Cách đây không lâu, Khánh An (25 tuổi) tìm hiểu các phương pháp làm đẹp giúp xóa mờ tàn nhang và nám ở 2 bên gò má.
Phương pháp đốt laze tại các trung tâm thẩm mỹ được khuyến nghị nhiều nhất nhưng lại có giá khá cao, khoảng 2 triệu đồng/lần bắn và kéo dài ít nhất 10 buổi.
Trong lúc đắn đo, cô vô tình xem được đoạn clip giới thiệu trên mạng về loại kem có thể xóa mờ, đánh bay tàn nhang, nám trong vòng 3 tháng mà giá chỉ 500.000 đồng. Cô quyết định mua sau khi xem quá trình hồi phục của những khách hàng trước và nhờ người bán tư vấn.
Thế nhưng, chỉ sau hơn 1 tháng sử dụng, Khánh An thấy da mặt bắt đầu nóng đỏ, nổi mụn li ti và râm ran ngứa khắp vùng mặt. Tới khi đi thăm khám chuyên sâu, cô mới biết mình bị nhiễm corticoid dạng nhẹ.
Khánh An bị nhiễm độc corticoid trên da mặt vì mua sản phẩm trôi nổi. |
“Bác sĩ da liễu cho biết thành phần thuốc bôi kia có chứa corticoid. Chất này làm nhanh mỏng da, khiến da giữ nước nên người dùng tưởng sẽ nhanh chóng hết sạm, nám sau khi sử dụng. Thế nhưng, không phải ai cũng biết hậu quả khi sử dụng quá liều.", cô nói.
Sau khi được bác sĩ tư vấn, Khánh An duy trì chăm sóc da bằng các biện pháp xông hơi tự nhiên, làm dịu da mặt, đồng thời tránh ánh nắng để các nốt tàn nhang, nám không xuất hiện đậm thêm.
Cô cũng không còn hứng thú, thậm chí cảm thấy kinh hãi mỗi nhìn thấy clip quảng cáo sản phẩm hay mẹo điều trị, chăm sóc da trên TikTok.
“Tôi thực sự mệt mỏi. Chỉ vì không tìm hiểu kỹ và ham rẻ, giờ tôi mới tốn kém như thế này”, cô chia sẻ.
Sự bùng nổ của TikTok nói riêng và mạng xã hội nói chung đã sinh ra vô số trào lưu nguy hiểm. Không ít người rơi vào cảnh "tiền mất tật mang" vì làm theo những mẹo vặt hoặc mua sản phẩm chưa được kiểm chứng do các TikToker quảng cáo, giới thiệu.
Tới khi gặp sự cố, họ khó có thể lên tiếng, khiếu nại, đành âm thầm tìm cách chạy chữa hoặc tự giải quyết vấn đề.
Ngạt thở vì nghe theo TikToker
Nguyễn Quỳnh Ngân (31 tuổi), nhân viên truyền thông ở TP.HCM, từng bắt chước các TikToker dán băng dính vào miệng với hy vọng có một đêm ngon giấc. Theo hướng dẫn, việc dán 1-2 miếng băng dính y tế sẽ giúp người dùng không bị khô miệng, chống ngáy, ngủ tốt hơn.
Ngoài ra, việc này còn được khuyên dùng cho những người mắc các bệnh hô hấp, tránh mệt mỏi sau khi ngủ dậy, trị chứng sương mù trí não, quầng thâm dưới mắt…
Chia sẻ với Zing, Quỳnh Ngân cho biết nhiều “bác sĩ TikTok” giới thiệu cách này. Qua các từ khóa như “băng dính miệng”, “ngủ dán miệng” hay “băng dính chống ngáy”, không khó để tìm thấy các clip hướng dẫn thực hiện đính kèm đường dẫn mua sản phẩm.
Quỳnh Ngân liên tục bị tắc nghẽn đường hô hấp khi thử trào lưu dán băng dính vào miệng. |
Thấy biện pháp có thể xử lý được chứng khô miệng, ngủ ngáy, Quỳnh Ngân liền mua 2 loại băng dính khác nhau để dùng thử.
Từ lần đầu sử dụng, cảm giác có miếng băng dính trên miệng khiến cô cảm thấy rất khó chịu, nhưng được người bán khuyên rằng “sẽ quen sau 1 tuần sử dụng”. Thế nhưng, đêm đó, cô liên tục bị tắc nghẽn đường hô hấp, thức dậy nhiều lần giữa đêm vì khó thở. Sáng hôm sau, đầu cô váng vất vì mệt mỏi.
“Tôi cảm thấy rõ mình bị ngưng thở trong lúc ngủ. Nhưng do tiếc tiền mua băng dính, tôi cắn răng thử 2 đêm nữa”, Quỳnh Ngân, người có tiền sử bệnh xoang, cho biết.
Cuối cùng, cô bỏ cuộc khi thấy giấc ngủ của mình trở nên nặng nề hơn, khó thở hơn.
Thực tế, trào lưu này đã bị nhiều bác sĩ trên thế giới cảnh báo. Thậm chí, các chuyên gia y tế khẳng định nó nằm trong số những trào lưu “nguy hiểm nhất” trên mạng xã hội hiện nay, theo New York Post.
Tiến sĩ David Culpepper, bác sĩ đa khoa ở Lexington (bang Kentucky, Mỹ), nói với Fox News việc "cố tình làm tắc nghẽn đường hô hấp trong khi ngủ là một ý tưởng khủng khiếp”.
Chuyên gia giấc ngủ James Wilson thì khẳng định dán miệng bằng băng dính “có thể góp phần gây ra các vấn đề nghiêm trọng như bệnh tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đột quỵ, đặc biệt nếu bạn mắc chứng ngưng thở khi ngủ”.
Mẹo làm đẹp, cải thiện sức khỏe chưa được kiểm chứng có thể gây nguy hiểm cho người dùng. Ảnh: Polina Kovaleva/Pexels. |
Một lần khác, Quỳnh Ngân cũng gặp tai nạn khi học theo “bí quyết chữa mụn đầu đen vùng mũi tại nhà đơn giản và miễn phí” của các TikToker.
Đầu tiên, cô xông hơi và làm sạch vùng mũi bằng cây nặn mụn. Sau đó, cô áp chiếc thìa được đặt trong ngăn đá suốt 30 phút lên mũi. Nhưng chỉ được một lúc, vùng da bị bỏng lạnh, buốt, đỏ ửng và phồng lên.
“Sau 3 ngày, tình trạng vẫn không thuyên giảm nên tôi phải gặp bác sĩ da liễu. Da tôi thuộc dạng nhạy cảm, nên khi da bị lạnh đột ngột cộng với việc tự nặn mụn kém an toàn, bỏng lạnh là điều khó tránh khỏi”, cô kể lại.
Sự cố khiến Quỳnh Ngân mất gần 2 triệu đồng, bao gồm tiền thuốc và 4 lần tới bệnh viện để xử lý vùng da bị bỏng lạnh đó.
Cô cũng “cạch mặt” các mánh làm đẹp, chăm sóc da được gợi ý trên TikTok. Quỳnh Ngân cho rằng không chỉ cô mà bất cứ ai không có kiến thức y tế đều có thể bị lừa làm theo.
"Chỉ với một hành động đơn giản mà đem lại quá nhiều lợi ích, lại được giới thiệu bởi nhiều người nên khán giả rất dễ bị thuyết phục. Tôi đã tự rút ra kinh nghiệm, không còn tin những lời khuyên của các bác sĩ, y tá rởm trên TikTok nữa", cô kết luận.
Ngộ độc thực phẩm
Bạn gái Uy Vũ (27 tuổi, TP.HCM) có sở thích nấu nướng và nhiều lần làm theo mẹo vặt trên TikTok. Mỗi lần đi siêu thị, họ tốn không ít tiền mua nguyên vật liệu nhưng thành phẩm đều không thể ăn được.
Có lần, bạn gái anh xem một clip hướng dẫn ăn bắp cải sống cùng sinh tố bơ xay và quyết tâm thực hiện nó. Tất nhiên, anh là sẽ là người thưởng thức món ăn này.
Uy Vũ từng ngộ độc thực phẩm khi ăn món bạn gái làm theo công thức nấu nướng lan truyền trên mạng. |
“Thương người yêu hì hục cả tối trong bếp, dĩ nhiên tôi cũng ngại từ chối. Thế nhưng, món ăn thật sự rất tệ từ màu sắc, hương vị… Tôi không thể nuốt nổi", anh kể lại.
Kết quả, họ phải bỏ đi hơn 1,5 kg bắp cải, 2 kg bơ, sữa, đường, mật ong và nhiều nguyên liệu khác.
Thế nhưng, đây chưa phải là trải nghiệm tồi tệ nhất của Uy Vũ. Ở lần khác, anh phải nhập viện trong đêm vì bị ngộ độc thực phẩm.
“Lần đó, người yêu tôi xem TikTok và quyết định nấu món dưa hấu hầm thịt bò. Ngoài việc hương vị dở tệ, bác sĩ cho biết dưa hấu và thịt bò là những thực phẩm kỵ nhau, không thể kết hợp cùng. Thế nhưng, sẽ không ai trên TikTok nói cho bạn biết điều đó”, anh chia sẻ.
Các video gắn hashtag #TikTokFood (tạm dịch: Ẩm thực TikTok) đã thu về tổng cộng 25,2 tỷ lượt xem và ứng dụng này thường xuyên tạo ra những cơn sốt đồ ăn lan truyền.
Tuy nhiên, không phải tất cả thứ gì dễ làm theo cũng đáng được bắt chước hay nhân rộng. Vô số thử thách, công thức nấu ăn trên TikTok khiến người xem kinh hãi.
Tiến sĩ Dana Hunnes đến từ Trường Y tế Công cộng UCLA Fielding (Mỹ) chứng kiến nhiều trào lưu ăn uống hoặc công thức nấu nướng trên nền tảng đã trực tiếp gây ra các vấn đề có hại cho sức khỏe mọi người.
"Tôi thực lòng khuyên những người trẻ không nên tham gia bất kỳ thử thách hay trào lưu ăn uống nào trên Internet", bà nói.
Bác sĩ Dendy Engelman, chuyên về da liễu và phẫu thuật thẩm mỹ, nói với New York Times rằng TikTok có thể tồi tệ hơn các nền tảng khác bởi "nhiều người khao khát tạo nội dung viral mà không thèm quan tâm đến cơ sở khoa học".
Rất nhiều tài khoản còn đưa ra lời khuyên như chuyên gia y tế dù không có bằng cấp liên quan.
“Thật buồn cười vì mọi người thường rất rụt rè khi thử các phương pháp điều trị của bác sĩ. Thế nhưng, họ sẵn sàng bắt chước hành động của sao mạng mới 18 tuổi”, ông Engelman nói.
Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa Niket Sonpal (New York, Mỹ) cho biết phần lớn mẹo chăm da hay cải thiện sức khỏe lan truyền trên TikTok đều không có bằng chứng cho thấy chúng hiệu quả. Thậm chí, chúng có thể gây nguy hiểm cho người dùng.
Nhiều chuyên gia y tế hy vọng rằng công ty đứng sau nền tảng mạng xã hội này nên đặt cảnh báo "chưa được kiểm chứng" hoặc "không nên thử tại nhà" ở các clip mẹo làm đẹp, cải thiện sức khỏe phản khoa học.
Song song với đó, họ mong muốn mọi người sẽ tìm đến bác sĩ thật để chữa trị, xin lời khuyên sức khỏe thay vì đặt niềm tin vào các video trôi nổi trên TikTok.
"Chúng tôi có thể tư vấn và hướng dẫn bạn chi tiết hơn đoạn clip 60 giây kia", bác sĩ Sonpal nói.