Nghịch lý đó là số lượng sản phẩm mới ra mắt càng nhiều, những tranh cãi, nghi vấn về chuyện đạo nhái cũng theo đó tăng lên.
Liên tiếp những vụ tranh cãi đạo nhạc, ý tưởng
Chưa xét đến ý tưởng hình ảnh, tính riêng tranh cãi đạo nhạc, Vpop năm 2016 đã có ít nhất 10 sản phẩm vướng nghi án. Gây xôn xao nhiều nhất trong số đó có thể kể tới Chúng ta không thuộc về nhau, Anh cô đơn quá (Sơn Tùng M-TP), Don’t You Go (Vũ Cát Tường), Get Down (Isaac), Trách ai bây giờ (Đông Nhi),…
Với trường hợp Sơn Tùng M-TP, trước đó, anh đã có rất nhiều ca khúc vướng nghi án. Tuy nhiên, gây tranh cãi nhiều nhất khiến giới chuyên môn phải vào cuộc, còn khán giả quốc tế lên án thì chỉ có Chúng ta không thuộc về nhau. Ca khúc này bị so sánh với We Don’t Talk Anymore, một ca khúc quốc tế rất hot ở thời điểm đó do Charlie Puth, Selena Gomez thể hiện.
Sơn Tùng M-TP tiếp tục vướng nghi án đạo nhạc trong năm 2017. |
Thậm chí, khi ấy, chủ nhân của We Don't Talk Anymore bản remix là DJ Heyder cũng lên tiếng tố cáo Sơn Tùng trên trang cá nhân.
Sau khi liên tiếp vướng tranh cãi đạo nhái, Sơn Tùng tạo ác cảm trong công chúng yêu nhạc. Thậm chí, nhiều người gọi anh là "thánh đạo nhạc" và hễ ra sản phẩm nào, nam ca sĩ lập tức bị "mổ xẻ". Do đó, sang năm 2017, cả 3 ca khúc của nam ca sĩ đều bị so sánh với nhạc nước ngoài.
Nơi này có anh bị nghi đạo nhạc Galaxy của Bolbbalgan4, trong khi Bình yên những phút giây bị so sánh với Closer của The Chainsmokers và Halsey. Tuy nhiên, không xôn xao như những vụ việc trước đó, ca khúc mới của giọng ca Thái Bình nhanh chóng thoát khỏi tranh cãi khi người sản xuất và đồng nghiệp của nam ca sĩ lên tiếng giải thích.
Đặc biệt, khi nghi án bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội, số đông cũng bênh vực giọng ca sinh năm 1994, khác hẳn phản ứng họ dành cho anh trong những vụ việc trước.
Ngoài Sơn Tùng, nhiều ca sĩ khác bị tố đạo nhạc khiến Vpop không khi nào được "bình yên". Thậm chí, số lượng nghi án còn tăng so với năm trước.
Bốn tháng nữa mới kết thúc năm, thế nhưng Vpop đã có ít nhất 9 tranh cãi liên quan đến việc sao chép, trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng như Yêu là tha thu do Only C sáng tác và thể hiện. Bản hit này bị đánh giá là có phần điệp khúc quá giống Simple Love của Joyce Chu và Michiyo Ho.
Tiếp đó, Love me too được Đông Nhi phát hành vào tháng 2 bị so sánh với Candyman của Zedd và Aloe Blacc. Sau đó, Có nơi đó chờ em do nữ ca sĩ và bạn trai Ông Cao Thắng thể hiện tiếp tục bị chỉ ra điểm giống với ca khúc Eyes, nose, lips của nam ca sĩ Hàn Quốc Taeyang.
Tháng 7 là thời điểm rộn ràng nhất của làng nhạc Việt tính từ đầu năm đến nay. Liên tiếp các ca sĩ, đặc biệt là giọng ca nữ trở lại với sản phẩm mới. Tuy nhiên, tỷ lệ thuận với số ca khúc ra mắt, tranh cãi đạo nhái cũng theo đó tăng lên.
Trong bối cảnh ấy, từ được mong chờ nhất, Mỹ Tâm trở thành người gây tranh cãi nhất khi vướng nghi án đạo nhạc. Nữ ca sĩ thể hiện ca khúc Đâu chỉ riêng em do Khắc Hưng sáng tác. Tuy nhiên, cùng lượt xem lớn và sự đón nhận của khán giả, sản phẩm này cũng phải đối mặt với phản ứng trái chiều. Nhiều người cho rằng bài hát quá giống Tình lay động nhói đau của một ca sĩ Trung Quốc, nhất là phần điệp khúc.
Vụ việc của nữ ca sĩ, sau đó là nghi án sao chép MV Hymn For The Weekend của Lưu Hương Giang trong Đừng buông tay trở thành một trong những vấn đề được giới âm nhạc quan tâm nhất những ngày qua.
Những sự trùng hợp ngẫu nhiên
Trong vụ việc của Mỹ Tâm, người sáng tác ca khúc là Khắc Hưng bị dư luận chỉ trích nhiều hơn cả. Đặc biệt, đây là lần thứ 3 nhạc sĩ trẻ vướng nghi án đạo nhạc trong năm 2017, sau Ghen do Erik, Min thể hiện và Ánh nắng của anh (Đức Phúc). Do đó, thái độ nghi ngờ của công chúng yêu nhạc đối với anh càng tăng lên.
Tuy nhiên, thay vì im lặng như vụ việc của Đức Phúc, "cha đẻ" Sau tất cả lập tức lên tiếng giải thích. Khắc Hưng khẳng định ngay cả anh cũng bất ngờ và bối rối trước sự giống nhau của 2 ca khúc. Tuy nhiên, anh nhấn mạnh chưa từng nghe bài hát tiếng Hoa trước khi sáng tác sản phẩm mới của Mỹ Tâm, do đó, sự tương đồng chỉ là trùng hợp.
Đương nhiên, lời giải thích của một người vướng liên tiếp 3 nghi án không thể làm thỏa mãn số đông. Chỉ đến khi họ có câu trả lời thỏa đáng từ chủ nhân của ca khúc nhạc Hoa Tình lay động nhói đau, vụ việc mới thực sự lắng xuống.
Nam ca sĩ Hải Sinh cho rằng hai ca khúc chỉ giống nhau ở một, hai câu phụ họa, do đó không thể kết luận sản phẩm của Mỹ Tâm là đạo nhạc.
Mỹ Tâm vướng tranh cãi đạo nhạc với ca khúc mới. |
Sự trùng hợp trong nghệ thuật tuy khó tin nhưng đây là lần thứ 2 nó xảy ra ở Vpop. Năm 2016, sau khi bị tố đạo bản nhạc không lời Rain in the park của Marika Takeuchi, Vũ Cát Tường cũng đưa ra những bằng chứng nhằm chứng minh tất cả chỉ là sự trùng hợp.
Ban đầu, những điểm tương đồng với Rain in the park đã đẩy Vết mưa vào những nghi ngờ, tranh cãi, bởi ca khúc của Vũ Cát Tường phát hành sau bản nhạc Nhật gần 1 năm.
Sau đó, Vũ Cát Tường chủ động liên hệ với Marika Takeuchi, đồng thời gửi cho cô những bằng chứng cho thấy bản demo Vết mưa thực chất đã được gửi tới nhạc sĩ hòa âm từ tháng 6/2013, tức trước khi Rain in the park ra mắt.
Cuối cùng, vụ việc kết thúc trong êm đẹp khi Marika Takeuchi khẳng định sau khi sử dụng một phần mềm, cô cũng nhận thấy thời điểm bản demo của Vết mưa ra mắt thực sự là 6/2013 như Vũ Cát Tường nói.
Quẩn quanh những vòng hòa âm
Giữa muôn vàn nghi án chưa được người trong cuộc giải đáp, việc một vài nhạc sĩ lên tiếng chứng minh ca khúc của mình chỉ là trùng hợp với nhạc nước ngoài còn cho thấy một vấn đề khác ngoài câu chuyện đạo nhạc. Đó chính là sự quẩn quanh, nhàm chán của làng nhạc Việt khi sử dụng những vòng hòa thanh đại trà, "nuông chiều" khán giả.
Trở lại trường hợp Khắc Hưng, khi sáng tác mới của anh giống ca khúc nhạc Hoa, nhạc sĩ trẻ thừa nhận lý do là bởi cả 2 đều phát triển trên một vòng hòa âm đại trà, từng được sử dụng trong nhiều bài hát khác như Only love hay Phía sau một cô gái. Và các ca khúc có cùng vòng hòa âm thì khó tránh khỏi sự tương đồng.
"Vòng hòa âm như một cái khuôn có sẵn được sử dụng trong nhiều ca khúc. Những bài hát sử dụng chung vòng hòa âm nghe lần đầu tiên có thể sẽ tạo nên cảm giác dễ thuộc, dễ nghe. Một số người nghe nhạc khó tính sẽ yêu cầu cao hơn, nhưng phần lớn ca khúc hướng đến số đông thì đều theo một công thức", Khắc Hưng giải thích.
Ca khúc của Mỹ Tâm là lần thứ 3 Khắc Hưng bị nghi đạo nhạc trong năm 2017. |
Nhạc sĩ trẻ cho biết mình hoàn toàn có thể sáng tác nên những vòng hòa âm mới. Tuy nhiên, việc sử dụng vòng hòa âm có sẵn "cũng như một trong những 'mánh khóe' để tạo ra những bản hit, dễ nghe, dễ thuộc, được số đông khán giả ưa chuộng".
"Vòng hòa âm không có giới hạn nhưng nó cũng như xu hướng thời trang. Ví dụ, 10 năm trước mốt quần ống loe, nhưng 10 năm sau thì không ai mặc nữa. Đến 10 năm sau đó, mốt này có thể sẽ quay trở lại. Vòng hòa âm cũng vậy, có thể sẽ được ưa chuộng trong một thời gian và bây giờ lại quay trở lại", Khắc Hưng nói thêm.
Nhà sản xuất Slim V cũng đồng tình với quan điểm trên. Anh nói: "Trí nhớ của con người hoạt động theo pattern (khuôn mẫu). Âm nhạc hiện đại sử dụng lối viết chu kỳ ngắn lặp đi lặp lại để khiến bài hát dễ nhớ (catchy - dễ nắm bắt). Chính lối viết nhạc này cộng với việc sử dụng chung một vòng hòa âm (giai điệu khi viết ra phải dựa vào hòa âm) khiến các sản phẩm âm nhạc ngày nay rất dễ bị giống nhau".
Slim V cũng nhấn mạnh rằng việc việc sử dụng chung vòng hòa âm rất phổ biến và không hề sai trái.
Đương nhiên, khi âm nhạc dành cho người nghe, và nhất là nhạc thị trường luôn hướng đến, đáp ứng số đông thì việc sử dụng những chất liệu quen thuộc, dễ nghe và dễ nhớ là điều có thể hiểu được.
Nhưng thực trạng cứ có sản phẩm mới ra lò là có nghi ngờ của Vpop mấy năm nay không khỏi khiến người trong nghề cũng như một bộ phận khán giả băn khoăn. Tư duy "mỳ ăn liền" này sẽ đưa nhạc Việt đi tới đâu?