Sáu năm qua, trên bục giảng của trường Tiểu học Làng May Mắn (quận Bình Tân, TP.HCM) luôn có hình ảnh thầy giáo ngồi trên xe lăn Nguyễn Ngọc Lâm (35 tuổi, quê Thanh Hóa) hướng dẫn học trò sử dụng máy tính. Người thầy "không bụi phấn" vẫn miệt mài thắp sáng con đường tri thức cho học trò.
Anh Nguyễn Ngọc Lâm cùng học trò trong lớp tin học tại trường Tiểu học Làng May Mắn. Ảnh: NVCC. |
Không thể chết trong tuyệt vọng
Phía cuối dãy nhà của Làng May Mắn, ngồi trong phòng trọ rộng 33 m2 của mình, anh Nguyễn Ngọc Lâm kể lại biến cố thời sinh viên. Năm 2004, đang học năm nhất trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước, anh bị tại nạn giao thông, gãy hai đốt sống cổ, khiến toàn thân bị liệt. Sau hai tuần điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ khuyên gia đình nên đưa anh về quê, sống được ngày nào hay ngày đó.
Anh Lâm kể, vì thương con, ba anh đã quyết liệt giữ anh lại TP.HCM chữa trị, "còn nước còn tát", dù nhà không còn tiền. Qua cơn nguy kịch, anh chuyển sang Bệnh viện Quận 8 tập vật lý trị liệu, vì hai tay anh yếu, đôi chân đã liệt hoàn toàn, anh phải ngồi xe lăn suốt đời. Trong hai năm nằm viện, em trai học lớp 10 ở quê phải nghỉ để vào chăm sóc, ba anh trở về quê xoay tiền chữa bệnh cho con.
Một ngày trời hè nắng gắt, ba anh từ quê vào lại TP.HCM, nói với anh rằng không thể tiếp tục điều trị ở đây được nữa, nhà đã cạn tiền, ba không cố gắng thêm được, phải về thôi, đêm đó anh không ngủ.
"Biết mình là gánh nặng của gia đình, tôi rất buồn, nhưng không thể quay về và chết trong tuyệt vọng được. Lúc đó tôi nghĩ, nếu ở lại TP.HCM thì may ra tôi mới có cơ hội sống tiếp, em trai tôi sẽ có cơ hội thay đổi cuộc đời" - anh Lâm tâm sự.
Hai ngày sau, anh Lâm nói với em trai, nếu đến bước đường cùng, không còn tiền và chỗ ở thì anh em mình sẽ đi bán vé số, buổi tối ngủ ở hành lang hoặc xin vào bệnh viện ngủ. Em trai đồng ý, anh Lâm mới nói ba trở về quê, mình sẽ ở lại và chiến đấu đến cùng.
May mắn đã mỉm cười với anh Lâm, trước ngày xuất viện, giám đốc Làng May Mắn đã gặp và đề nghị anh cùng em trai về đây ở, tiếp tục tập vật lý trị liệu, trung tâm sẽ hỗ trợ. Từ đó, anh Lâm có chỗ ở ổn định và học nghề, em trai tiếp tục được theo học văn hóa.
"Thầy giáo xe lăn" hướng dẫn học trò các thao tác trên máy tính. Ảnh: NVCC. |
10 năm học gõ máy tính
Anh Nguyễn Ngọc Lâm cho biết, hiện tại, ngoài thời gian dạy tin học cho các em từ lớp 2 đến lớp 5, anh còn dạy thêm kỹ năng sống. Anh truyền đạt những bài học về tình người, tình thầy trò, về tình yêu quê hương đất nước, về những áng văn thơ hay bằng sự nhiệt thành và tâm huyết.
"Tôi yêu nghề giáo từ lúc nhỏ, sau vụ tai nạn, tôi ngỡ sẽ không bao giờ được đứng trên bục giảng nữa. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của nhiều người, bây giờ tôi đã thực hiện được ước mơ, nên bằng mọi cách tôi sẽ cố gắng truyền đạt đến các em tất cả kiến thức mà tôi có" - anh Lâm nói.
Để thao tác trên máy tính thành thạo, anh Lâm cho biết mình phải học gõ từng chữ suốt 10 năm. Những ngày đầu tiếp xúc với máy tính, anh dùng 5 ngón tay co quắp gõ bàn phím, nhưng chữ bị nhảy lung tung. Sau này anh nghĩ ra đeo một cái nẹp rồi cắm thêm chiếc đũa hoặc cây bút để gõ, nhưng rất rườm rà, mỗi lần muốn gõ phải nhờ người đeo. Cuối cùng, anh lựa chọn bó nẹp tay phải, và dùng khớp của ngón út gõ bàn phím.
Đến năm 2015, khi học sử dụng thành thạo máy tính, anh Lâm trở thành thầy giáo dạy tin học tại trường Tiểu học Làng May Mắn. Em trai anh đậu hai trường đại học, sau đó về lại trường này làm hiệu trưởng. Anh Lâm cho hay, anh không dạy bằng bảng đen phấn trắng, anh lên lớp với một cái nẹp tay cùng cây thước dài. Mỗi buổi học được bắt đầu bằng lời giảng của anh, rồi học trò sẽ theo dõi những thao tác anh thực hiện, tiếp đến các em sẽ thực hành trên máy tính. Lúc học sinh thực hành, anh điều khiển chiếc xe lăn đến chỗ từng em, dùng cây thước gắn vào tay phải đã được cố định bằng nẹp để hướng dẫn.
Bên cạnh đó, trong thời gian nghỉ học vì dịch Covid-19, anh Lâm thực hiện nhiều video dạy tin học, kỹ năng sống đưa lên YouTube cho học trò xem. Anh chia sẻ, học sinh của anh đa số là trẻ mồ côi, khuyết tật, nhà nghèo theo ba mẹ lên thành phố sinh sống, nên rất có thể các em sẽ bỏ học sau khi học xong lớp 5. Anh phải dạy kỹ năng sống để sau này các em đi làm không dính đến tệ nạn xã hội, đánh mất định hướng.
Là tình nguyện viên đi dạy, nên lương hàng tháng của anh Lâm chỉ ở mức trợ cấp 2 triệu đồng, để mưu sinh, anh phải bán thêm hàng online và làm nhiều việc khác.
"Vượt qua cửa sinh tử, được sống đến ngày hôm nay và làm giáo viên, với tôi đó là hạnh phúc rồi. Dù cuộc đời có nghiệt ngã với tôi, tôi cũng phải đi tìm ánh sáng tương lai cho học trò mình" - anh Lâm khẳng định.