Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Nghỉ lễ 4 ngày nhưng 'chạy đua' từ nửa tháng trước ở TP.HCM

Để về quê dịp lễ 2/9, nhiều người phải chuẩn bị trước nửa tháng để mua vé xe, sắp xếp công việc. Có người phải lỡ hẹn với gia đình vì không tìm được lịch di chuyển phù hợp.

Kỳ nghỉ 2/9 lần này, Tuyết Mai (24 tuổi) không thể về nhà vì không mua được vé xe trở lại TP.HCM. Dù "săn vé" từ tuần trước, cô chỉ tìm được vé chiều đi từ TP.HCM về Đắk Lắk nhưng không tìm được vé cho chiều ngược lại. Vừa nhận việc ở công ty mới, không thể xin nghỉ phép, Tuyết Mai lỡ hẹn với cha mẹ trong kỳ nghỉ 4 ngày năm nay.

May mắn hơn, Minh Sang (22 tuổi) mua được vé xe cả hai chiều TP.HCM - Trà Vinh theo đúng nhu cầu. Song, với anh, mỗi lần về quê là một “cuộc chiến” giữa dòng người đông đúc ở bến xe và hàng giờ kẹt xe giữa quốc lộ.

Cách TP.HCM hơn 900 km, Lê Huyên (22 tuổi) phải đi máy bay mỗi lần về quê. Để tiết kiệm chi phí và mua được vé phù hợp, cô đã xin nghỉ làm trước 1 tuần để về quê ăn lễ 2/9.

Dịp Quốc khánh năm nay, người lao động được nghỉ 4 ngày từ 31/8 đến 3/9 với 2 cuối tuần và 2 ngày nghỉ chính thức. Để về quê ăn lễ, nhiều người phải chuẩn bị trước 1-2 tuần để mua vé xe, sắp xếp công việc. Dù không về được, các bạn trẻ vẫn cố gắng đoàn tụ trực tuyến với gia đình trong kỳ nghỉ lần này.

Chuẩn bị trước 2 tuần

Với Lê Huyên, mỗi lần về quê là một lần đắn đo vì giá vé máy bay đi từ TP.HCM về Đà Nẵng lên đến 2-3 triệu đồng/vé. Trong những dịp lễ dài ngày, có khi vé lên đến 4 triệu đồng cho một chiều đi/về. “Mình phải ‘săn’ vé từ sớm để tránh giá đôn lên quá cao và vượt khỏi ngân sách của gia đình”, Lê Huyên chia sẻ với Tri Thức - Znews.

ve que le 2/9 anh 1

Mỗi lần về quê, Lê Huyên phải trả chi khoảng 2-3/triệu đồng tiền vé máy bay một chiều. Ảnh: NVCC.

Cô sắp xếp công việc trước 2 tuần để tránh ảnh hưởng đến tiến độ chung của công ty. Huyên lên máy bay về Đà Nẵng trong ngày 25/8 để né dòng người đông đúc ở sân bay và không bị “cháy túi”.

“Sống và làm việc cách quê hương 1.000 km, mình rất quý mỗi lần được về quê như thế này. Trong dịp lễ năm nay mình sẽ tranh thủ đi du lịch cùng gia đình cũng như ‘sạc’ năng lượng sau thời gian làm việc”, Lê Huyên nói thêm năm nay là năm đầu tiên cô đi làm chính thức.

Dù chỉ cách TP.HCM hơn 50 km, chị Thanh Tuyền (47 tuổi, quê ở Long An) bắt đầu chuẩn bị quần áo, mua sắm đồ đạc về quê từ nửa tháng trước. Chị mua quần áo mới, bánh kẹo, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng để mang về cho gia đình.

“Dù chỉ cách TP.HCM vài tiếng đi xe nhưng mình khó sắp xếp công việc để về quê thường xuyên. Một phần là công việc nhà nước yêu cầu làm theo giờ hành chính, một phần là gia đình với hai con nhỏ, không thể buông việc để về mỗi tuần”, chị chia sẻ.

Để tránh câu chuyện kẹt xe, giành vé mỗi dịp lễ, chị Tuyền thường về quê trong những ngày giữa của kỳ nghỉ lễ. Quốc khánh năm nay, nhà chị sẽ về Long An trong sáng 2/9 rồi trở lại TP.HCM vào buổi tối để có một ngày hồi sức, trở lại với công việc.

ve que le 2/9 anh 2

Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.HCM khuyến cáo người dân đi xe cá nhân về quê tránh đi vào khoảng thời gian cao điểm như chiều, tối ngày 30/8 và chiều tối ngày 4/9. Ảnh: Quỳnh Danh.

“Giá nào cũng sẽ về quê”

Tâm sự với Tri Thức - Znews, Minh Sang cho biết mỗi lần về quê dịp lễ thì anh “vừa sợ mà vừa vui”. “Vui vì sắp được nghỉ ngơi và đoàn tụ gia đình, sợ vì không có vé xe mà có vé thì đường cũng kẹt rất lâu”, anh nói.

ve que le 2/9 anh 3

Minh Sang phải đặt vé từ 1 tuần trước khi kỳ nghỉ bắt đầu để bảo đảm có vé xe. Ảnh: NVCC.

Lễ 2/9 năm trước, Minh Sang và các bạn có một "trải nghiệm nhớ đời" tại bến xe. Vì về đúng ngày 2/9, dòng người đổ về bến xe miền Tây rất đông, nhóm của anh bị kẹt xe và trễ giờ rời bến. Kết quả, họ phải đợi hơn 3 tiếng để chờ ghế trống trong những chuyến xe về Trà Vinh. “Chúng mình hoảng loạn khi ngồi giữa biển người ở bến xe mà chưa chắc sẽ được về”, anh chia sẻ. Cuối cùng, cả nhóm về đến Trà Vinh vào khuya cùng ngày.

Năm nay, Minh Sang vừa nghỉ việc ở công ty cũ nên khá thoáng về thời gian. Anh sẽ về quê từ ngày 31/8 đến 3/9 mới quay lại TP.HCM. Theo anh, về quê trong khung thời gian này sẽ tránh được dòng người tấp nập kéo về quê chơi lễ.

Từng gặp vấn đề ở bến xe như Minh Sang, năm nay, Ngọc Yến (22 tuổi) quyết định đi xe máy từ TP.HCM về Vũng Tàu để ăn lễ 2/9. Dự kiến, cô chạy xe về Vũng Tàu vào chiều 30/8 rồi trở lại TP.HCM vào sáng hoặc trưa 3/9 để dành thời gian nghỉ ngơi, bắt đầu lại công việc. Cô tốn trung bình 3 giờ cho mỗi chuyến xe về quê.

“Lễ mà đi ôtô, xe khách thường rất dễ bị kẹt, mà vé xe khách cũng tăng giá nữa. Do đó mình quyết định về quê bằng xe máy để chủ động đi lại mà vẫn tiết kiệm hơn xe khách”, Ngọc Yến nói.

Trong thời gian về quê, cô dự định ở nhà chơi cùng cha mẹ thay vì ra ngoài chơi. Cô tâm sự: “Mình ưu tiên về quê để nghỉ ngơi chứ cũng không ham đi chơi lắm, một phần vì lễ sẽ đông người và quê mình lại là điểm du lịch nổi tiếng”.

Dù không về nhà dịp Quốc khánh, Tuyết Mai cho biết cô đã hẹn cha mẹ vào kỳ nghỉ tiếp theo. “Mình sẽ sử dụng kỳ nghỉ 4 ngày này để thư giãn cùng bạn bè, người yêu thay vì đi chơi. Và chắc chắn là gọi về cho gia đình để ăn lễ online nữa”, cô chia sẻ.

ve que le 2/9 anh 4

Dự kiến, sân bay Tân Sơn Nhất có thể đón đến 108.000 lượt khách/ngày trong dịp lễ Quốc khánh năm nay. Ảnh: Duy Hiệu.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, cả năm bạn trẻ xác định bản thân thích về quê để thư giãn, nghỉ ngơi cùng gia đình hơn là đi du lịch hay tăng ca. “Dù giá nào mình cũng về quê trong những dịp lễ. Chúng ta có cả năm để làm việc nhưng về với gia đình thì chỉ có những dịp như thế này thôi”, Minh Sang tâm sự.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (GTVT), nhu cầu vận tải hành khách trong kỳ nghỉ 2/9 tại các bến xe liên tỉnh có thể lên đến 92.500 lượt khách/ngày, tăng 16% so với cùng kỳ.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, Sở dự báo có đến 108.000 hành khách/ngày. Ga đường sắt Sài Gòn dự báo đón khoảng 5.300 lượt hành khách/ngày, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ Quốc Khánh, Sở GTVT đề nghị các đơn vị vận tải bố trí phương tiện và lái xe đáp ứng yêu cầu theo quy định bảo đảm phục vụ việc đi lại trong dịp lễ của người dân.

Nghỉ lễ 4 ngày nhưng quyết định ở nhà ăn, ngủ, xem phim

Muốn tranh thủ nghỉ ngơi nạp lại năng lượng hay đơn giản là ngại chỗ du lịch đông đúc, nhiều bạn trẻ lựa chọn "ở yên tại chỗ" trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Đức An

Bạn có thể quan tâm