Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Nghiên cứu về 69 ca nhiễm nCoV sau tiêm vaccine lên tạp chí quốc tế

Sự kiện 69 nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM mắc Covid-19 khiến nhiều người thay đổi suy nghĩ rằng vaccine giúp cơ thể miễn nhiễm với biến thể Delta.

Tại Việt Nam, đến giữa năm nay, đa số đều tin rằng sau khi tiêm đủ liều vaccine Covid-19 (AstraZeneca, Pfizer, Moderna) thì sẽ an toàn, không mắc Covid-19.

Tuy nhiên, điều này đã không còn đúng khi xuất hiện biến chủng Delta và sự kiện 69 nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM mắc Covid-19 dù đã tiêm đủ 2 liều vaccine.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trước là Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết để làm rõ hơn về biểu hiện lâm sàng, diễn tiến virus học, mức độ kháng thể trung hòa trên nhóm nhân viên y tế này, các nhà khoa học của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng, Đại Học Oxford (Anh), đã phối hợp thực hiện khảo sát.

Nghiên cứu vừa được đăng trên trang EClinical Medicine của tạp chí y khoa The Lancet.

Từ ngày 11/6 đến 26/6, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM phát hiện tổng cộng đơn vị này có 69 người nhiễm nCoV từ 20/34 khoa phòng, tỷ lệ dương tính là 8% (69/866). Đáng chú ý, đa số họ đã được tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Mũi đầu tiên được tiêm vào ngày 8/3, mũi 2 tiêm sau đó 6 tuần.

nhiem nCoV sau tiem vaccine anh 1

Quân đội phun khử trùng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trong thời điểm bệnh viện tạm thời phong tỏa. Ảnh: Duy Hiệu.

Phân tích rõ hơn về đặc điểm của ca mắc Covid-19 dù đã tiêm vaccine, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu các chỉ số tải lượng virus, giải trình tự gene, lấy máu và đo kháng thể SARS-CoV-2 của 62 bệnh nhân nói trên (7 người không tham gia nghiên cứu).

Kết quả nghiên cứu cho thấy tất cả đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, chỉ một người cần thở oxy mũi trong 3 ngày vì khó thở. Điều này cho thấy đã tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm biến thể Delta và xảy ra tình huống lấy nhiễm cho người khác. Tuy nhiên, vaccine đã mang hiệu quả trong việc chống lại tình trạng diễn biến nặng.

Đặc biệt, tải lượng virus ở các bệnh nhân nhiễm biến thể Delta này cao gấp 251 lần so với chủng virus SARS-CoV-2 trước đây. Thời gian từ khi mắc bệnh đến chẩn đoán PCR âm tính lâu hơn, khoảng là 21 ngày.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng kết luận nhóm bị nhiễm có nồng độ kháng thể trung hòa thấp sau khi tiêm chủng và khi được chẩn đoán. Tuy nhiên, nồng độ kháng thể trung hoà cao hay thấp không liên quan với tải lượng virus trong mũi họng.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học xác định sự lây nhiễm lan rộng do 3 yếu tố. Thứ nhất là tải lượng virus khi nhiễm biến thể Delta cao vượt trội.

Thứ hai là các văn phòng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM thường được trang bị máy điều hòa không khí không có hệ thống thông gió cơ khí, có thể tạo điều kiện cho việc truyền virus. Thứ ba là việc đeo khẩu trang trong văn phòng làm việc tại thời điểm này không bắt buộc.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là đơn vị tuyến cuối điều trị các bệnh nhiễm trùng khu vực phía Nam, có quy mô 550 giường, khoảng 900 nhân viên y tế và 34 phòng ban.

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu là các y bác sĩ, nhà khoa học thuộc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, gồm: TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu và các đồng sự. Đại diện Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng, Đại Học Oxford (Anh), có PGS.TS Lê Văn Tấn và nhóm nghiên cứu OUCRU Covid-19.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trước là Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết hành trình công bố kết quả này cũng đầy khó khăn, ngay trong thời điểm khó khăn nhất của đợt dịch bùng phát lần 4. Bài báo nêu lên vấn đề rất nóng vào thời điểm ghi nhận nhiều nhân viên Bệnh viện mắc Covid-19.

"Cảm ơn những bệnh nhân đã đồng ý tham gia vào nghiên cứu này, đây là những bệnh nhân đặc biệt vì cũng chính là anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp của chúng tôi. Tất cả đã cùng nhau tự cách ly, tiếp tục công tác chuyên môn điều trị và phòng chống dịch, nghiên cứu khoa học ngay trong vòng phong tỏa và sau đó", TS Châu chia sẻ.


TP.HCM còn hơn 1,6 triệu người cần tiêm vaccine Covid-19 mũi 2

Để nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới, TP.HCM đang tích cực đẩy nhanh tiến độ tiêm đủ 2 liều vaccine cho người dân cư trú trên địa bàn.

Cách phân biệt cảm cúm và Covid-19 Dù các triệu chứng khá giống nhau, người dân có thể phân biệt cảm cúm và Covid-19 dựa trên dấu hiệu đau họng ban đầu và mất mùi vị sau khoảng một tuần.

Dịch Covid-19

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm