Nhiều người Trung Quốc chọn "nằm yên" vì mệt mỏi với áp lực học hành, kiếm tiền. Ảnh minh họa: Shutterstock. |
Một người phụ nữ họ Chen (33 tuổi) và chồng (43 tuổi) sống tại thành phố Thượng Hải quyết định nghỉ hưu từ năm 2022. Trước đó, họ mất việc và đã cố gắng tìm vị trí mới suốt nhiều tháng.
Đôi vợ chồng chọn sống nhờ khoản tích cóp 3 triệu nhân tệ (tương đương 430.000 USD) cùng 2 chú mèo cưng tại căn hộ riêng.
Mỗi tháng, họ nhận thêm 10.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 1.400 USD) tiền lãi gửi tiết kiệm ngân hàng, The Paper đưa tin.
Chen cho rằng cả hai không phải lo lắng nhiều cho cha mẹ già, bởi ông bà đã có lương hưu và được nhận bảo hiểm y tế công cộng.
Bên cạnh đó, vợ chồng cô không có bất kỳ kế hoạch nào liên quan đến việc sinh con. Điều này cũng được gia đình đôi bên ủng hộ vì ông bà đã “quá lớn tuổi và mệt mỏi cho việc chăm sóc một đứa trẻ”.
Theo South China Morning Post, hai người đã thích nghi với lối sống “nằm một chỗ” bằng cách tự nấu nướng, cắt giảm mọi khoản tiêu theo sở thích và chỉ dùng khoảng 6.000 nhân dân tệ (gần 900 USD) mỗi tháng.
“Thú thật, tôi không phải là người thích chịu trách nhiệm nên ngại có em bé. Tôi chỉ muốn ăn, uống, vui chơi và tận hưởng cuộc sống. Từ lúc nghỉ việc và thay đổi lối sống, vợ chồng tôi thoát được những cơn căng thẳng thần kinh.
Không đồng hồ báo thức hay tiếng tin nhắn công việc, tôi thấy mình hoàn toàn tự do”, Chen nói, đồng thời cho biết khoản tiết kiệm sẵn có đủ cho họ sống như thế này trong 30 năm tiếp theo.
Giới trẻ Trung Quốc không muốn tiếp tục cố gắng để đạt được những kỳ vọng trong cuộc sống, công việc. Ảnh minh họa: The Guardian. |
Người vợ khẳng định sức khỏe thể chất và tinh thần của cả hai được cải thiện đáng kể từ ngày bắt đầu “mặc kệ sự đời”.
“Chúng tôi thường nhận được câu hỏi về tương lai. Hầu hết đều tò mò tôi và chồng sẽ lo liệu ra sao khi cùng chạm ngưỡng tuổi 60, 70. Tuy nhiên, đó là vấn đề của tương lai. Hiện, gia đình tôi hài lòng với mọi thứ”, cô nói thêm.
Sau khi được đăng tải trên mạng xã hội, câu chuyện của vợ chồng Chen nhanh chóng trở thành đề tài gây sốt. Nhiều người bày tỏ ao ước có cuộc sống tương tự. Trong khi đó, số khác cảm thấy đây là quyết định ngây thơ, dễ gây ra hậu quả đáng tiếc.
“Tôi ghen tị với cuộc sống của họ. Tôi cũng muốn làm như vậy, nhưng tôi không có đủ tiền để làm điều đó”, một người bình luận trên Douyin.
“Họ có chút bốc đồng khi đưa ra quyết định này. 3 triệu nhân dân tệ không phải con số quá lớn. Nếu có sự cố nghiêm trọng phát sinh, họ dễ rơi vào khủng hoảng”, tài khoản khác nêu ý kiến.
Lối sống tang ping được xem là sự phản kháng của cư dân Trung Quốc trước hàng loạt áp lực đời sống. Ảnh minh họa: EPA. |
Tương tự vợ chồng Chen, ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc đang chọn cách buông bỏ, không làm gì khi đối mặt với áp lực giáo dục và văn hóa cạnh tranh khốc liệt.
Lối sống tang ping phổ biến đến mức đã được Gen Z, những người sinh sau năm 1996, tại quốc gia tỷ dân đúc kết thành "triết lý nằm thẳng".
Theo một số nhà quan sát, triết lý sống tang ping đã phản ánh tình trạng chán nản của tầng lớp trung lưu Trung Quốc.
Bên cạnh đó, vài chuyên gia cho rằng tang ping còn là sự phản kháng của giới trẻ đối với những chính sách do chính phủ đề ra nhằm giữ cho nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục vận hành.
“Người trẻ dễ bị thuyết phục bởi những lời diễn thuyết trên Internet về sự phát triển bản thân. Theo đó, họ sẵn sàng tạm dừng cuộc sống của mình ở hiện tại với hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn”, Yang Zhan, một nhà nhân chủng học tại ĐH Bách khoa Hong Kong, nói.
Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.