Khoảng thời gian này, nhà trường và gia đình đều lo các em mải chơi, thế nên thầy cô thường “tặng” nhiều bài tập về nhà cho học sinh.
Hầu như cấp học nào cũng làm thế. Tiểu học thì bài tập toán, tiếng Việt, tiếng Anh...; THCS, THPT thì toán, lý, hóa, sinh, tiếng Anh, văn có đủ.
Tiếng là “quà tết” nhưng luôn kèm theo lời nhắc, đi học lại thầy cô kiểm tra mà không làm thì... zero!
Lượng bài tập nhiều, học sinh chăm thì cặm cụi làm, học sinh lười tranh thủ mượn bài giải của các bạn... chép vào vở mình cho đủ. Ở nhà, ba mẹ luôn nhắc... học đi con!
Học sinh ôn bài ở nhà. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Có thầy cô dạy thêm còn cố thêm một hai ngày học nữa dù học sinh đã nghỉ học ở trường, ra tết lại dạy thêm sớm. Phụ huynh cho con đi học cho xong!
Chỉ thương học sinh xoay tít trong chuyện học, thầy cô và ba mẹ có thấu hiểu cho các em không? Tết hãy để cho các em được nghỉ ngơi, cùng gia đình và bạn bè vui chơi thoải mái. Nhà trường, gia đình cần làm gì để giúp các em sinh hoạt lành mạnh, tránh được nỗi lo các em mải chơi, quên kiến thức...?
1. Tùy tình hình địa phương để có những lời khuyên với các em cho phù hợp. Các hình thức cờ bạc như: xóc đĩa, đá gà, đánh bài, bida... rồi tụ tập nhà bạn - sẵn có bia rượu của ba mẹ tiếp khách thế là các em mời nhau. Cần nhắc nhở học sinh tránh xa những tệ nạn này.
2. Đi thăm thầy cô, bạn bè, đi chơi chú ý an toàn giao thông, tốt nhất không đi chơi xa (nếu không có ba mẹ, anh chị đi cùng), hạn chế đi xe máy, cẩn thận khi chơi ở những khu vực gần sông, suối... Nhà trường khuyên học sinh bằng những tình huống giả định và để học sinh bày tỏ thái độ, ứng xử.
3. Thay cho bài tập về nhà là những hướng dẫn giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống. Cụ thể:
- Giúp đỡ ba mẹ dọn dẹp nhà cửa, lau chùi vật dụng trong nhà, trang trí...
- Chúc tết ông bà, ba mẹ, thầy cô... những câu sao cho ấm áp, thật lòng, dễ thương. Lúc nhận tiền lì xì biết nói cảm ơn, tuyệt nhiên đừng móc tiền ra xem ngay lúc đó. Ăn uống ngày tết vệ sinh, an toàn, điều độ để không đau ốm.
- Đi chợ tết, xem bắn pháo hoa, viếng các đền, chùa tuyệt đối không xả rác, không bẻ hoa, cây xanh, tranh giành lộc, ấn; không chen lấn, xô đẩy, biết nói lời cảm ơn và xin lỗi những lúc cần thiết.
- Gia đình khó khăn, các em làm thêm trong mấy ngày nghỉ tết để kiếm thêm tiền đỡ đần cho ba mẹ. Nhiều việc lắm: phục vụ các quán cà phê, quán ăn, phụ bán hàng, dọn dẹp nhà cửa... Cảnh giác để không bị lạm dụng, quấy rối.
- Đi chơi đâu thì báo cho ba mẹ biết, quá giờ gọi điện về báo cho ba mẹ yên tâm. Đừng mải chơi, qua đêm ở nhà bạn bè, không để bạn bè xấu lôi kéo.
- Tham gia các hoạt động thiện nguyện như chăm sóc người không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, chia sẻ với những người không may gặp khó khăn.
4. Ngày mùng một tết hướng dẫn các em tập khai bút đầu xuân. Đó có thể là những câu mừng năm mới, ghi lại cảm xúc trong thời khắc đầu tiên của năm, những mong ước cho bản thân - gia đình - quê hương...
5. Còn một, hai hôm nữa đi học trở lại, các em nên nghỉ ngơi, xem bài vở, chuẩn bị tốt cho ngày học đầu tiên sau tết Nguyên đán. Nhà trường, gia đình hãy phối hợp để các em cùng gia đình hưởng một cái tết thật tươi vui, yên bình.
Tết này, anh chị đừng cho con ngồi vào bàn học nữa!
Khác với trước đây, mở màn cho buổi họp phụ huynh của con trai đang học lớp 4, cô Liên, cô giáo của con, nói: “Tết này phụ huynh đừng cho con ngồi vào bàn học nữa. Hãy để cho các con có một cái tết ý nghĩa...”.
Cô giáo chưa nói dứt lời, một tràng pháo tay vang lên. Bao gương mặt lo toan, căng thẳng bỗng nhiên giãn ra, đâu đấy có những nụ cười nở trên môi phụ huynh.
Sau khi ổn định, cô giáo chia sẻ: “Phụ huynh cũng muốn được ăn tết thoải mái mà không vướng bận công việc. Các con cũng muốn được chơi tết mà không lo bài vở. Cả năm các con đã học hành vất vả rồi, đừng ép con ngồi vào bàn cho yên tâm nữa”.
Những lời cô giáo nói trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ của đại đa số phụ huynh. Bởi chúng tôi luôn nghĩ rằng gần tết, cô giáo sẽ giao thật nhiều bài tập về để phụ huynh đừng quên “lễ thầy”.
Trước đó mấy phút, tôi còn bấm bụng kiểu gì cô cũng kêu ca chuyện học sinh quậy phá, nêu tên những em cá biệt, khen những em học tốt. Nhưng không, cuộc họp phụ huynh hôm ấy khá cởi mở, vui vẻ. Cô không nói xa xôi, bóng gió về những em nghịch ngợm, chưa nề nếp...
Nghĩ lại cảnh họp phụ huynh của những năm trước thường là người thì cúi gằm xuống, người thì đăm chiêu suy nghĩ mỗi khi cô “than”. Nhưng chúng tôi đã có một buổi họp phụ huynh không bị nhàm chán, phụ huynh phát biểu chứ không ngồi “giết thời gian” với chiếc điện thoại hay tờ báo nữa.
Tất cả phụ huynh đều là người trong cuộc khi cô giáo xin ý kiến về những đổi mới, những trăn trở của phụ huynh trong học kỳ vừa qua.
Cô không đề cao chuyện lớp có bao nhiêu em giỏi, khá; rằng thành tích của lớp xếp thứ mấy toàn trường. Cô chủ yếu dành thời gian chia sẻ với phụ huynh chuyện dạy và học thế nào để đạt kết quả tốt nhất.
Những ý kiến của phụ huynh nêu ra khiến phòng họp trở nên rôm rả, không khí thoải mái, vui vẻ. Không bị áp lực bởi kết quả học tập cao thấp của các con, mỗi phụ huynh đều mang chung tâm trạng bằng lòng với những gì con đạt được sau một học kỳ chứ không so bì với học sinh khác, với phụ huynh khác theo kiểu “con anh, con tôi...”.
Nhất là khi cô chia sẻ rằng độ tuổi của các con cần được vừa học vừa chơi để khơi dậy trí tưởng tượng, sự sáng tạo cho con chứ không nên gò bó, ép buộc con bên bàn học để cho ra bằng được những con điểm đẹp. Các con như những cái cây, sẽ bị cong vẹo nếu như không được chăm bón đúng cách.
Buổi họp phụ huynh thành công theo tôi nghĩ không phải là tất cả mọi vấn đề được nêu ra cho xong, mà quan trọng là phụ huynh cũng là người trong cuộc, được tháo gỡ những thắc mắc, được lắng nghe những tâm tư của cô về chuyện học, cùng trao đổi thẳng thắn suy nghĩ của mình.
Tôi thầm cảm ơn cô giáo của con không chỉ vì cho chúng tôi một buổi họp phụ huynh đúng nghĩa, mà còn giúp cho đa số phụ huynh cởi bỏ bớt tư tưởng học thêm, học chạy tết diễn ra bấy lâu nay.