“Bà nhắc nhỏ Hương đừng sai chồng như sai con nữa. Đi ngoài đường mà tôi thấy nó cứ sai thằng Bảo làm đủ thứ. Ở nhà cũng vậy, hết pha sữa cho thằng Bin rồi tới quét nhà, riết thấy không được”.
Ông Thanh Hoàng (51 tuổi, Bạc Liêu) nhắc vợ khi sang thăm nhà con trai. Ông bà cho vợ chồng anh Bảo ra ở riêng 2 năm nay. Những lần sang thăm thấy con trai làm việc nhà, ông đều tỏ ra khó chịu.
Trong suy nghĩ của ông, việc nhà vốn không phải dành cho đàn ông.
Việc của đàn ông là kiếm tiền lo cho gia đình. Còn phụ nữ phải chăm lo công việc bếp núc, nhà cửa. Không ai “xâm phạm” quyền và nghĩa vụ của ai.
Bởi vậy, đến nay ngoài 50 tuổi, sống với vợ - bà Thu Hồng (50 tuổi) - cũng ngót nghét 30 năm, ông Hoàng chỉ giúp cùng lắm là “quét sơ sơ cái nhà nhưng vẫn không sạch”. Mỗi lần bà Hồng về thăm nhà ngoại hay bị bệnh, ông lại ra ngoài ăn phở, cơm bụi cho qua bữa.
“Tôi không muốn ‘học’ cách làm việc nhà. Làm việc nhà khiến tôi cảm thấy gượng gạo”, ông nói.
Những người đàn ông thế hệ trước thường cho rằng việc nhà là trách nhiệm của phụ nữ. Ảnh: Getty. |
Hoài Bảo - con trai ông Hoàng - cảm thấy khó xử mỗi khi cha mẹ đề cập đến chuyện: “Sao mày phải làm việc nhà nhiều thế”.
Anh và vợ cùng tuổi, trước khi cưới đã thỏa thuận chia sẻ công việc, cùng chăm lo cho con cái. Bảo cho rằng chuyện làm việc nhà quá đỗi bình thường, giúp vợ mình cũng là cách duy trì hạnh phúc gia đình.
“Khi có con, công việc bận bịu, tôi cũng thương vợ nên giúp vợ làm việc nhà nhiều hơn. Vợ tôi nhiều đêm con khóc quấy, khuya không ngủ được, sáng chủ nhật mệt mỏi nên ngủ bù một tí. Tôi cũng phụ vợ một tay quét dọn nhà cửa. Cha mẹ sang chơi thấy vậy lại không vừa ý”, Bảo tâm sự với Zing.vn.
Không riêng hai cha con Bảo, nhiều nam giới trong cùng một gia đình, do cách biệt thế hệ, có quan điểm khác nhau trong vấn đề: "Đàn ông làm việc nhà, nên hay không?".
Trong khi đàn ông thế hệ trước thường cho rằng nội trợ, vun vén gia đình là trách nhiệm của phụ nữ, nam giới trẻ ngày nay lại thấu hiểu và chủ động hơn trong việc gánh vác việc nhà với nửa kia.
Không ít người đàn ông lớn tuổi dạy con cái họ rằng nam giới chỉ cần lo sự nghiệp vẻ vang, còn chuyện phải vào bếp nấu ăn, xắn tay rửa bát là điều gì đó "kỳ cục".
Trái lại, nhiều nam thanh niên hiện đại thấu hiểu việc nhà không phải là trách nhiệm ai đó đặt lên vai, bắt họ gánh vác, mà đơn giản là sự san sẻ để đời sống gia đình thêm hạnh phúc.
"Đàn ông ngồi nếm từng muỗng canh thì kỳ quá"
Tự nhận mình có suy nghĩ bảo thủ, ông Văn Điển (57 tuổi, TP.HCM) tỏ ra không mấy hài lòng khi được nhắc: “Đàn ông nên phụ vợ chăm sóc gia đình. Lúc vợ nấu cơm, chồng vào rửa chén. Lúc vợ quét nhà, chồng nên đi phơi quần áo”.
“Điều này không đúng cho lắm. Thử nhìn xem, ngoài xã hội làm gì có chuyện đàn ông đụng tay vào những chuyện của phụ nữ như bếp núc này nọ. Việc một người đàn ông ngồi xử lý từng con cá, cắt từng miếng thịt tôi thấy quá xa lạ, không kể đến những đầu bếp nam chuyên nghiệp. Tóm lại là không quen”.
Ông Điển nói rằng đến tuổi này ông cũng không biết cách chế biến mớ rau, con cá như thế nào.
Nhiều nam giới cảm thấy lạ lẫm, không quen khi làm việc nhà giúp vợ. Ảnh: Shutterstock. |
Hơn 25 năm sống cùng vợ, mỗi tháng lĩnh lương, ông đều đưa cho vợ quản lý chuyện nhà cửa. Cơm nước trong nhà cũng do vợ quyết định, mỗi ngày ăn món gì ông đều không đòi hỏi.
Ông Điển nói thêm vợ cũng hài lòng với chuyện chuyên tâm ở nhà làm nội trợ.
"Nhiều lúc, tôi cũng muốn giúp vợ, nhưng mỗi khi nghĩ đến việc đàn ông cầm cây chổi quét nhà, đứng dưới bếp nêm từng muỗng canh, tôi thấy kỳ quá nên thôi", ông nói.
Ngược lại, ông có một người con trai rất sẵn sàng làm việc đó, thậm chí nấu ăn ngon.
Cao Minh (28 tuổi) coi "việc nhà là chuyện nhỏ". Hai vợ chồng anh có 2 con, cũng đã ra ở riêng, ở nhà cha mẹ còn một đứa em trai đang học đại học.
Sau khi cưới vợ được 4 năm, đến hiện tại, hầu hết việc nấu ăn đều do một tay anh phụ trách.
Vợ anh buôn bán quần áo ngoài chợ, sáng đi từ sớm đến khoảng 18h mới về đến nhà. Bản thân đang là chủ cửa hàng điện thoại di động, anh tự nhận xét công việc của mình rảnh rỗi hơn vợ.
Hàng ngày, mỗi bữa trưa anh đều nấu cơm. Khi thì vợ tự về ăn, những hôm đắt hàng anh mang ra cho vợ. Đến tối vợ về, công việc nhà cửa, cho con ăn hay giặt quần áo là do chị làm.
"Vợ chồng sống với nhau, những thứ chia sẻ công việc với nhau chỉ là nhỏ nhặt. Đàn ông ở ngoài thế nào tôi không biết. Riêng tôi, tôi vẫn thấy vui vì điều này", anh Minh khẳng định.
"Việc nhà thì đơn giản, ai cũng làm được thôi"
Là con trai trong gia đình, từ nhỏ Nguyễn Tràng (32 tuổi) đã được cha mẹ chỉ bảo rằng đàn ông phải lo học hành, sự nghiệp. Những việc nội trợ trong nhà anh không phải làm gì, cha anh cũng như vậy.
Nhưng đến khi lập gia đình, cùng vợ chuyển ra ở riêng rồi sinh con, Tràng mới thấy bản thân phải có trách nhiệm hơn với mái ấm nhỏ của mình.
Ngày trước, chuyện cơm nước đều do mẹ và các chị gái lo. Nhưng khi chỉ có 2 người, vợ bận bịu chăm con đến mức không kịp ăn uống, anh cũng lao vào tập tành nấu nướng, giặt giũ, lâu dần thành quen.
"Cha từng dạy mình việc nhà là của phụ nữ, nhưng lớn lên mình thấy điều đó sai", anh bày tỏ.
Nam giới trẻ ngày càng có ý thức hơn trong việc chia sẻ việc nhà. Ảnh: Getty. |
Những hôm phải làm đêm, Tràng trở về căn phòng nhỏ của mình khi vừa sáng. Tiếng mở cửa của anh khiến cô con gái nhỏ tỉnh giấc.
Anh nhẹ nhàng bế con đi rửa mặt, đánh răng, không phiền đến vợ đang nằm ngủ ngon giấc.
Từ ngày sinh con, vợ anh phải nghỉ việc ở công ty cũ, toàn tâm toàn ý ở nhà chăm sóc con nhỏ. Thấy bà xã suốt ngày đầu tắt mặt tối lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho con, anh cũng có phần thấu hiểu.
“Mỗi lần đi làm đêm về, mình rất mệt vì thiếu ngủ. Nhưng không thể vất vả bằng vợ hôm nào cũng một mình 'đánh vật' với chuyện chăm con. Một mình ở nhà, cô ấy lo bao nhiêu việc. Những hôm mình đi làm cả ngày, vợ chỉ ăn uống qua loa vì không có thời gian”, anh nói.
Với lịch trực đan xen ngày, đêm, Nguyễn Tràng luôn cố gắng sắp xếp thời gian để nấu ăn cho gia đình. Mỗi khi ở nhà, anh luôn là người tranh phần đi chợ, nấu nướng để vợ thoải mái chơi với con.
Rảnh rỗi, anh dắt con đi chơi để bà xã có thời gian riêng, nghỉ ngơi hoặc làm điều cô thích. Những ngày ca làm việc bắt đầu từ 14h chiều, anh sẽ tranh thủ nấu đồ ăn trước để buổi tối vợ đỡ phải lu bu nấu nướng.
“Vợ đã hy sinh sự tự do, công việc để ở nhà chăm con. Mình biết đó là điều không dễ. Còn những công việc ở nhà thì đơn giản, ai cũng làm được thôi chứ không riêng gì mình”, anh tâm sự.
Tràng kể, đôi khi vợ anh bị hàng xóm xung quanh đàm tiếu, nói cô chỉ ở nhà chơi với con mà còn bắt chồng phải làm việc nhà. Người ta nói anh chiều vợ quá, khổ thân.
Nhưng anh không để tâm những lời đó. Đối với Tràng, đỡ đần vợ không phải việc gì to tát, đơn giản đó là điều anh cảm thấy mình có thể thì anh làm.
"Mọi người thường nói nếu đàn ông đã đi ra ngoài kiếm tiền, phụ nữ phải có trách nhiệm chu toàn chuyện trong nhà. Làm việc nhà là chia sẻ với nhau, đừng xem đó là nghĩa vụ của ai", anh Tràng bày tỏ.