Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Nghi vấn đạo nhạc - tranh luận không dứt ở nhạc Việt

Giới chuyên gia nhận định ở ngành công nghiệp âm nhạc hiện giờ, việc sử dụng chung sample giữa các ca khúc rất phổ biến. Nó dẫn đến những nghi vấn đạo nhạc.

Dao nhac anh 1

Sao chép trong âm nhạc không phải chuyện mới. Trên thực tế, những tranh cãi về vấn đề này đã tồn tại lâu như chính ngành công nghiệp âm nhạc. Đạo nhạc không chỉ phổ biến mà còn là điều gần như không thể tránh khỏi vào mỗi thời điểm.

Và đạo nhạc đang tiếp tục là chủ đề nóng ở Vpop. Hàng loạt ca khúc vướng tranh cãi nhưng không phải nghệ sĩ nào cũng đưa ra lời giải thích.

Tranh cãi đạo nhạc liên tục nổ ra ở Vpop

Người ôm pháo hoa (Đông Nhi), Vũ trụ có anh (Phương Mỹ Chi) và Về với em (Võ Hạ Trâm) là những sản phẩm ra mắt gần đây. Điểm chung của cả 3 ca khúc là vướng nghi vấn đạo nhạc.

Khán giả cho rằng Người ôm pháo hoa giống ca khúc Trung Quốc Xem như gió chưa từng thổi quaSick Enough To Die phiên bản mới được MC Mong ra mắt cách đây một năm. Tuy nhiên, theo chia sẻ trước đó của ê-kíp, Người ôm pháo hoa dùng âm thanh đặc trưng từ một số bài hát khác ra mắt cách đây nhiều năm của Đông Nhi. Câu hát “I'm in love with you” trong bài Ngọt ngào cũng được DTAP đưa vào sản phẩm lần này. Do đó, tranh cãi ở trường hợp của Người ôm pháo hoa nhanh chóng được dập tắt.

Với Vũ trụ có anh, cũng do DTAP sản xuất, khán giả nhận xét phần hook của bài giống Cure For Me (Aurora). Bài hát này là sự hòa trộn của ca trù, ngũ cung đến phương Tây như disco. Giữa những nghi ngờ và tranh cãi quanh bài hát, Phương Mỹ Chi và DTAP không lên tiếng giải thích. Ở phần thông tin, tên của Aurora cũng không được nhắc đến. Do đó, khán giả đang thắc mắc đây là sự sao chép hay hai ê-kíp cùng sử dụng sample từ một nguồn.

Dao nhac anh 2

Ca khúc mới của Phương Mỹ Chi được cho là có phần hook giống Cure For Me (Aurora).

Trong khi đó, Về với em bị tố đạo nhạc Ấn Độ. Tuy nhiên, Võ Hạ Trâm khẳng định nhạc sĩ sáng tác chưa bao giờ nghe ca khúc Ấn Độ được nhắc đến. Cô cho biết thêm việc hai ca khúc trùng nhau 3 nốt là rất phổ thông và được sử dụng ở nhiều bài hát. Ngoài ra, Về với em và ca khúc Ấn Độ không có điểm tương đồng nào khác.

Trong thời gian trước, nhiều ca khúc khác vướng tranh cãi tương tự. Cuối năm 2022, Đáp án cuối cùng do ca sĩ Quân A.P phát hành cách được nhận xét có nhiều điểm tương đồng ca khúc tiếng Trung How You Have Been do ca sĩ Eric thể hiện. Khi đó, nhạc sĩ Phúc Thiện khẳng định anh không biết ca khúc How You Have Been.

Buồn không thể buông của Phí Phương Anh, RIN9, MiiNa khiến khán giả liên tưởng tới nhiều sản phẩm Kpop đình đám như On Rainy Days (BEAST), Happen (Heize), Sick Enough To Die (MC Mong)... Sau đó, RIN9 cũng phủ nhận việc đạo nhạc.

Trước đó, Chúng ta của hiện tại của Sơn Tùng bị xóa khỏi YouTube với lý do “bị tranh chấp bản quyền bởi GC”. Có chắc yêu là đây của anh cũng bị Robin Wesley, nhà sản xuất âm nhạc người Hà Lan tố tự ý sử dụng beat.

Hậu quả khi ngành công nghiệp âm nhạc thay đổi

Trên Vulture, trợ lý giáo sư nghệ thuật, trưởng bộ phận âm nhạc tại Viện âm nhạc thu âm Clive Davis kiêm nhà sản xuất, nhạc sĩ Jeff Peretz chỉ ra để xác định một bản nhạc có phải sản phẩm đạo nhái hay không dựa trên nhiều yếu tố như hòa âm, nhịp, giai điệu, phép nội suy, sampling, flipping, tái chế phong cách và lời bài hát.

Trong đó, giai điệu thường là yếu tố chính. Thông thường, đó là một chuỗi các nốt lặp đi lặp lại, xuất hiện trong giọng hát hoặc nhạc cụ. Ngày này, khán giả thường đặt nghi vấn một ca khúc là đạo nhạc khi thấy nó có giai điệu giống với bài hát khác họ từng nghe.

“Làm lại ca khúc là việc phổ biến trong quá trình tạo ra bài hát. Tuy nhiên, cần phân biệt giữa việc sao chép tốt (hợp pháp, có bản quyền, xin phép) và đạo nhạc bất hợp pháp, không biết xấu hổ”, Jeff Peretz cho biết.

Tuy nhiên, bản chất của ngành công nghiệp âm nhạc đang thay đổi, đặc biệt cách bài hát được viết và cách người hâm mộ nghe chúng. Điều này khiến những tranh cãi sao chép nổ ra thường xuyên hơn.

Trao đổi với Zing, nhạc sĩ Bằng Cường nhận định âm nhạc Việt đang theo xu hướng ngoại là viết nhạc trên beat, sample có sẵn.

Anh nói: “Điều này phổ biến từ nhiều năm trở lại đây. Thời gian gần đây tôi ít ra mắt ca khúc mới bởi không đi theo xu hướng viết lyric, melody trên các beat có sẵn từ nước ngoài. Thời bây giờ công nghệ hóa, nên cách sáng tác cũng nhanh. Chỉ cần nghe được một bản beat nước ngoài, nhạc sĩ sẽ lập tức nắm bắt, sử dụng nó và viết lời”.

Tuy nhiên, các beat nhạc nước ngoài không chỉ được bán cho một người, mà rất nhiều người khác. Bởi thế, việc dùng chung hòa thanh rồi thay đổi melody là điều rất dễ gặp ở các ca khúc. Theo nhạc sĩ Bằng Cường, cách sáng tác này nhanh hơn nhưng cũng dễ khiến khán giả có cảm giác lặp lại.

“Nhiều bài hát vướng tranh cãi đạo nhạc nhưng thực tế chỉ là sử dụng chung beat với ca khúc khác. Còn để kết luận một bài hát có phải đạo nhạc hay không, cần xem xét các nốt nhạc. Các nốt giống đến hết 50% thì mới xem xét là đạo”, nhạc sĩ nói thêm.

Nhà phê bình nhạc pop Kang Il Kwon cho biết việc sử dụng các beat nhạc, vòng hòa âm có sẵn tạo hiệu quả về số lượng nhưng có thể khiến nghệ sĩ trở nên "chai sạn" trong quá trình sáng tạo.

"Không ai phủ nhận sự tồn tại của sử dụng sample (nhạc mẫu) và tham khảo. Luôn có người đi trước tạo ra xu hướng và nhiều người khác chịu ảnh hưởng lớn từ xu hướng đó. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh khi các phương pháp này bị lạm dụng", chuyên gia nhận xét.

Một trường hợp khác có thể kể tới là vô tình bị ảnh hưởng. Nhiều nhạc sĩ không cố ý sao chép giai điệu của người khác, nhưng điều đó vẫn xảy ra. Các nghệ sĩ có thể đã nghe một giai điệu từ rất lâu. Nhiều năm sau, bộ não vô tình xuất hiện giai điệu đó, đánh lừa nhạc sĩ nghĩ đó là bản gốc của chính họ.

Khi ca khúc Kỳ vọng sai lầm do Tăng Phúc thể hiện được nhận xét giống On Rainy Days (2011) của nhóm nhạc Beast, Nguyễn Đình Vũ cho biết anh sử dụng vòng hòa thanh phổ thông của âm nhạc Hàn Quốc vào những năm đầu thập niên 2010. Do đó, khán giả dễ liên tưởng ca khúc khác khi nghe Kỳ vọng sai lầm.

Trao đổi với New States Man, nhạc sĩ, nhà sản xuất Tom Gray chỉ ra thêm lý do khác. Đó là việc có quá nhiều bài hát, thậm chí hàng nghìn ca khúc phát hành mỗi ngày. Nhạc sĩ thì phát hành ca khúc quá nhanh chóng, còn khán giả cũng được tiếp cận quá nhiều âm thanh trong một ngày. Chưa kể, các nền tảng thường sử dụng thuật toán đề xuất cho khán giả nghe những ca khúc có phong cách, dòng nhạc tương tự nhau. Do đó, khán giả dễ có cảm giác tương đồng khi nghe các bài hát hiện giờ.

Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc

Những nốt nhạc tỉnh thức ghi lại những khám phá của tác giả Tricia Tunstall, và những nỗ lực làm sáng tỏ khả năng gần như kỳ diệu của El Sistema để truyền cảm hứng cho mọi người. Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 viết về ban nhạc The Beatles từ những ngày đầu mơ mộng, đến đỉnh cao của vinh quang; giai đoạn thoái trào với nhiều thông tin, sự kiện thú vị.

Wham! - George & tôi: Hồi kí, Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu, Beethoven - Bản nhạc đam mê là những cuốn sách dành cho độc giả yêu âm nhạc tìm hiểu về những nhóm nhạc nổi tiếng thế giới cũng như có thêm góc nhìn mới mẻ, gần gũi về nền âm nhạc cổ điển.

Chi Pu xuất hiện trong trailer chương trình đình đám Trung Quốc

Thông qua trailer phát hành ngày 28/4, Chi Pu được xác nhận là một trong các thí sinh tham gia Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng mùa 4.

Đông Nhi phản hồi nghi vấn đạo nhạc

Khi một số khán giả đặt nghi vấn "Người ôm pháo hoa" đạo nhạc Trung Quốc, đại diện Đông Nhi phủ nhận. Theo đó, bài hát sử dụng âm thanh đặc trưng của nữ ca sĩ trong các hit cũ.

Bản nhạc chế từ bài thơ 'Lượm' bị gỡ bỏ

Bài nhạc chế từ bài thơ "Lượm" gây tranh cãi vì phần lời vô nghĩa, nhảm nhí. Trước phản ứng tiêu cực của dư luận, DJ FWIN quyết định xóa bỏ bản remix trên TikTok.

Thái Linh

Bạn có thể quan tâm