Ngô Hồng Quang là nghệ sĩ gắn liền với âm nhạc dân tộc Việt Nam. Anh có thể chơi được nhiều nhạc cụ khác nhau và sở hữu chất giọng đặc sệt dân gian.
Nếu theo dõi Ngô Hồng Quang trên con đường hoạt động âm nhạc độc lập, không khó để nhận thấy anh là người chủ trương đưa chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam đến gần với tai nghe công chúng thông qua cách giải mã đậm chất cá nhân và đương đại.
Ngô Hồng Quang là một trong những nghệ sĩ gắn liền với âm nhạc dân tộc. Ảnh: NVCC. |
Album Nam nhi lần này cũng không ngoại lệ. Album dành riêng cho quan họ kết nối với những nhạc cụ phương tây thông qua ngũ tấu đàn dây. Ở đây, Ngô Hồng Quang không hát đúng theo lối cổ nhưng vẫn giữ đúng các luyến láy và phát âm, nhả chữ đậm chất Bắc Bộ.
Ngô Hồng Quang cho biết khi quan họ kết hợp với ngũ tấu đàn dây sẽ tựa như một chiều kích âm nhạc khác đối với người nghe - chiều kích tất yếu khi các giá trị truyền thống hòa vào hành trình sáng tạo âm nhạc đương đại..
Nam Nhi là một album gồm 10 ca khúc đặc biệt về quan họ (một dạng thức hát đối dân gian trữ tình ở Bắc Ninh và Bắc Giang, phía Bắc Việt Nam) và âm nhạc dân gian miền núi phía Bắc Việt Nam.
Với sự trở lại lần này, thông qua việc kết hợp giữa chất liệu truyền thống và các yếu tố đương đại mới mẻ, Ngô Hồng Quang đã giải phóng bản thân bằng cách không tuân theo lối hát nguyên gốc mà kết hợp với sự truyền cảm của dàn dây Tây phương và beat-boxing, cũng trong khi vẫn thực hiện nghiêm cẩn những lề lối trong lời ca quan họ đặc trưng ở phía Bắc Việt Nam.
Ngô Hồng Quang chia sẻ, anh thích làm những sản phẩm kết hợp giữa truyền thống và hiện đại như vậy, hơn là những công việc mang tính bảo tồn, “bảo tàng”.
Theo nam nghệ sĩ, đó cũng là một cách để tiếp cận lứa công chúng trẻ, mục đích muốn các bạn trẻ tìm hiểu về âm nhạc dân tộc, văn hóa truyền thống của người Việt Nam càng nhiều càng tốt.
Ngô Hồng Quang cho biết khai thác chất liệu truyền thống kết hợp với những yếu tố mới tạo là tiền đề để album Nam nhi ra đời. |
Quan họ là hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên phổ biến ở Kinh Bắc, tức là vùng đất phía Bắc kinh thành Thăng Long - Hà Nội, nay thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Quan họ luôn mang tính trữ tình, da diết.
Giai điệu liên tục xuất hiện các thủ pháp luyến láy như một nét đặc trưng. Sự độc đáo của quan họ còn bởi lời ca tha thiết yêu đương, khát khao hạnh phúc.
Đặc trưng của quan họ hát đối ca khách phái. Hát giữa đôi nam với đôi nữ, hoặc bọn nam (tốp nam) với bọn nữ. Có thể hát ở hội làng, hát trên thuyền hoặc hát canh. Nghệ nhân quan họ thường chỉ gặp nhau một năm một hoặc hai lần vào mùa xuân hoặc thu trong các dịp trọng đại, chẳng hạn ngày hội làng.
Một cuộc hát quan họ phải đủ ba chặng, còn gọi là ba giọng. Lề lối là chặng mở đầu với những câu ca cổ có kỹ thuật cao. Giọng vặt - chặng hát phong phú nhất - bởi chặng này là sự đối đáp bằng âm nhạc, lời ca. Giã bạn, hay chặng kết, là lời tạm biệt trước khi chia tay.
Từ nửa cuối thế kỷ 20, quan họ được khai thác và được đưa lên sân khấu ca hát chuyên nghiệp. Từ đây, quan họ có thêm hình thức hát đơn ca và có nhạc cụ đệm.
Ngô Hồng Quang cho biết khai thác chất liệu truyền thống kết hợp với những yếu tố mới tạo là tiền đề để album Nam nhi ra đời.