Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghiêm cấm bắt trẻ 'chín ép'

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng nguyên nhân dẫn đến thực trạng học trước lớp 1 là do phụ huynh muốn con mình đạt thành tích cao, không thua thiệt bạn bè.

Trước tình trạng dạy trước chương trình lớp 1, ông Nguyễn Vinh Hiển, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: "Quan điểm của Bộ GD-ĐT thể hiện ở nhiều văn bản chỉ đạo là không cho phép các cơ sở giáo dục, giáo viên dạy trước chương trình lớp 1.

"Tôi cũng mong rằng cha mẹ học sinh hãy vì quyền lợi chính đáng của con em mình mà cộng tác với ngành, không bắt các cháu phải học trước chương trình lớp 1", Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.

Hiệu trưởng các trường tiểu học phải có trách nhiệm chỉ đạo và giám sát giáo viên thực hiện đúng yêu cầu về chuyên môn trong việc dạy học và giáo dục học sinh, không để tình trạng giáo viên gây áp lực cho những học sinh không học trước, hoặc tổ chức dạy thêm, học thêm trái quy định để dạy vượt chương trình.

Hàng năm, trong chỉ đạo nhiệm vụ năm học, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng nhắc lại việc này, yêu cầu các sở GD-ĐT kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, tình trạng học trước chương trình lớp 1 vẫn tiếp diễn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự lơ là, thiếu kiên quyết xử lý của các cấp quản lý giáo dục, đặc biệt là hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, ý thức của một bộ phận giáo viên.

Ngoài ra, có một phần nguyên nhân từ phía cha mẹ học sinh do tâm lý sợ con mình thua thiệt bạn bè, muốn con mình đạt thành tích học tập cao.

Việc chấn chỉnh để chấm dứt tình trạng học trước lớp 1 phải được giải quyết cả từ phía các cơ quan quản lý, nhà trường và thầy cô giáo".

Một tiết học của học sinh lớp 1 trường tiểu học Trương Quyền, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng.

- Có ý kiến cho rằng học sinh buộc phải “học trước lớp 1” vì chương trình học quá tải, ông giải thích thế nào về ý kiến này?

- Chương trình giáo dục tiểu học hiện hành xây dựng cho học sinh học một buổi/ngày. Nhưng hiện nay tại nhiều thành phố lớn, các khu vực kinh tế - xã hội phát triển, phần lớn học sinh tiểu học đã được học hai buổi/ngày...

Ngoài chương trình chính khóa theo quy định, học sinh được tổ chức các hoạt động giáo dục, hướng dẫn học, rèn luyện thêm.

Trên thực tế, việc dạy trước chương trình lớp 1 hoặc dạy thêm trong năm học thường chỉ có nhiều ở đô thị, nơi điều kiện học tập của học sinh có nhiều thuận lợi.

Vì thế nếu lấy lý do “chương trình quá tải” để dạy thêm, học thêm hoặc buộc học sinh phải học trước là không đúng.

Bên cạnh quy định cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học, cấm dạy trước chương trình lớp 1, Bộ GD-ĐT đã có quy định giáo viên không được phép ra thêm bài tập về nhà đối với học sinh đã học hai buổi/ngày tại trường.

Đặc biệt, việc đổi mới kiểm tra đánh giá đối với học sinh tiểu học đang nhận được nhiều ủng hộ của xã hội.

Theo đó, giáo viên sẽ thay chấm điểm bằng nhận xét đối với học sinh trong quá trình dạy học để tránh gây căng thẳng, tránh việc phụ huynh, học sinh phải chạy đua để đạt điểm tốt.

Quy định mới của Bộ GD-ĐT cũng bỏ quy định xếp danh hiệu học sinh giỏi theo tiêu chí chung. Thay vào đó, giáo viên sẽ có nhiều hình thức khen thưởng, khích lệ đối với cả học sinh giỏi và học sinh yếu kém nhưng đã và đang có tiến bộ, khen thưởng học sinh theo năng lực, sở trường, theo các hoạt động, thành tích cụ thể của học sinh.

Những quy định của Bộ GD-ĐT đều nhằm hướng đến mục tiêu giảm áp lực căng thẳng cho học sinh, tăng cường mối quan hệ giữa thầy cô giáo và phụ huynh, học sinh để cùng giáo dục.

Những quy định này cũng gián tiếp tác động để giảm tình trạng ép buộc học sinh học thêm ngoài nhà trường, học trước chương trình, chạy đua có danh hiệu để chạy trường, chạy lớp ở các bậc học cao hơn.

Thực tế đã có nhiều trường, nhiều giáo viên thực hiện rất tốt và sáng tạo các quy định này.

- Hiện nay vẫn có nhiều phụ huynh cho rằng cho con học trước chương trình lớp 1 thì yên tâm hơn. Xin ông cho biết đứng ở góc độ quyền lợi của người học, vì sao nên cấm việc dạy trước này? Điều kiện đủ để trẻ 6 tuổi vào học lớp 1 thế nào?

- Việc dạy trước không chỉ khiến trẻ bị cắt xén thời gian vui chơi và các hoạt động cần thiết cho lứa tuổi mà còn khiến nhiều trẻ mang tâm lý chủ quan, dẫn đến việc học đuối dần khi vào chương trình chính thức.

Trên thực tế còn cho thấy nhiều trẻ học trước không được uốn nắn đúng cách nên ngay từ đầu đã bị lệch lạc, mang tâm lý sợ học.

Đã nhiều năm quản lý giáo dục tiểu học, tôi thấy rõ rằng nếu những cháu nào bị sai từ lớp 1 là rất khó sửa. Cha mẹ có con chuẩn bị vào lớp 1 phải rất lưu ý điều này, nếu vì sốt sắng cho con học trước mà hướng dẫn sai thì hậu quả sau này rất nặng nề.

Tuy nhiên, kể cả khi cô giáo dạy trước theo đúng chuẩn mực thì việc đi học đó cũng là “chín ép”. Ép sớm thì ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của trẻ, về khoa học giáo dục, đủ chín thì mới bước sang được giai đoạn khác.

Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta đưa ra quy định lứa tuổi nào thì học mầm non, lứa tuổi nào thì học tiểu học... Trẻ 6 tuổi đạt yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non hiện hành đều đủ điều kiện vào học lớp 1 mà không cần thiết phải học thêm bất cứ chương trình nào khác.

- Bộ GD-ĐT đã có quy định nhưng ở các địa phương, các nhà trường vẫn xảy ra tình trạng dạy trước chương trình, tại sao lại như vậy? Với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD-ĐT, theo ông, Bộ GD-ĐT cần tiếp tục làm gì?

- Cùng với việc ban hành các quy định, Bộ GD-ĐT cũng sẽ trực tiếp có các đợt kiểm tra bất kỳ hoặc theo địa chỉ, nơi xảy ra tiêu cực đã được phản ánh để yêu cầu các sở GD-ĐT xử lý.

Tuy nhiên về lâu dài, việc thực hiện đúng các yêu cầu chuyên môn của bậc học, yêu cầu đổi mới đánh giá học sinh, yêu cầu tổ chức dạy học hai buổi/ngày, mở rộng các mô hình dạy học tích cực... tình trạng dạy thêm học thêm trái phép, dạy trước chương trình sẽ giảm.

Trong các hội nghị giao ban vùng, hội nghị giám đốc sở GD-ĐT hàng năm, nội dung chấn chỉnh tiêu cực trong ngành GD-ĐT, trong đó có dạy trước chương trình, cũng được đặt ra để xem xét việc hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo các sở GD-ĐT.

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20141006/nghiem-cam-bat-tre-chin-ep/654508.html

Theo Vĩnh Hà/Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm