Một bài đăng của tài khoản Gallery Boss’s Backyard Garden với nội dung rao bán tác phẩm nghệ thuật đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng xứ tỷ dân.
Bài viết được đăng tải ngày 9/12 trên mạng xã hội Trung Quốc Xiaohongshu, bao gồm hình ảnh một bức tranh từ loạt tác phẩm Nymphéas (Hoa súng) của danh họa người Pháp Claude Monet. Nội dung bài viết khẳng định: “Có vẻ như chưa ai từng bán tranh Hoa súng của Monet trên Xiaohongshu trước đây".
bài đăng bán tranh Monet trên Xiaohongshu. Ảnh: SCMP. |
Gao Zhen Yu (Trung Quốc), chủ tài khoản, đồng thời là chủ phòng tranh Gao’s Fine Art đặt tại Avignon (Pháp), cho biết ông sở hữu đầy đủ hồ sơ về 7 đời chủ sở hữu trước đây của bức tranh cũng như lịch sử trưng bày của tác phẩm, theo South China Morning Post.
Trên website chính thức, Gao’s Fine Art tự giới thiệu có trụ sở tại nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh, Thái Nguyên, Tây An (Trung Quốc) và Mauritius.
Phòng tranh này khẳng định đang nắm giữ hơn 5.000 tác phẩm nghệ thuật hiện đại và đương đại, bao gồm các kiệt tác của những tên tuổi lớn như Pablo Picasso, Marc Chagall, Jean Dubuffet, Keith Haring, và các danh họa cổ điển như Peter Paul Rubens, Eugène Delacroix, Pierre-Auguste Renoir, cùng với Claude Monet.
Tuyên bố về việc rao bán tranh Monet trên nền tảng mạng xã hội đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng Trung Quốc, phần lớn bày tỏ sự hoài nghi về tính xác thực của tác phẩm. Nhiều người đặt câu hỏi liệu Xiaohongshu có phải là nơi phù hợp để thực hiện giao dịch các tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ như vậy.
Bài đăng đầu tiên của phòng tranh đã thu hút hơn 20.000 lượt tương tác, phần lớn từ những người dùng nghĩ rằng đây chỉ là một chiêu trò quảng cáo.
Tuy nhiên, vào ngày 17/12, một tài khoản khác mang tên Ours Gallery tiết lộ rằng một người mua (chỉ được xác định bằng họ Tian) đã liên hệ sau khi xem bài đăng của Gao Zhen Yu và mua tác phẩm với giá vài trăm triệu NDT.
Chủ phòng tranh Gao’s Fine Art sau đó chia sẻ ảnh chụp màn hình một đoạn hội thoại tin nhắn giữa ông và người mua. Nội dung đoạn tin nhắn cho thấy người khách họ Tian đã xác nhận giao dịch mua tranh và sắp xếp vận chuyển tác phẩm đến Thụy Sĩ.
Dù vậy, tính xác thực của thông tin này vẫn đang gây tranh cãi. Theo The Independent, phòng tranh chưa cung cấp thêm thông tin chi tiết nào về giao dịch này.
Phòng trưng bày Gao’s Fine Art ở Pháp. Ảnh: Gao’s Fine Art. |
Được biết, chi tiết bức tranh trong bài đăng trùng khớp với thông tin trong Catalogue Raisonné, một danh mục tổng hợp và chú thích các tác phẩm của danh họa Claude Monet. Danh mục này, do Viện Wildenstein (Pháp) biên soạn và xuất bản lần đầu vào năm 1996, ghi nhận lần xuất hiện gần đây nhất của bức tranh này là tại buổi đấu giá mùa xuân của nhà Christie’s ở London (Anh) vào năm 1976.
Dẫu vậy, câu chuyện cũng gợi nhắc về vấn đề tranh giả đang tràn lan trên thị trường nghệ thuật trực tuyến.
Đầu năm nay, một chuyên gia trong lĩnh vực giám định đã phát hiện tới 40 bức tranh giả mạo được rao bán trên eBay, trong đó có những tác phẩm được cho là của Monet và Renoir.
Điều này làm dấy lên lo ngại về tính xác thực của các giao dịch nghệ thuật trực tuyến, đặc biệt là trên các nền tảng ít được kiểm soát chặt chẽ như mạng xã hội.
Các CLB sách 'hưởng lợi' từ các cô gái Gen Z
Trong bối cảnh xã hội ngày càng cô đơn, nhiều phụ nữ thuộc Gen Z (sinh năm 1997-2012) đang tìm đến các câu lạc bộ sách để kết nối và xây dựng mối quan hệ. Theo Business Insider, số lượng phụ nữ trẻ tự lập hoặc tham gia các câu lạc bộ sách đã tăng mạnh, với sự phổ biến của các nền tảng và xu hướng chia sẻ về sách trên mạng xã hội.