Chùa Pháp Vân (244 Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh, TP HCM) mới ra đời được khoảng 50 tuổi. Tuy vậy, nơi đây nhiều năm liền là nơi trú chân cho hàng trăm sĩ tử thi đại học.
Tiếp phóng viên trong một góc chùa đơn sơ nhìn ra là hiên nhà rợp bóng cây, Đại đức Thích Minh Lộc cho biết, chùa thực hiện chương trình tiếp sức mùa thi từ năm 2007, nhưng đến năm 2011 mới thực sự đi vào quy củ. Là một trong hệ thống tiếp sức mùa thi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chùa Pháp Vân đảm nhận nhiệm vụ hậu cần, lo chỗ ở, thức ăn và nước uống.
Chùa Pháp Vân (quận Bình Thạnh) nhiều năm liền hỗ trợ thí sinh ở miễn phí. |
Chùa đã tu sửa và sắp xếp hai phòng hội trường lớn cho sĩ tử và người thân tá túc. Mỗi hội trường dành cho một giới riêng, nam ở một bên và nữ ở một bên, đối với người thân trong gia đình cũng vậy. Việc thăm hỏi diễn ra bình thường nhưng khi đêm về, ngả lưng nghỉ ngơi, mọi người sẽ về chốn của mình.
“Điều này là quy định chung của chùa nhằm giữ không gian thanh sạch, rất may là nhà chùa nhận được sự thông cảm và đồng thuận từ phía phụ huynh cũng như thí sinh”, Đại đức Thích Minh Lộc chia sẻ. Sức chứa của những hội trường này vào khoảng 200 người, cao điểm nhất là năm 2011, chùa Pháp Vân chật ních các thí sinh đến đăng kí, vượt qua con số dự kiến ban đầu.
Chùa Pháp Vân có bếp nấu ăn riêng. Ngay khi nhận được lịch triển khai chương trình, chùa đã tiến hành tích trữ gạo và rau củ quả từ nguồn vốn. Nếu có khó khăn, chùa sẽ đi xin thực phẩm từ những tiểu thương trong chợ hoặc với người quen biết. Cơm chay được nấu đầy đủ, đáp ứng nhu cầu ăn uống và cung cấp dinh dưỡng cho các sĩ tử trong kì thi quan trọng sắp tới. Tôn trọng khẩu vị người ăn, các sư ở chùa không ép tất cả phải ăn chay, ai muốn ăn mặn có thể ra ngoài tìm mua, miễn sao mỗi người đều có thể ấm bụng, đủ sức khỏe để làm bài thi tốt nhất.
Không gian chùa tĩnh lặng và thanh sạch giúp cho các thí sinh nghỉ ngơi và ôn thi. |
Bên cạnh đó, chùa Pháp Vân còn hỗ trợ suất ăn cho đội tiếp sức mùa thi túc trực tại chùa, sinh viên tình nguyên của Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Tài chính - Marketing… Chùa đảm nhận cả việc giúp đỡ sĩ tử di chuyển đến các điểm thi trong trường hợp cấp bách nhất. Bởi lẽ thí sinh đổ về chùa quá đông trong khi sức người có hạn, nếu tạo ra tiền lệ, chùa không thể hỗ trợ di chuyển cho tất cả thí sinh này.
Đại đức Thích Minh Lộc nói thêm:“Thực ra, thí sinh xin vào chùa tá túc phải qua vòng xem xét hồ sơ của Ban tổ chức, việc xem xét này chỉ là để biết thí sinh thi ở đâu, gần chùa nào nhất thì sắp xếp cho thí sinh vào đấy. Tất cả cũng chỉ vì muốn tạo điều kiện tốt nhất cho các em thôi”.
Trong quá trình ở lại chùa, các sư đều cố gắng tạo không gian thân thiện để sĩ tử bớt áp lực thi cử. Đại đức Thích Minh Lộc chia sẻ, Có những lần thấy các em căng thẳng quá, thầy dẫn tất cả đi ăn chè, cầu may mắn. Những đêm khuya thấy “lũ nhỏ” chưa ngủ, thầy la rầy thì chúng ra vẻ sợ sệt nhưng lại tủm tỉm cười.
“Đó đều là những kỉ niệm khó quên”, thầy nói. Có lẽ vì sự thân tình ấy mà nhiều sinh viên thường quay trở lại nơi này đăng ký làm tình nguyện viên, tiếp sức cho các thế hệ tiếp theo vượt vũ môn thành công.
Năm 2013, chùa tiếp nhận trường hợp bà ngoại dẫn cháu đi thi. Hai bà cháu thuộc dạng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lúc lên đến chùa đã không còn một xu dính túi. Ngoài việc hỗ trợ về chỗ ăn ở, chùa đã liên hệ với nhiều tờ báo lớn, nhiều nhà tài trợ nhờ đăng thông tin giúp đỡ, nhờ thế mà những tấm lòng thơm thảo đã tìm đến đưa hai bà cháu vượt qua cảnh ngặt nghèo. Thí sinh đấy sau này đỗ vào Đại học Công nghiệp, thương sự hiếu học, chùa cho phép ở lại tá túc đến khi cảm thấy có thể sống độc lập được.
Ngoài chuyện trợ giúp sĩ tử có hoàn cảnh khó khăn, chùa Pháp Vân còn có những phần quà khuyến học cho thí sinh thi đỗ đại học đạt thành tích cao. Những tấm lòng bao dung, tốt đẹp của các thầy là động lực để các sĩ tử vươn cao, vươn xa trên bể rộng tri thức nhân loại.