Thuê nhà nghỉ điều hòa cho con đi thi
Chỉ còn hai ngày nữa kỳ thi đại học năm 2014 chính thức bắt đầu. Vấn đề nhà trọ cho các phụ huynh và sĩ tử vẫn là vấn đề muôn thuở và xảy ra nhiều nghịch cảnh giữa sĩ tử nhà giàu và nhà nghèo. Trong khi, một số phụ huynh sẵn sàng thuê nhà nghỉ điều hòa với giá cao để cho con cái an tâm thi cử thì nhiều phụ huynh khác chật vật tìm phòng trọ giá rẻ tá túc.
Đang loay hoay đi tìm nhà nghỉ ở phố Trần Quốc Hoàn, chị Nguyễn Thanh (45 tuổi), quê ở Bắc Giang chia sẻ, gia đình không có điều kiện nhưng cả đời con gái mới thi đại học một lần nên muốn con được thỏa mái trước khi thi.
Nhiều phụ huynh và học sinh chật vật tìm phòng trọ. |
“Ở phòng trọ cũng bị chém đẹp, phòng xấu lại phải ở ghép mà điện nước bất tiện với giá vài trăm ngàn. Nhà nghỉ phòng rộng, điện nước thỏa mái, sạch sẽ lại có có điều hòa, an ninh tốt nên tôi chọn ở đây. Gá một phòng thường tăng gấp đôi, bình quân một ngày ở nhà nghỉ khoảng 500.000-700.000 đồng”, chị Thanh nói.
Lo sợ cháy nhà nghỉ trong mùa thi đại học, anh Huy Nhân (Cao Bằng) đã tham khảo giá cả và đặt phòng một nhà nghỉ ở đường Xuân La cho em gái thi đại học Nội vụ trước đó nửa tháng.
“Dù đặt trước giá không rẻ hơn là mấy nhưng tôi tìm được phòng ưng ý. Họ cam kết giữ phòng. Việc đặt trước sớm còn có phòng gần với địa điểm thi, đồng thời hạn chế việc di chuyển tiết kiệm được nhiều chi phí khác và không bị trễ giờ”.
Nhiều bậc phụ huynh lựa chọn nhà nghỉ điều hòa là nơi tá túc những ngày thi. |
Ngược lại, một số phụ huynh dẫn con lên thủ đô thi đại học lại chật vật với phòng trọ. Nhiều người dẫn con lỉnh kỉnh đống đồ đạc khắp các ngõ ngách tìm phòng giá rẻ nhưng không phải ai cũng lựa chọn được nơi nghỉ ngơi ưng ý.
Lần đầu tiên đưa con xuống Hà Nội tìm phòng trọ dịp mùa thi đại học, Anh Văn Quốc (Thái Nguyên) tỏ ra bỡ ngỡ khi đi rất xa địa điểm nơi con trai đi thi. Xung quanh trường ĐH Giao thông vận tải không còn phòng. Nghe nhiều người nói ở Nhổn còn, anh Quốc lặn lội xuống đó tìm.
“Thực tế 10 người chung một phòng 15m2 không bằng gian bếp ở quê. Cả xóm chung một nhà vệ sinh, điện nước không ổn định rất bất tiện. Họ thu mỗi người 100.000 đồng, tính ra mỗi phòng họ bỏ túi 800-1.000.000 đồng. Dù không thỏa mái nhưng đã đặt cọc tiền nếu không ở tôi sẽ không còn tiền ăn”, anh Quốc cho biết.
Cho ở miễn phí, phòng vẫn vắng
Trong khi rất nhiều phụ huynh và sĩ tử chật vật với việc tìm kiếm phòng trọ thì có nhiều hộ gia đình ở Hà Nội có lòng hảo tâm cho sĩ tử ở nhờ miễn phí thì phòng vắng.
Gia đình bà Kiều Thị Bích (54 tuổi) ở 57A Cửa Đông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã 5 năm cho sĩ tử ở miễn phí trong các kỳ thi tuyển sinh đại học. Trong suốt thời gian đó, bà Bích đã giúp cho hàng trăm em học sinh ở nhiều tỉnh thành khác nhau nơi ăn, chỗ ngủ để an tâm thi đại học.
Căn phòng rộng hơn 40m2 của gia đình bà Bích số 57 Cửa Đông (Hoàn Kiếm) vắng sĩ tử dù cho ở miễn phí. |
Xuất phát từ việc chứng kiến nhiều gia đình ở quê lên đưa con đi thi phải chịu cảnh chặt chém tại phòng trọ ở ghép với giá cắt cổ mà ăn uống, sinh hoạt không thỏa mái nên bà Bích quyết định dành toàn bộ diện tích tầng 3 làm nơi ở miễn phí cho các em. Toàn bộ đồ đạc từ giường, chiếu, chăn màn, quạt, bát đũa hay bếp đều có sẵn.
Tình trạng ở ghép, ở chung mùa thi đại học với giá cắt cổ. |
Những năm trước, có khoảng 40-50 sĩ tử liên hệ xin được ở nhờ trong mấy ngày thi thông qua đội tình nguyện hoặc liên hệ điện thoại trực tiếp. Hầu hết đều là những người ở tỉnh xa như: Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Giang... và đều là gia đình có hoàn cảnh. Có những phụ huynh trước khi lên thi đại học đã gọi điện đặt trước.
Năm nay tuy rất nhiều phụ huynh liên hệ nhưng đều thi ở các điểm rất xa như Sơn Tây, Thanh Trì, Thanh Xuân, việc đi lại rất bất tiện nên tới thời điểm hiện tại mới có một cháu tên Nguyễn Thị Diệu Hằng (18 tuổi) ở Lạng Sơn tới ở và thi trường Đại học Ngoại Thương. Phòng còn rất rộng có thể ở hàng chục người và đầy đủ đồ đạc nhưng năm nay vắng sĩ tử không như mọi năm.
“Tôi cũng tư vấn các cho các cháu điểm thi, nếu ở xa thì liên hệ với các hộ khác hoặc nhờ các đội tình nguyện. Trường hợp vẫn không có chỗ ở thì về ở đây và chịu khó đi thi sớm”, bà Bích chia sẻ.