Sun Zhan (25 tuổi) vừa tốt nghiệp ngành tài chính. Hiện anh làm nhân viên phục vụ tại một nhà hàng lẩu ở Nam Kinh, Trung Quốc. Ảnh: RachelYu/BBC. |
Sun Zhan (25 tuổi) vừa tốt nghiệp thạc sĩ tài chính. Dù từng mong muốn làm việc trong ngành ngân hàng đầu tư với mức lương cao, Sun hiện là nhân viên phục vụ tại một nhà hàng lẩu ở thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc).
“Tôi đã cố gắng tìm kiếm công việc đúng ngành, nhưng kết quả không được khả quan", anh chia sẻ.
Sun Zhan không phải trường hợp cá biệt. Tại Trung Quốc, không khó để bắt gặp những câu chuyện về một thợ sửa chữa tốt nghiệp thạc sĩ ngành vật lý, một nhân viên vệ sinh được đào tạo bài bản về quy hoạch môi trường, hay một tài xế giao hàng từng học triết học.
Thậm chí, một tiến sĩ tốt nghiệp từ Đại học Thanh Hoa, ngôi trường danh giá nhất Trung Quốc, cũng phải nộp đơn ứng tuyển làm cảnh sát dự bị. Đây là một thực trạng đáng buồn trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, và không thiếu những trường hợp tương tự, BBC đưa tin.
Giới trẻ Trung Quốc không tìm được công việc phù hợp với chuyên môn trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Ảnh: Xinhua. |
Mỗi năm, Trung Quốc đào tạo hàng triệu cử nhân, nhưng số lượng việc làm trong các lĩnh vực tiềm năng lại không đủ đáp ứng nhu cầu. Tình hình càng thêm căng thẳng khi nền kinh tế trì trệ và các ngành lớn như bất động sản, sản xuất đều đang gặp khó khăn.
Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ từng gần chạm mốc 20% trước khi chính phủ điều chỉnh cách tính để làm giảm con số thống kê. Vào tháng 8/2024, tỷ lệ này vẫn là 18,8%, và con số mới nhất vào tháng 11 đã giảm xuống còn 16,1%.
Tuy đã có sự cải thiện, nhiều người trẻ vẫn cảm thấy lo ngại về triển vọng công việc trong tương lai.
Không tìm được việc làm đúng ngành học, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp phải chấp nhận công việc không tương xứng với trình độ, dẫn đến áp lực từ gia đình và xã hội.
Khi Sun Zhan quyết định làm nhân viên phục vụ, anh đã không nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Họ mong muốn anh tìm một công việc ổn định hơn như công chức hoặc làm việc trong cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, Sun đã có kế hoạch riêng. Anh dự định tận dụng thời gian làm nhân viên phục vụ để học hỏi về kinh doanh nhà hàng, với hy vọng sẽ mở quán ăn riêng trong tương lai.
“Nếu thành công, có lẽ gia đình tôi sẽ thay đổi quan điểm”, anh nói.
Wu Dan (29 tuổi) cho biết cô không tìm được công việc tốt trong ngành tài chính. Hiện tại, cô đang là thực tập sinh tại một phòng khám trị liệu thể thao. Ảnh: RachelYu/BBC. |
Trong bối cảnh thị trường lao động khó khăn, nhiều người trẻ buộc phải thay đổi định hướng nghề nghiệp của mình.
"Nhiều sinh viên chọn học cao học để nâng cao cơ hội nghề nghiệp, nhưng thực tế lại không như họ mong đợi", giáo sư Zhang Jun từ Đại học Thành phố Hồng Kông (CityU) nhận định.
Wu Dan (29 tuổi) từng làm việc tại công ty giao dịch hàng hóa ở Thượng Hải sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tài chính từ Đại học Hồng Kông (HKU). Tuy nhiên, khi trở về Trung Quốc, cô không tìm được công việc phù hợp và quyết định chuyển hướng học nghề trị liệu chấn thương thể thao.
Wu thừa nhận rằng nếu không có sự hỗ trợ từ người bạn đời, cô khó có thể sống ở Thượng Hải với mức lương hiện tại. Ban đầu, gia đình không ủng hộ quyết định của cô, nhưng mẹ cô đã thay đổi quan điểm sau khi được cô trị liệu giảm đau lưng.
“Họ nghĩ rằng với nền tảng học vấn của tôi, tôi không nên chọn công việc chân tay với mức lương thấp như vậy", cô chia sẻ.
Giờ đây, Wu cảm thấy môi trường làm việc trong ngành tài chính không còn phù hợp với bản thân. Cô yêu thích công việc hiện tại và mong muốn một ngày nào đó có thể mở phòng khám riêng.
Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đến Hoành Điếm để làm diễn viên quần chúng. Ảnh: CTi News. |
Trong bối cảnh khó khăn, nhiều cử nhân tìm đến các công việc tạm thời, chẳng hạn như diễn viên quần chúng tại phim trường nổi tiếng Hoành Điếm (trấn Hoành Điếm, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc).
Wu Xinghai (26 tuổi) tốt nghiệp ngành Kỹ thuật thông tin điện tử và hiện đóng vai vệ sĩ trong một bộ phim truyền hình. Anh cho biết công việc của mình chủ yếu là đứng cạnh nhân vật chính mà không có lời thoại.
Wu cũng chia sẻ rằng nhiều người đến đây làm việc tạm thời trong vài tháng trước khi tìm được công việc ổn định. Dù thu nhập không cao, anh vẫn cảm thấy thoải mái và tự do với lựa chọn của mình.
Tương tự, Li hiện cũng là diễn viên quần chúng dù từng theo học đạo diễn và biên kịch.
“Vì còn trẻ nên tôi đến đây tìm việc. Khi có tuổi hơn, tôi sẽ kiếm một công việc ổn định", Li chia sẻ.
Nhiều người trẻ lo lắng rằng mình sẽ không thể tìm được công việc tốt và phải chấp nhận những vị trí không như kỳ vọng. Họ cảm thấy lo lắng về tương lai do thiếu niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế.
Wu Dan cho biết những người bạn của cô dù đã có việc làm nhưng vẫn cảm thấy bất an.
“Họ không biết mình sẽ giữ được công việc trong bao lâu. Nếu mất việc, họ cũng không biết mình phải làm gì tiếp theo”, cô nói.
Dù vậy, cô vẫn lạc quan và cho biết sẽ để mọi thứ diễn ra tự nhiên và dần khám phá điều mình thực sự muốn làm.
Theo cuốn sách 20-30 tuổi càng nhiều cố gắng càng lắm may mắn của Liêu Trí Phong, giai đoạn từ 20 đến 30 tuổi là thời điểm quan trọng để tích lũy kinh nghiệm và phát triển bản thân, tạo nền tảng vững chắc cho tương lai. Tuy nhiên, một số bạn trẻ lựa chọn môi trường làm việc ít cạnh tranh hơn để tìm kiếm sự ổn định, dù điều này có thể hạn chế cơ hội phát triển và cảm giác giá trị trong công việc.