Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

NGND Tôn Thân: ‘Đừng biến học sinh năng khiếu Toán thành ông cụ non’

NGND Tôn Thân cho biết một trong 5 hành trang cần chuẩn bị cho học sinh năng khiếu Toán là tuổi trẻ. Do đó, giáo viên đừng biến các em thành "ông cụ non", chỉ biết cắm đầu học.

NGND Tôn Thân - “người thầy của những học sinh giỏi Toán” - cho rằng các năng khiếu Toán học, ngôn ngữ, âm nhạc, thể thao thường xuất hiện sớm nhưng đó chỉ là mầm mống tài năng. Muốn thành nhân tài, cống hiến cho xã hội, các em cần được tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ theo một quy trình khoa học, chặt chẽ, đồng bộ.

Tại Hội thảo quốc tế về Giáo dục Toán học do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức, NGND Tôn Thân đưa ra hai vấn đề về đào tạo năng khiếu Toán là chuẩn bị hành trang đầy đủ, cần thiết và phát hiện, bồi dưỡng các thành tố cơ bản của năng lực sáng tạo - một trong những năng lực cốt lõi cần có của con người.

Hoc sinh nang khieu Toan anh 1

NGND Tôn Thân có nhiều học trò nổi tiếng, thành công như GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn, TS Hoàng Lê Minh, ông Hoàng Nam Tiến, TS Nguyễn Đăng Quang, TS Đặng Hoàng Giang... Ảnh: UTS.

5 hành trang cho học sinh năng khiếu Toán

NGND Tôn Thân cho rằng hành trang thứ nhất là sức khỏe thể chất, tinh thần. Các em cần có cơ thể khỏe mạnh, chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, rèn luyện khoa học hợp lý để có sức bền, dẻo dai, sau này có thể tham gia hoạt động học tập, trải nghiệm với khối lượng lớn, cường độ cao. Cùng đó là nghị lực, ý chí khắc phục khó khăn, thái độ lạc quan, tích cực với cuộc sống.

Hành trang thứ hai là nghệ thuật. Học sinh năng khiếu Toán cần có hiểu biết ban đầu và tình yêu với nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật, văn học, điện ảnh).

Nghệ thuật kích thích trí tưởng tượng, óc sáng tạo, làm cho tâm hồn các em phong phú, tình cảm trong sáng, tình yêu cuộc sống mãnh liệt hơn.

“Học sinh năng khiếu Toán không thể chỉ cắm đầu làm Toán mà phải được trang bị cả những kiến thức về nghệ thuật nữa”, ông nhấn mạnh.

Hành trang thứ ba là mục đích. Ngay từ trên ghế trường THCS, học sinh cần xác định cho mình mục đích dài hạn, mục tiêu ngắn hạn là cái đích để mình theo đuổi.

Theo NGND Tôn Thân, xác định mục đích, mục tiêu cần trở thành thói quen khi học bất kỳ môn học nào, làm việc gì. Mục đích học tập gắn với ước mơ trong tương lai, giúp các em có thêm động lực phấn đấu. Mục đích cao cả tiếp cho người ta sức mạnh niềm tin, năng lượng để làm những việc rất lớn.

Hành trang thứ tư là đam mê. Ông cho rằng thầy giáo giỏi phải truyền cảm hứng cho học trò, nuôi dưỡng niềm đam mê học hỏi không mệt mỏi.

Ông khẳng định đam mê là nhiên liệu cho ý chí, biến những điều các em phải học, phải làm thành điều muốn học, muốn làm. Đam mê giúp các em sẵn sàng chấp nhận rủi ro, vượt qua mọi khó khăn, khao khát đạt mục tiêu đề ra.

Hành trang thứ năm được nhà giáo Tôn Thân đề cập là tuổi trẻ. Ở điểm này, ông lưu ý các thầy, cô không biến những học sinh năng khiếu Toán thành "ông cụ non", lúc nào cũng chỉ biết cắm đầu vào học, mất hết sự hồn nhiên của tuổi thơ.

Ông dẫn ra nghiên cứu của một nhà toán học Pháp ở thế kỷ 19, thống kê những vở kịch thành công của các nhà viết kịch trong suốt sự nghiệp của họ.

Kết quả cho thấy sức sáng tạo không tăng lên cùng kinh nghiệm. Các nhà viết kịch không viết ngày càng hay. Sức sáng tạo có xu hướng đạt đỉnh cao sau vài năm làm việc, khi họ viết đủ nhưng không quá nhiều, sau đó đi xuống.

Tuy nhiên, cũng theo NGND Tôn Thân, một nhà tâm lý học người Mỹ lại khẳng định con người có thể tiếp tục sáng tạo trong cả sự nghiệp chừng nào họ còn nỗ lực duy trì góc nhìn của người trẻ tuổi.

“Sự trẻ trung thường gắn với suy nghĩ tươi mới, không bị cản trở bởi thói quen. Điều này thuận lợi cho suy nghĩ sáng tạo. Vì thế, học sinh còn trẻ nhưng chúng ta phải làm các em trẻ nữa, có cách nhìn thật trong sáng, suy nghĩ thật tươi mới”, ông nêu quan điểm.

Hoc sinh nang khieu Toan anh 2

Các nghiên cứu trong nước và quốc tế chỉ ra 4 thành tố của năng lực sáng tạo là kiến thức, tưởng tượng và trực giác, tư duy sáng tạo và phản biện, xúc cảm sáng tạo. Ảnh minh họa: Giáo dục & Thời đại.

Bốn thành tố của năng lực sáng tạo

NGND Tôn Thân đánh giá học sinh năng khiếu Toán vốn thông minh, đạt kết quả tốt trong học tập môn này, có kiến thức các phân môn, liên môn tương đối toàn diện. Các em ham học, say mê học Toán, tò mò, có khả năng tưởng tượng tốt, tư duy linh hoạt.

Tuy nhiên, đây chỉ là biểu hiện ban đầu, tiềm năng. Nếu không có sự tác động từ giáo dục, rèn luyện, năng khiếu đó mãi là tiềm năng. Để biến tiềm năng thành năng lực thật sự, học sinh cần được bồi dưỡng 4 thành tố chủ yếu của năng lực sáng tạo - năng lực then chốt để khẳng định vị thế của một người, một quốc gia hay một xã hội.

Thành tố đầu tiên là kiến thức, bao gồm kiến thức chung tức kiến thức phổ thông các môn học do nhà trường trang bị, kiến thức chuyên sâu về môn học, lĩnh vực, kiến thức liên môn, kinh nghiệm thực tiễn thu được qua trải nghiệm. Kiến thức là cơ sở, nguyên liệu cho trí tưởng tượng và trực giác.

Thành tố thứ hai là tưởng tượng và trực giác. NGND Tôn Thân giải thích biểu tượng là hình ảnh của sự vật được giữ lại trong trí nhớ và hình thức cao nhất của biểu tượng là trí tưởng tượng.

Trong khi đó, theo quan điểm triết học, trực giác là năng lực nắm bắt trực tiếp chân lý, không cần lập luận logic trước. Trực giác là kết quả của sự dồn nén trí tuệ và tri thức dẫn đến sự bùng nổ bằng nhiều thao tác tư duy phát triển ở trình độ khác nhau. Trong nhận thức khoa học, trực giác có vai trò to lớn, thể hiện tính sáng tạo cao.

“Nếu không có trí tưởng tượng và trực giác, học sinh khó có thể tiếp thu được khái niệm toán học, các hình tượng nghệ thuật, không thể đưa ra các dự đoán tính chất của đối tượng nghiên cứu. Đây là chất xúc tác cho quá trình phát triển tư duy sáng tạo và tư duy phản biện”, ông nhận định.

Thành tố thứ ba là tư duy sáng tạo, tư duy phản biện. Tư duy sáng tạo là dạng tư duy độc lập, tạo ý tưởng mới độc đáo, có hiệu quả cao trong giải quyết vấn đề và có các thành tố chính gồm tính mềm dẻo, thuần thục, độc đáo.

Tư duy phản biện là cách suy nghĩ có chủ định, xây dựng và hoàn thiện thái độ hoài nghi tích cực trong việc phân tích, đánh giá thông tin đã có theo cách nhìn khác cho vấn đề đặt ra nhằm đi đến một phán đoán, kết luận bằng lập luận có căn cứ.

Thành tố thứ tư - xúc cảm sáng tạo. Xúc cảm là thái độ, thể hiện rung cảm của con người đối với sự vật hiện tượng và hiện thực.

NGND Tôn Thân khẳng định dạy học theo hướng phát triển năng lực sáng tạo cần có phương pháp sư phạm, trong đó lấy người học làm trung tâm, tích cực hóa hoạt động học tập, cá nhân hóa, cá biệt hóa việc học, tạo môi trường học tập thân thiện, bình đẳng, khuyến khích sự hợp tác, khơi gợi được hứng thú, phù hợp vùng phát triển gần của học sinh.

Học sinh được trao quyền làm chủ quá trình học tập của mình, coi trọng quá trình sáng tạo hơn sản phẩm sáng tạo. Thầy, cô chú trọng các trải nghiệm, trò chơi nhằm nuôi dưỡng đam mê, xúc cảm sáng tạo, khả năng phán đoán, tưởng tượng cho học sinh. Họ cần tạo môi trường, điều kiện để năng lực sáng tạo của học sinh nâng dần lên cao hơn.

Học sinh Việt Nam được đánh giá cao ở 3 lĩnh vực

So với học sinh của Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Phillippines, học sinh Việt Nam đứng đầu ở 3 lĩnh vực Toán, Đọc hiểu và Viết.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm