì đóng cửa. Tiền thuê mặt bằng hai cơ sở cũng hơn 150 triệu đồng với tiền lương của 40 cán bộ cũng hơn trăm triệu.
"Rất nhiều chi phí phải chi trả trong khi không có nguồn thu này. Dù thế, trường vẫn cố gắng đóng bảo hiểm cho các cô nhưng nếu tình hình kéo dài thì chỉ có thể hỗ trợ các cô được 1-2 triệu”, chị Viên nói thêm.
Để giúp giáo viên có công việc cũng như thêm chút thu nhập, chị đã cùng các cô bán trái cây trước cổng trường chờ ngày trường hoạt động trở lại.
“Là chủ trường nhưng đích thân tôi đi hàng lấy về, cùng các cô đứng bán hàng. Ngày trường sẽ bán thêm hoa để phục vụ cho ngày 8/3”, chị Viên cho biết thêm.
Mới đây, một nhóm giáo viên trường mầm non Ngôi nhà trẻ thơ, quận 12, TP.HCM cũng bán nước giải khát kiếm thêm thu nhập trong thời gian nghỉ chống dịch. Túp lều nơi các cô đứng bán có treo dòng chữ “Giải cứu giáo viên mầm non" vừa hài hước nhưng cũng đầy chua xót.
Ngành giáo dục tìm hướng hỗ trợ
Nắm bắt tình trạng trên, Phòng GD&ĐT quận 8 đã có buổi làm việc với hiệu trưởng các trường.
Cô giáo trường mầm non Ngôi nhà trẻ thơ (quận 12, TP.HCM) bán hàng kiếm thêm thu nhập trong thời gian trẻ nghỉ học vì dịch Covid-19. Ảnh: Hoàng Giang. |
Ông Dương Văn Dân, trưởng phòng GD&ĐT, cho biết qua làm việc cho thấy các trường đều cố gắng đóng tiền bảo hiểm cho giáo viên. Đa phần giáo viên, nhân viên tại các trường đều đồng thuận với phương án này.
Đối với những cơ sở đặc biệt khó khăn, phòng GD&ĐT có tìm hiểu và tác động đến chủ nhà để có thể giảm tiền thuê mặt bằng cho các đơn vị trong thời điểm này.
Ông Nguyễn Trí Dũng, trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh, nhìn nhận nhiều trường tư thực không đủ điều kiện cầm cự đã tự giải thể.
Ông Dũng cho biết hiện Sở GD&ĐT đang có văn bản gửi các quận thống kê tình hình của các trường tư thục, từ đó có hướng giải quyết và kiến nghị lên cấp trên.
“Hiện Phòng GD&ĐT đã đề nghị với UBND huyện Bình Chánh xem có ngân hàng nào cho vay với lãi suất hợp lý để các chủ trường có thể duy trì hoạt động. Phòng cũng đã họp với trường để nắm bắt tình hình. Đối với những đơn vị phải thuê mặt bằng, phòng cũng có gợi ý các chủ trường, nhóm lớp nói chuyện với chủ nhà để có được sự chia sẻ”, ông Dũng bày tỏ.
Trong khi đó, ông Ngô Văn Tuyên, trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân, cho rằng thời điểm này trường có mặt bằng còn đỡ, còn những trường phải thuê đi thuê sẽ khó khăn hơn. Do đó, nếu các trường có thể thương lượng với các chủ nhà để giảm tiền thuê hàng tháng thì sẽ là một phương án tốt.
“Trong cuộc họp mới đây, tôi đã đề xuất với UBND quận nên giảm tiền thuế cho các trường tư thục. Bên quận cũng đã đề nghị phòng gửi văn bản để xem xét”, ông Tuyên nói thêm.
Cũng theo ông Tuyên, không chỉ trường tư, hiện nay trường công cũng gặp khó khăn. Với việc cắt giảm biên chế, hiện các trường đang phải hợp đồng lao động với một số vị trí như phục vụ, bảo vệ, bảo mẫu. Do đó vấn đề chi trả tiền lương cho các bộ phận này cũng là vấn đề đáng bàn.
“Tôi đang yêu cầu các trường thống kê lại tiền lương cũng như tiền bảo hiểm xã hội cần chi trả cho những chức danh trên, để đề xuất lên quận”, vị này chia sẻ thêm.