Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngộ độc chì: Bề nổi của tảng băng

Theo trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) mấy năm gần đây, bình quân mỗi năm tiếp nhận gần 1.300 người đến khám do có biểu hiện ngộ độc kim loại chì.

Gia tăng các ca ngộ độc chì

Từ năm 2013 đến nay, số bệnh nhân đến khám ngộ độc chì tại Bệnh viện Bạch Mai vẫn ở mức báo động. Cụ thể, trong số 797 bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc chì đến khám thì có 179 trẻ em có hàm lượng chì trong máu cao hơn mức cho phép.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, những con số trên mới chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” do đến nay chưa có nghiên cứu đầy đủ nào về số người bị ngộ độc chì trong cả nước.

Theo các nghiên cứu nhỏ lẻ của Trung tâm Chống độc, nguồn lây nhiễm chủ yếu được cho là từ thuốc cam chữa tưa lưỡi, sơn có nhiễm chì và từ các làng nghề tái chế chì. Trẻ em bị ngộ độc chì chủ yếu do sử dụng thuốc cam của thầy lang để chữa tưa lưỡi.

Khi trẻ đến khám, gia đình có mang theo mẫu thuốc cam và xét nghiệm thì cho thấy có đến 80% thuốc cam có chứa chì. Hầu hết thuốc cam các gia đình dùng cho con đều mua hàng trôi nổi, không rõ xuất xứ nguồn gốc (46,8%); mua của các thầy lang hành nghề không phép và thuốc không được đăng ký (31,7%). Qua xét nghiệm một số mẫu thuốc cam do bệnh nhân mang đến, có mẫu thuốc chứa tới 80% hàm lượng là chì, các mẫu còn lại trung bình từ 20-30% là chì.

Chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai.

PGS, TS Phạm Duệ, nguyên giám đốc trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, phơi nhiễm chì gây nên 0,6% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Trên thế giới mỗi năm có 600.000 trẻ em bị khuyết tật trí tuệ từ tiếp xúc với chì; 99% trẻ em bị ảnh hưởng bởi phơi nhiễm chì mức độ cao là thuộc các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Tại Việt Nam, hiện chưa có thống kê đầy đủ về tình trạng này nhưng qua những ca bệnh trong mấy năm vừa qua, nhiều trẻ bị co giật chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến trí tuệ.

PGS, TS Phạm Duệ đã kể cho chúng tôi nghe một trường hợp cháu bé 5 tuổi bị ngộ độc chì. Trước khi ngộ độc cháu nhanh nhẹn, phát triển bình thường, sau khi được người lớn cho uống thuốc cam cháu đã bị ngộ độc co giật. Kể từ đó trở đi việc phát triển trí tuệ của cháu rất khó khăn. 11 tuổi cháu mới biết tự lấy quần áo đi tắm; 17 tuổi có sự hỗ trợ của cô giáo riêng cháu mới viết được những chữ đầu tiên… Ngộ độc chì thực sự là một thảm họa”, PGS, TS Phạm Duệ trăn trở.

Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có điều tra chính thức nào về nguồn lây nhiễm chì. Bởi vậy nguồn lây nhiễm chì từ sơn là khái niệm còn rất lạ với nhiều người. Chính vì vậy, Tuần lễ thế giới phòng, chống ngộ độc chì năm 2014 đã lấy chủ đề hãy loại bỏ những loại sơn có chứa kim loại chì và những nguồn chì gây nhiễm độc khác. PGS, TS Phạm Duệ cảnh báo, nếu sử dụng các loại sơn nhiễm chì trong phòng ngủ của trẻ thì sẽ bị nhiễm độc chì qua đường hít thở. Những trẻ em này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ và tinh thần.

Nếu trẻ nhiễm độc ở mức độ nhẹ thì thường khó tính, dễ cáu bẳn, hay quấy, khóc hoặc bướng bỉnh, nghịch ngợm, không chịu nghe lời. Ở mức độ nặng hơn thì có thể bị liệt cơ, mềm nhũn chân tay, thiếu máu, co giật và hôn mê.

Rất dễ lây nhiễm chì

Nếu như ngộ độc chì ở trẻ em đa phần do sử dụng thuốc cam thì người trưởng thành mắc bệnh đa phần do môi trường lao động. Và sơn là nguồn gây ngộ độc chì thường gặp nhất và đang được các nước phát triển tăng cường kiểm soát. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc quản lý lây nhiễm kim loại chì từ nguồn này vẫn đang bị bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng khó có thể biết loại sơn nào có chứa kim loại chì ở mức cao.

Vẫn theo một nghiên cứu của Trung tâm Chống độc thì một nguồn lây nhiễm chì nữa là tại những làng nghề tái chế chì bằng biện pháp thủ công như làng Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Tại đây, hầu hết người lớn và trẻ em trong làng được xét nghiệm đều có lượng chì trong máu cao hơn mức cho phép. Đối với người lớn nhiễm độc chì thường chán ăn, mất ngủ, đau đầu, thiếu máu, suy giảm sức khỏe, suy giảm trí nhớ và giảm năng suất lao động.

Đặc biệt, việc điều trị thường gặp nhiều khó khăn do kéo dài lâu ngày. Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), năm 2010 có khoảng 40.000 tấn ắc-quy chứa kim loại chì đã được thải ra môi trường. Dự báo năm 2015, con số này sẽ là gần 70.000 tấn. Đây là nguồn lây nhiễm chì rất lớn cho con người.

Chì tồn tại ở khắp mọi nơi và luôn có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng nói chung và trẻ em nói riêng. Các chuyên gia y tế cho rằng, trẻ em thường hấp thụ chì nhiều hơn người lớn. Trong khi, người lớn nhiễm độc chì có thể chữa khỏi hoàn toàn thì trẻ em phải chịu hậu quả rất nặng nề, thậm chí có thể tàn tật suốt đời. Lý do là vì kim loại chì tích lũy lâu dài trong xương của trẻ và phải điều trị nhiều lần.

Để phòng, chống ngộ độc chì, PGS, TS Phạm Duệ khuyến cáo, các bậc cha mẹ không nên cho con uống thuốc không rõ nguồn gốc từ các thầy lang. Nếu muốn thì nên tìm đến các hiệu thuốc có đăng ký rõ ràng hoặc sử dụng những bài thuốc được cấp phép. Không nên sử dụng các vật dụng liên quan đến chì như ắc-quy chì thải loại, sơn có chì, đồ chơi có chứa chì. Khi chọn sơn nhà, người tiêu dùng cần tìm hiểu mua những loại sơn không chứa chì. Nếu cha mẹ làm việc trong môi trường có chì, trước khi tiếp xúc với trẻ phải tắm, gội, thay quần áo sạch để tránh lây nhiễm chì cho trẻ.

http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/dieu-tra/ngo-doc-chi-be-noi-cua-tang-bang/330660.html

Theo Thu Hương/Báo Quân Đội Nhân Dân

Bạn có thể quan tâm