8h30 ngày 29 Tết, Duy Hướng (sinh viên năm nhất, Cao đẳng FPT Polytechnic) bắt đầu nhận đơn giao hàng đầu tiên. Chạy xe từ Phùng Hưng (Hoàn Kiếm) sang Ngọc Lâm (Long Biên), nhìn dòng người hối hả, Hướng cho biết cuối ngày hôm nay, cậu cũng sẽ về quê ăn Tết cùng gia đình.
“Bắt đầu nghỉ Tết từ ngày 23 tháng chạp, nhưng mình chưa về quê luôn mà ở lại Hà Nội mấy ngày này để kiếm thêm thu nhập. Mẹ của mình cũng làm công việc này và mới về quê vào tối qua để chuẩn bị Tết ở nhà", Duy Hướng chia sẻ với Zing.
Sát Tết, Duy Hướng chạy giao hàng từ 8h30 đến cuối ngày. Ảnh: Ngọc Bích. |
Tranh thủ những ngày cuối năm
Zing ngồi sau xe Hướng, nghe nam sinh kể ngày hôm qua (28 Tết), cậu đi làm tới tận 23h mới về. Đơn hàng giao muộn, từ đường Trần Duy Hưng đến Đông Ngạc (12 km) giúp cậu có thêm 150.000 đồng thu nhập cuối ngày.
Sáng nay, đường phố thoáng so với mấy ngày trước, Hướng di chuyển nhanh hơn thường ngày, cậu chỉ cần 15 phút là giao xong đơn hàng đầu tiên, thu về 50.000 đồng.
Những ngày cuối năm, đơn hàng nhiều mà người giao thì thiếu, không bận đi học, Hướng giao được 12-15 đơn mỗi ngày, có hôm, giờ ăn trưa của Hướng là 14h. Chủ yếu là đơn hàng đi xa nên phí giao hàng cao, trừ xăng xe, Hướng cũng thu về 500.000-700.000 đồng/ngày, cao hơn so với ngày bình thường.
“Quê mình ở ngoại thành Hà Nội, nhà có 3 mẹ con, kinh tế chỉ đủ ăn, mẹ cũng ở lại làm thêm, nên mình cũng không vội về. Năm trước, khi còn học phổ thông, mấy ngày sát Tết, được nghỉ học, mình cũng đi làm thêm ở gần nhà nên bây giờ có nghỉ Tết muộn cũng quen rồi. Mình cũng không tủi thân mà nghĩ phải cố gắng hơn mỗi ngày", Hướng tâm sự.
Nam sinh kể chính nhờ công việc giao hàng này mà mẹ có thể nuôi chị em cậu ăn học. Sát Tết, mẹ cậu cũng chạy nhiều đơn hơn. Tối hôm qua (28 Tết), mẹ Hướng mới về quê.
Hướng tranh thủ gọi về nhà. Ảnh: Ngọc Bích. |
Giao xong đơn hàng đầu tiên, Hướng tranh thủ gọi về cho nhà, mẹ nói đang quét dọn nhà cửa, trong nhà đã có cặp bánh chưng xanh, bánh kẹo Tết. Tắt máy và bắt đầu những đơn hàng tiếp theo, nhìn đào, mai trên phố, lòng Hướng cũng thấy xốn xang.
Với số tiền kiếm được trong mấy ngày này, năm nay, Hướng dư dả hơn một chút để tiêu Tết, có thêm phong bao đỏ để mừng tuổi bà và mẹ, để dành ra một khoản nhỏ dự phòng đến ra giêng.
“Cuối ngày hôm nay, hết đơn, mình có thể về quê với mẹ rồi. Mình sẽ mua một cành đào nhỏ chưng trong nhà để có không khí Tết”, Hướng chia sẻ.
Trách nhiệm với công việc
Tương tự Hướng, 10h ngày 29 Tết, Tạ Duyên (21 tuổi, Đại học Phương Đông) đang nhanh tay order và chuẩn bị gà rán, khoai tây chiên, rau nộm ra bàn cho khách ăn tại quán và khách mang đi.
Chia sẻ với Zing, Duyên cho biết cô đã đăng ký lịch làm xuyên Tết, chỉ nghỉ ngày mùng 1. Theo Duyên, bắt đầu từ ngày 30 Tết đến mùng 5, những nhân viên đi làm sẽ được lương gấp 3.
Bên cạnh đó, gắn bó với việc làm thêm này đã lâu, Duyên đăng ký đi làm ngày Tết đa phần vì trách nhiệm với công việc.
"Nhà mình dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị Tết xong từ mấy hôm trước rồi, nên cũng thảnh thơi hơn. Mấy ngày này, mình vẫn đăng ký đi làm, mệt nhưng vui, lại có thêm thu nhập. Nếu không đi làm, có khi ở nhà, mình chỉ đọc sách, nghịch điện thoại hoặc đi ngủ, rất phí thời gian", Duyên nói.
Duyên cho biết cô đã đăng ký lịch làm xuyên Tết, chỉ nghỉ ngày mùng 1. Ảnh: Ngọc Bích. |
Cửa hàng cũng chỉ cách nhà Duyên chưa đầy 1 km, chính vì vậy, bố mẹ nữ sinh cũng yên tâm khi con đi làm. Ngày mai (30 Tết), Duyên đăng ký làm ca tối để buổi sáng ở nhà chuẩn bị bữa cơm tất niên. 22h30, sau khi dọn dẹp cửa hàng, Duyên vẫn dư thời gian về nhà đón giao thừa cùng gia đình.
Anh Doãn Tiến, chủ cửa hàng nơi Duyên làm việc cho biết những ngày gần Tết, khách ra vào cửa hàng vẫn đều đều, đông nhất khoảng 10h-14h và 18h-21h.
Chính vì vậy, những nhân viên như Duyên sẽ bận hơn ngày thường, có hôm phải tăng ca khoảng 1 giờ. Hiểu rõ điều đó, ngoài lương cứng, những ngày sát Tết, anh Tiến tổ chức tất niên, chuẩn bị những phần quà nhỏ và kèm thưởng cho nhân viên.
"Số tiền không quá lớn, chủ yếu là để động viên các bạn. Mấy ngày Tết, thay vì nghỉ ngơi, các bạn lại chọn đi làm", anh Tiến nói.
Trước đó, chiều ngày 28 Tết, tại một quán cà phê ở Hà Nội, Mạnh Duy (sinh viên năm nhất, ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội) cũng đang tiếp tục ngày làm việc cuối cùng trong năm.
Quá 23h30 ngày 28 Tết, Mạnh Duy mới kết thúc ngày làm việc cuối cùng để nghỉ Tết. Ảnh: Ngọc Bích. |
"Nhà mình ở Hà Nội, nên không cần phải đi xa hay về quê như các bạn khác. Vì vậy, mình vẫn đăng ký đi làm để tăng số giờ làm việc, có thêm thu nhập xăng xe, cũng như có trách nhiệm với công việc của mình", Duy chia sẻ.
Khác với Duyên, những ngày này, các văn phòng nghỉ Tết, khách mua cà phê ở quán Duy làm ít hơn, bởi vậy, công việc của Duy nhàn hơn một chút. Tuy nhiên, cũng phải quá 23h30 ngày 28 Tết, nam sinh mới kết thúc ngày làm việc của mình và bắt đầu kỳ nghỉ.
Sách về ngày Tết
Zing giới thiệu đến bạn những cuốn sách nói về ngày Tết của người Việt xưa:
Việt Nam phong tục: Phan Kế Bính miêu tả rất kỹ các phong tục trong họ hàng, gia đình. Từ đó, những lớp trầm tích văn hóa được tôn lên, người đọc có thể cảm nhận được vẻ đẹp phong phú của một nền văn hóa lâu đời.
Hội hè lễ tết của người Việt: GS Nguyễn Văn Huyên đem đến một lối viết phóng khoáng, bay bổng trong các tiểu luận của mình ở Hội hè lễ tết của người Việt. Cuốn sách mở ra một không khí náo nhiệt và đượm màu sắc văn hóa của các ngày lễ Tết trên dải đất hình chữ S này.
Những trang viết về Tết Nguyên đán trong các cuốn sách mang tới những hiểu biết về phong tục, văn hóa truyền thống dân tộc. Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về phong tục ngày Tết, quý độc giả có thể tham khảo tại đây.