Triệu chứng bệnh bị “che mờ”
Theo cảnh báo của các chuyên gia, tình trạng vi khuẩn kháng thuốc khiến bệnh viêm phổi diễn tiến rất nhanh, chỉ sau 24-48 giờ đã trở nặng, mặc dù trước đó bác sĩ khám phổi vẫn không phát hiện bệnh. Nhiều ca bị viêm phổi nhưng không có triệu chứng sốt, chỉ ho hay sốt nhẹ thoáng qua.
Trẻ dưới năm tuổi mỗi năm có thể mắc các bệnh hô hấp từ năm-tám lần. Hệ hô hấp của trẻ đang trong thời kỳ hoàn thiện, rất dễ nhiễm bệnh hô hấp khi giao mùa. Điều đáng lo ngại, bệnh diễn tiến nặng xảy ra trên tất cả các đối tượng bệnh nhi, từ những trẻ có thể trạng tốt đến suy dinh dưỡng, béo phì, suy giảm miễn dịch (mắc bệnh mạn tính khác). Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng, một phần do cha mẹ tự ý mua thuốc điều trị; sử dụng lại toa thuốc cũ hoặc không tuân thủ điều trị, ngưng thuốc không đúng chỉ định…
ThS-BS Trần Thị Thu Loan, Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 2 cho biết: “Khi trẻ bị ho và vẫn chơi bình thường, ăn uống tốt, chỉ cần cho bé uống si rô thảo dược trị ho. Tuy nhiên, sau ba ngày dùng mà bé vẫn còn ho, hãy đưa trẻ đi khám bệnh để được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn cụ thể”.
Một số phụ huynh thường tự ý mua thuốc kháng viêm cho trẻ uống, nên các triệu chứng bị che mờ. Các bác sĩ cảnh báo, không nên dùng toa thuốc cũ hoặc tự ý ngưng thuốc khi thấy trẻ có dấu hiệu giảm bệnh. Khi trẻ mắc bệnh hô hấp, bác sĩ cho dùng kháng sinh ba ngày liên tục mà không thuyên giảm, cần phải tái khám để đổi thuốc hoặc chụp X-quang phổi.
Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng cho trẻ khi bị bệnh và khi khỏi bệnh cần đặc biệt lưu ý đến đủ bốn nhóm thực phẩm cần thiết, song song với việc tăng cường đạm và béo, không nên dùng quá nhiều chất bột đường…
Lạm dụng thuốc tâm thần, dễ gây nghiện
ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang - Giám đốc Trung tâm Giám định tâm thần pháp y TP.HCM chia sẻ: “Tôi từng gặp không ít bệnh nhân lạm dụng thuốc, đặc biệt trong các trường hợp mất ngủ, bồn chồn, lo âu. Trầm cảm là một bệnh lý cần có sự tư vấn lâu dài, đồng thời phải uống thuốc theo chỉ định và theo dõi của các bác sĩ. Các thuốc điều trị hướng tâm đều có chứa chất gây nghiện, nếu uống trong một thời gian dài không theo chỉ định, có thể nghiện thuốc. Các dấu hiệu cảnh báo bị nghiện thuốc: phải sử dụng liều cao mới có hiệu quả; phải dùng thuốc sau bữa tối nhưng bệnh nhân không thể đợi và dùng ngay sau bữa ăn xế…”.
Theo một báo cáo của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, chỉ tính riêng năm 2010, 940.000 phụ nữ Mỹ đã phải nhập viện cấp cứu vì sử dụng thuốc quá liều, đặc biệt là các loại thuốc ngủ. Uống quá liều thuốc ngủ có thể khiến bạn ngủ dài hơn, sâu hơn, nhưng khi bạn tỉnh dậy sẽ không ý thức được việc đã sử dụng thuốc ngủ quá liều. Các chuyên gia khuyến cáo, dùng thuốc quá liều, đặc biệt là kháng sinh liều cao, có thể gây ra phản ứng mẫn cảm - dị ứng, nặng hơn có thể dẫn đến gây độc cho gan, đau dạ dày, suy tủy, suy thận, điếc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng do sốc thuốc.
Đau là dấu hiệu của nhiều bệnh. Nếu dùng thuốc giảm đau bừa bãi, có thể làm cho việc chẩn đoán bệnh gặp khó khăn, đặc biệt trong chẩn đoán viêm ruột thừa cấp. Khi có bất cứ một triệu chứng đau nào, nhất là cơn đau ngày càng nặng, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để xác định đúng nguyên nhân, điều trị kịp thời.