Đứng dưới góc nhìn y học, những trường hợp này được gọi là người lưỡng tính giả (pseudohermaphrodite) hay còn được gọi bằng thuật ngữ liên giới tính (intersex). Thuật ngữ này dùng để chỉ những trạng thái phát triển không điển hình của giới tính và sinh lý trên cơ thể. Đó có thể là những đặc điểm bất thường cả ở bên ngoài và bên trong bộ phận sinh dục như buồng trứng, tử cung, tinh hoàn, nhiễm sắc thể giới tính, tuyến nội tiết hoặc các hormone giới tính.
Đây là một dạng rối loạn di truyền rất hiếm gặp, theo thống kê, tỷ lệ xuất hiện liên giới tính trung bình vào khoảng 1/2.000 ca sinh. Tuy nhiên, ở Salinas việc này lại rất thường thấy. Theo ước tính, khoảng 1/90 bé gái sinh ra tại đây sẽ xuất hiện việc “chuyển đổi” này khi đến 12 tuổi.
Những em bé ở làng Salinas, tỉnh Barahona, miền nam Cộng hòa Dominicana không thể biết chính xác mình là "cô gái" hay "chàng trai" cho đến năm 12 tuổi. Ảnh: BBC. |
Trên thực tế, những trường hợp “guevedoces” ở Salinas là các bé trai nhưng lại có bộ phận sinh dục bên ngoài giống như của bé gái.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do một dạng rối loạn di truyền hiếm gặp gây khuyết thiếu 5-α-reductase - loại enzyme kích thích sản xuất ra hormone giới tính nam dihydro-testosterone khi đứa trẻ còn trong bụng mẹ.
Trong vài tuần đầu tiên của thai kỳ, bộ phận sinh dục của cả bé trai và bé gái không có gì khác biệt. Đến khoảng tuần thứ 8 của thai kỳ, trong cơ thể các bé trai bắt đầu sản sinh ra dihydro-testosterone với số lượng lớn và bắt đầu hình thành nên các bộ phận của cơ quan sinh dục bao gồm: dương vật, đường niệu đạo và tuyến tiền liệt.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hình thành bộ phận sinh dục bên ngoài này, một số bé trai thiếu enzyme 5-α-reductase khiến lượng dihydro-testosterone bị suy giảm, dẫn đến gián đoạn quá trình hình thành dương vật. Điều này khiến các bé khi sinh ra có bộ phận sinh dục nhìn rất giống âm đạo của bé gái.
Sau đó, khi đến tuổi dậy thì, trong cơ thể các “bé gái” này sẽ sản sinh ra một lượng lớn hormone nội tiết tố nam testosterone khiến cơ quan sinh dục nam tiếp tục phát triển tạo thành dương vật.
Về cơ bản, quá trình phát triển cơ quan sinh dục của các bé này đáng lẽ phải được thực hiện ngay từ khi còn trong bụng mẹ nhưng đã bị hoãn lại cho tới 12 năm sau.
Johnny, 24 tuổi từng là một bé gái có tên Felicitia trước năm 12 tuổi. Anh xuất hiện trong một bộ phim tài liệu về hiện tượng lạ ở làng của mình trên kênh BBC. Ảnh: BBC. |
Johnny, 24 tuổi, một trong nhiều “guevedoces” ở Salinas, sinh ra với cơ thể là một bé gái có tên là Felicitia, cho biết khi còn nhỏ anh không hề có dương vật và được nuôi dạy như một bé gái. Tuy nhiên mọi thứ bắt đầu thay đổi khi Johnny 7 tuổi. “Tôi không thích mặc đồ của con gái. Tôi nhớ rằng mình đã từng có một chiếc váy nhỏ màu đỏ để đi học nhưng tôi rất ghét phải mặc nó. Tôi không có hứng thú chơi với các bạn gái và chỉ muốn chơi với con trai”, anh nói.
Hiện tại, khi đã 24 tuổi, Johnny được công nhận là một người đàn ông cả về mặt sinh học lẫn thể chất.
Trong làng có nhiều trường hợp giống Johnny và không ai dám chắc những em bé sơ sinh khác đã và sẽ được sinh ra tại làng liệu có được xác định chính xác giới tính ngay từ đầu hay không.
Điều tưởng chừng như bất thường của tạo hóa này lại trở thành bình thường trong làng vì có nhiều bé không xác định được giới tính trước năm 12 tuổi.
Một trong những người đầu tiên nghiên cứu tình trạng này là Tiến sĩ Julianne Imperato-McGinley, từ Cornell Medical College ở New York, Mỹ.
Vào những năm 1970, cô tìm đến vùng sâu vùng xa của Cộng hòa Dominicana, khi đọc được những báo cáo về trường hợp của các cô gái chuyển thành chàng trai ở đây.
Cuộc điều tra của Imperato-McGinley cho thấy trong hầu hết trường hợp chuyển đổi giới tính này đều sống cuộc đời của một đàn ông thực thụ, cả về tính cách và quan hệ tình dục. Một số người thì chọn phẫu thuật để trở thành nữ giới như khi được sinh ra.
Hiện câu hỏi vì sao lại có nhiều trường hợp “guevedoces” ở Salinas vẫn đang gây nhiều tranh cãi.